- Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, vào tháng 12/2015, Hội nghị Quốc tế về Biến đổi Khí hậu (viết gọn là COP.21) sẽ mở ra tại Paris. Nếu thế giới muốn đạt được thỏa thuận để hạn chế hiện tượng ấm nóng bầu không khí của Trái Đất thì các nước phải sẵn sàng giải quyết những vấn đề chính đặt ra trên bàn của hội nghị này.


Những vấn đề hay là các câu hỏi khó liên quan đến mục tiêu tham vọng, chia sẻ nỗ lực, hình thức pháp lý. Và dưới đây là một vài điểm trọng tâm về các bất đồng đang tồn tại đến lúc này.

{keywords} 

Trách nhiệm “khác biệt”

Có thể hiểu đây là sự chia sẻ các cố gắng đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu giữa một bên là những nước phát triển, vốn vẫn là những nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, một nguyên nhân chủ yếu khiến trái đất bị ấm lên, và bên kia là các nước đang phát triển và mới trỗi dậy.

Mối bất đồng căn bản này trong các cuộc thương lượng về khí hậu sẽ phá hỏng những giải pháp cho vấn đề nghĩa vụ, cơ chế minh bạch và việc xem xét các mục tiêu của các quốc gia, hay phần hỗ trợ tài chính cho những nước nghèo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Mục tiêu dài hạn

Các nước đã nhất trí với nhau, rằng thỏa thuận của Hội nghị Paris là “phải khẳng định lại mục tiêu dài hạn của các thỏa thuận đã có trước đó”, nhất là duy trì gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 2°C hoặc thậm chí chỉ là 1,5°C vào năm 2030 so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này đã được ghi trong tài liệu thảo luận nội bộ, được Pháp chuẩn bị cho hội nghị cấp bộ trưởng không chính thức hồi tháng 7 tại Paris. Thế nhưng việc diễn giải cụ thể mục tiêu này vẫn là vấn đề tranh cãi.

Một vấn đề khác liên quan đến thỏa thuận chung cần phải thương lượng tới đây là thời hạn của thỏa thuận, sự cập nhật thời gian và các cách thức đánh giá lại những cam kết của các quốc gia.

Phương tiện hành động hay bao nhiêu tiền và tiền lấy ở đâu?

Các nước đang phát triển, hay nói cách khác là các nước nghèo vẫn yêu cầu phải cụ thể khoản hỗ trợ tài chính giúp họ để chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch mà các nước công nghiệp dự tính chi ra. Theo hứa hẹn thì khoản tiền này là 100 tỷ đô la mỗi năm từ nay đến năm 2020. Ngoài ra một câu hỏi khác đặt ra là: Mục tiêu tập thể và cá nhân được ấn định ra sao cho hậu 2020, tức là năm thỏa thuận Paris có hiệu lực? Và Làm thế nào để thúc đẩy các cơ chế chuyển giao công nghệ ?

{keywords} 

Thích ứng với sự biến đổi khí hậu

Theo tài liệu chuẩn bị cho hội nghị, từ giờ có thể coi như thỏa thuận Paris là công cụ chính sách quan trọng bình đẳng cho việc giảm thiểu biến đối khí hậu đồng thời cho việc thích ứng với quá trình ấm lên. Thế nhưng đến lúc này chưa có một sự hỗ trợ nào dành cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào gia tăng nguồn tài chính dành cho thích ứng với biến đổi khí hậu, làm thế nào để khuyến khích các bên lên kế hoạch dự trù thích ứng với biến đổi khí hậu?

Các nước tham gia hội nghị Paris tới đây cũng sẽ phải suy nghĩ về một vấn đề khá nhạy cảm đó là khái niệm “tổn thất và thiệt hại” liên quan đến những tác động không tránh được của quá trình biến đổi khí hậu. Đó là đòi hỏi cua các quốc gia dễ bị tác động nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu, như các nước có đảo bị đe dọa nhấn chìm khi nước biển dâng cao.

Hành động và hợp tác

Làm thế nào củng cố tham vọng giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 mà theo các nhà khoa học thì đây là giai đoạn bản lề nếu thế giới muốn đạt được mục tiêu kìm giữ nhiệt độ tăng toàn cầu ở mức dưới 2°C. Tiếp đó là làm sao tăng cường hành động sau năm 2020, thông qua nền tảng hợp tác với sự tham gia của các tác nhân không phải Nhà nước như các thành phố chẳng hạn.

Hình thức, tính chất pháp lý của thỏa thuận

Năm 2011, tại hội nghị Durban, các nước đã nhất trí trong năm 2015 phải đạt được một nghị định thư, một văn kiện được coi là công cụ mang tính pháp luật hoặc một giải pháp có sức mạnh pháp lý. Từ đó đến nay không có các cuộc thảo luận cần thiết và các câu hỏi vẫn còn để ngỏ. Chẳng hạn, các câu hỏi sau: Các cam kết quốc gia về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kinh sẽ ghi trong thỏa thuận hay để riêng bên ngoài? Quy chế nào cho các quy định minh bạch hóa?

Quả các vấn đề nêu ra ở trên là những câu hỏi khó cho Hội nghị COP.21 đang đến rất gần, vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12 năm 2015 ở Paris.

T.M. (Sưu tầm)