Trong phạm vi đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển năng lượng hạt nhân ở Việt Nam, nhiệm vụ đào tạo cán bộ thực hành ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân và cả cán bộ quan trắc phóng xạ môi trường, có tầm quan trọng không thể thiếu được.

 

Nhiệm vụ này cần thiết vì ở nước ta đang tồn tại những nguồn phát phóng xạ như lò phản ứng hạt nhân, các máy gia tốc hay các nguồn phóng xạ với công suất lớn sử dụng trong các ngành như công nghiệp hay y tế. Tình trạng này tạo nên sự tiềm tàng nguy cơ phát tán phóng xạ hoặc mất mát nguồn phóng xạ.

Càng cần thiết hơn khi trong khu vực, đặc biệt ở nước Trung Hoa kế cận nước ta, đang và sẽ đưa vào hoạt động hàng loạt nhà máy điện hạt nhân với những lò phản ứng công suất lớn với lượng phóng xạ tạo ra và tích lũy ngày càng lớn, đáng kể là các nhà máy đã và sắp khởi động ở Bằng Giang (Quảng Tây) và Trường Giang (đảo Hải Nam) rất gần các tỉnh ven biển Bắc Bộ nước ta.

Nhiệm vụ này đã được triển khai từ mấy năm trước. Và đặc biệt, mới đây với sự hợp tác giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA), công việc huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực nói trên đã được triển khai tích cực. Theo thông tin từ Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân (VKHKTHN) ở Hà Nội, từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 10 năm 2015 vừa qua hai khóa đào tạo đã được kế tiếp tổ chức.

Khóa thứ nhất bắt đầu ngày 28/9 đến ngày 02/10/2015 tại Trung tâm Đào tạo thực hành (Hanoi-NuHRDeC). Trong thời gian trên, Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân phối hợp với Trung tâm Đào tạo Nhân lực Hạt nhân của Nhật Bản (JAEA-NuHRDeC) tổ chức Khóa đào tạo thực hành về “Sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân lần thứ 7”.

{keywords}

Các hướng dẫn viên và học viên tham gia khóa đào tạo thực hành về “Sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân lần thứ 7”. Ảnh: Nguồn Viện KHKTHN.

Tiếp theo các khóa đào tạo trước đây, Viện KHKTHN đã phối hợp với Trung tâm đào tạo nhân lực hạt nhân của Nhật Bản (JAEA-NuHRDeC) tổ chức Khóa đào tạo này từ ngày 28/9 đến 02/10/2015 tại Trung tâm Đào tạo thực hành đặt ở viện này.

Tham gia khóa đào tạo gồm có 25 học viên là các cán bộ kỹ thuật từ các tỉnh thành trong nước khác nhau như Điện Biên, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Long An, Hậu Giang và Sóc Trăng.

{keywords}

Một nhóm học viên tìm hiểu thiết bị đo phóng xạ trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Nguồn VKHKTHN,

Đây là một trong những khóa đào tạo có số lượng người tham gia đông nhất từ trước tới nay.

Khóa học do các giảng viên Việt Nam đã được đào tạo tại Nhật Bản cùng với 2 chuyên gia Nhật Bản đến từ JAEA trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn thực hành, diễn tập trên các thiết bị và dụng cụ do Nhật Bản viện trợ.

Qua một tuần học tập lý thuyết, thực hiện các thí nghiệm thực hành, các học viên đã được cung cấp một khối lượng kiến thức cơ bản và cần thiết nhất trong các công việc liên quan đến đảm bảo an toàn bức xạ nhưng chưa có điều kiện để tiếp cận với các kinh nghiệm thực tế, hoặc các hoạt động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân ở các mức độ khác nhau.

Theo tư liệu Viện KHKTHN, 25 học viên tham dự khóa học đều nhận được chứng chỉ hoàn thành chương trình của khóa đào tạo.

Tiếp theo, từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 10 năm 2015, một khóa đào tạo khác với tiêu đề “Quan trắc phóng xạ môi trường lần thứ 5 (ERM-5)” cũng đã được tổ chức tại Viện KHKTHN. Đây là một trong những hoạt động thuộc Dự án hợp tác đào tạo nhân lực hạt nhân giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN-VINATOM) và Trung tâm đào tạo nhân lực hạt nhân của Nhật Bản (JAEA-NuHRDeC).

Tham gia khóa học có 17 học viên đến từ các cơ quan, đơn vị như Bệnh viện đa khoa  Lào Cai, Bệnh viện đa khoa Ninh Bình, Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ, Liên đoàn địa chất Xạ - Hiếm, Trung tâm y tế dự phòng An Giang, Sở KHCN Bắc Kạn, Sở KHCN Hải Dương, Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân.

{keywords}

Một nhóm học viên thực hành với thiết bị đo đạc phóng xạ hiện trường. Ảnh: Nguồn VKHKTHN.

Tham gia giảng dạy cho khóa học cũng là các chuyên gia Nhật Bản, các cán bộ nghiên cứu có kinh nghiệm và một số cán bộ trẻ có triển vọng của Việt Nam từng được đào tạo chuyên môn tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA).

Qua một tuần học tập lý thuyết, thực hiện các thí nghiệm thực hành, các học viên đã được giới thiệu làm quen với kỹ thuật thu góp và xử lý mẫu, kỹ thuật ghi đo bức xạ mẫu môi trường và đánh giá liều gamma hiện trường, đồng thời được cung cấp một số thông tin về hiện trạng kiểm soát phóng xạ môi trường ở Việt Nam và mạng quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia.

Cũng theo tư liệu Viện KHKTHN, tất cả 17 học viên tham dự khóa học cũng đều nhận được chứng chỉ hoàn thành chương trình của khóa đào tạo.

Các khóa đào tạo nhân lực hạt nhân phóng xạ thực hành như trên sẽ còn tiếp tục tổ chức sắp tới trong thời gian dài dài.

Minh Trần