Các nhà sinh học đã chỉ ra rằng nếu di chuyển một bầy voi rừng từ một địa điểm mà chúng quen thuộc đến một địa điểm mới dù cùng nằm trong một khu rừng quốc gia cũng khiến chúng thay đổi tính nết, trở nên hung dữ, phá phách nhằm vào đối tượng là con người.

Kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học Mỹ thuộc Viện Smithsonian tiến hành và công bố trên Tạp chí PLOS ONE.

Người ta thấy rằng có thể tránh được sự đụng độ giữa người và voi rừng bằng cách cứ để chúng sống trong những vùng “truyền thống” của chúng, xen kẽ với dân cư và có những biện pháp bảo tồn đặc biệt. Muốn bảo vệ chúng nhưng không hiểu biết được điều này thì việc bảo vệ sẽ dẫn đến những hậu quả ngược với mong muốn của mình.

Bị mất môi trường sống truyền thống khiến voi trở nên hung dữ và xung đột với con người. Ảnh minh họa.

Các nhà khoa học đã so sánh số phận của một bầy voi 12 con bị di chuyển chỗ ở trong vườn quốc gia ở Sri Lanca với một bầy khác cũng 12 con sống tại nơi chúng đã sinh ra. Các hoạt động của chúng được theo dõi bằng vệ tinh GPS.

Kết quả là, những con voi bị di chuyển nơi cư trú trước sau thì cũng thay đổi tính nết và xung đột với con người.

Trong số 12 con voi bị chuyển chỗ ở, thì 2 con đã bị giết ngay trong vườn quốc gia, 5 con bị sát hại sau 260 ngày kể từ khi được chuyển đến. Một số tìm đường trở về “quê hương”,  và những con còn lại cứ lang thang trong vùng giáp ranh ở bìa rừng, phá hoại mùa màng, nương rẫy và nhà ở của dân cư địa phương, không loại trừ cả việc truy sát để quật chết họ.

Ngay trong thời gian các nhà sinh học đang nghiên cứu, tại một vùng voi được chuyển tới đã xảy ra 5 vụ voi xuống khu dân cư quậy phá, giết hại 5 người. Trong khi đó, bầy voi 12 con khác không đụng chạm đến, cứ để chúng sống tự do trong những khu rừng cũ, có cư dân thì số người bị voi làm chết chỉ là một người.

Điều này chứng tỏ rằng để bảo vệ voi, nên để chúng sống trong môi trường quen thuộc, có áp dụng các biện pháp ngăn chặn bọn săn trộm và không cần thiết phải cách ly chúng với dân cư.

Bảo Châu