Bản “Kế hoạch Năng lượng sạch”, một bước đi lịch sử và mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của chính quyền Tổng thống Obama, được chính thức công bố hôm 3/8/2015 vừa qua đã tạo ra những cơn bão tố mạnh mẽ, trái nhiều nhau trong nước Mỹ và cả trên thế giới.

Văn bản quan trọng đó đặt ra những tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên nhằm hạn chế mạnh nạn ô nhiễm từ 600 nhà máy nhiệt điện than, nguồn phát thải khí cacbonic lớn nhất hiện nay tại Mỹ và đưa nước này vào danh sách các quốc gia phát thải khí nhà kính độc hại lớn nhất thế giới mà vị trí đầu bảng là nước Cọng hòa nhân dân Trung Hoa.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố “Kế hoạch Năng lượng sạch”. (Ảnh: BBC).

Kế hoạch năng lượng hay cụ thể hơn là điện năng sạch vừa được chính phủ Mỹ công bố đặt ra những tiêu chuẩn quốc gia đầu tiên nhằm hạn chế ô nhiễm từ các nhà máy điện than, nguồn phát thải khí cacbonic lớn nhất hiện nay tại nước này.

Bản kế hoạch đó ghi rõ tới năm 2030, Hoa Kỳ sẽ cắt giảm 32% lượng phát thải khí cacbonic so với mức của năm 2005. Đối tượng cắt giảm, tất nhiên, hướng đến các nhà máy nhiệt điện sử dụng than. Nhưng mức độ cắt giảm sẽ linh hoạt đối với từng nhà máy và, do đó, với từng tiểu bang. Điều này có nghĩa là giao nhiệm vụ cho các tiểu bang xây dựng kế hoạch chung của mình và giao chỉ tiêu riêng cho từng nhà trong phạm vi tiểu bang mình phụ trách.

Như vậy, mức cắt giảm của mỗi bang là khác nhau. Các bang sẽ đệ trình kế hoạch cắt giảm khí cacbonic chậm nhất vào năm 2018 và bắt đầu thực hiện vào năm 2022.

Hiện các nhà máy điện đốt than đá cung cấp hơn 37% lượng điện cho nước Mỹ. Với kế hoạch điện năng sạch mới đưa ra, Chính phủ Mỹ kỳ vọng không chỉ sẽ cải thiện môi trường bầu không khí nói chung mà trước mắt sẽ bảo đảm sức khỏe cho dân chúng, cụ thể giảm 90% tỷ lệ tử vong sớm do ô nhiễm từ các nhà máy điện vào năm 2030 so với năm 2005, đồng thời tạo thêm hàng chục nghìn việc làm và đảm bảo nguồn cung cấp điện được giao.

Dĩ nhiên, song hành với cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, nhà nước Hoa Kỳ đồng thời khuyến khích đầu tư vào công nghệ năng lượng sạch, thúc đẩy năng lượng gió và điện mặt trời. Theo kế hoạch TT Obama đưa ra, sau 15 năm nữa, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 28% tổng nguồn cung năng lượng của nước Mỹ.

Ngọn gió nóng thổi ngược

Một bản kế hoạch được xem như một bước đi lịch sử và mạnh mẽ nhất ấy, ngay khi chưa chính thức công bố đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của phe Cộng hòa cùng các công ty điện than và khai thác than, những ngành sẽ chịu tác động nhiều nhất.

{keywords}
Theo kế hoạch của chính phủ Mỹ, sau 15 năm nữa, nước này sẽ cắt giảm 32% lượng phát thải khí CO2 so với năm 2005.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell kêu gọi tất cả các bang tẩy chay kế hoạch năng lượng hay điện năng sạch trong khi ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa. Còn Thượng nghị sỹ Marco nhấn mạnh thêm rằng chi phí sử dụng điện sẽ tăng cao đối với hàng triệu người Mỹ và kế hoạch này cũng không giúp gì cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi mà Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang phát triển khác tiếp tục sử dụng các công nghệ phát thải khí cacbonic với lượng lớn.

Hiệp hội than bang Ohio cũng lên tiếng phụ họa theo, rằng kế hoạch năng lượng sạch sẽ đẩy giá điện tăng cao và đe dọa nguồn cung điện trong nước. Còn Hội đồng Trao đổi luật pháp Mỹ, một tổ chức có nguồn tài chính được hỗ trợ một phần từ các công ty sản xuất điện và khai thác than đang kêu gọi chính quyền các bang và Quốc hội Mỹ chống lại kế hoạch của Tổng thống Obama.

Về phương diện kinh tế, Quỹ Heritage, một trung tâm nghiên cứu có hạng của Mỹ cũng đưa ra ý kiến phân tích của mình, cho rằng kế hoạch điện năng sạch sẽ khiến khoảng 80 ngàn người Mỹ mất việc làm, GDP giảm 28 tỷ USD và thu nhập trung bình hàng năm của mỗi hộ gia đình Mỹ giảm khoảng 300 USD vào năm 2030.

Vỏ quýt dày hẳn có móng tay nhọn!

Phản bác lại những lập luận trên, Tổng thống Obama khẳng định kế hoạch điện năng sạch sẽ không “giết chết” việc làm của người Mỹ mà trái lại còn thúc đẩy thị trường lao động. Theo ông Obama chỉ riêng ngành công nghiệp điện mặt trời đã tạo ra việc làm nhanh gấp 10 lần các ngành khác trong nền kinh tế Mỹ.

Ông Obama nêu rõ, việc làm trong ngành khai thác than đã suy giảm liên tục trong nhiều thập kỷ qua và số nhân công hiện tại của ngành này sẽ được hưởng lợi từ các chương trình y tế và đào tạo lại của chính phủ. Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh rằng với việc thực hiện kế hoạch điện năng sạch thì đến năm 2030, mỗi hộ gia đình Mỹ sẽ tiết kiệm được 85 USD tiền điện/năm, qua đó giúp người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm tới 155 tỷ USD.

Ông Tổng thống đương nhiệm tỏ ra bức xúc: "Chúng ta là thế hệ đầu tiên bắt đầu cảm nhận được tác động của tình trạng thay đổi khí hậu, và cũng là thế hệ cuối cùng có thể thay đổi điều này". Ông còn nói: "Nếu chúng ta không làm thì cũng không ai khác sẽ làm. Hoa Kỳ phải đi đầu, đó là trọng tâm của kế hoạch này. Đây là cơ hội để chúng ta làm điều đúng cho thế hệ sau. Và đối phó với tình trạng thay đổi khí hậu là một trách nhiệm đạo đức”.

Và làn gió mát tiếp sức

Kế hoạch điện năng sạch nhận được sự ủng hộ không chỉ của đại đa số nội bộ đảng Dân chủ mà đặc biệt là nguyên Ngoại trưởng, ứng cử viên tiềm năng Tổng thống nhiệm kỳ tới, bà Hillary Clinton cùng các tổ chức bảo vệ môi trường và cả chính một số công ty điện lực.

{keywords}
Kế hoạch năng lượng sạch nhận được sự ủng hộ của ứng cử viên Tổng thống Hillary Clinton (Ảnh: AP).

Bà Hillary Clinton nói: Bà sẽ bảo vệ kế hoạch năng lượng sạch của chính phủ Obama nếu trúng cử để thay thế ông Obama. Hoặc "Kế hoạch này sẽ cần được bảo vệ, vì những người hoài nghi và chủ bại ở đảng Cộng hòa, bao gồm tất cả các ứng viên tổng thống của phe Cộng hòa, sẽ không đưa ra biện pháp khả thi nào". Và bà nói rõ: “Sự thật là họ không muốn một biện pháp nào cả".

Đặc biệt, bất ngờ khi bản thân ông Giám đốc điều hành của Công ty điện Mỹ, một trong những nguồn phát thải khí cacbonic lớn nhất nước Mỹ cho rằng: việc chính phủ gia hạn thời gian bắt đầu thực hiện kế hoạch điện năng sạch thêm 2 năm thay vì 2020 như đề xuất ban đầu là một bước đi tích cực, tạo điều kiện cho việc phát triển và ứng dụng các công nghệ sản xuất điện sạch.

Mở rộng ra phạm vi quốc tế, bản “Kế hoạch năng lượng sạch” của Hoa Kỳ có vị trí và tầm ảnh hưởng lớn.

Theo quy định về Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP-21 cuối năm này, nay đã đến hạn cho các nước thành viên nộp bản cam kết giảm thải khí nhà kính. Và Mỹ là một trong số các nước thành viên đầu tiên nộp bản cam kết đó, gồm 28 nước thành viên EU, Mỹ, Nga...Trong đó, Mỹ cam kết giảm từ 26% - 28% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến 2025 so với năm 2005. Nga cam kết giảm 25%-30% từ nay đến 2030 so với 1990. Các thành viên EU dự tính giảm 40% lượng khí thải từ nay đến 2030 so với 1990. Về phần các nước đang phát triển, chỉ Mexico là nước đầu tiên nộp đơn với cam kết giảm 22% lượng khí thải vào năm 2030. Trong lúc, chính phủ của nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đặc biệt là Trung Quốc (nước thứ 1 về lượng phát thải khí nhà kính) và Ấn Độ (nước vào loại thứ 3 và đang chần chừ với kế hoạch chống phát thải) là các quốc gia đang khó khăn trong việc phác thảo cam kết của quốc gia mình.

Là nước có lượng khí thải CO2 lớn thứ hai thế giới, và là nước có khả năng đóng góp tài chính lớn nhất, động thái mới của Mỹ sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đi tới một thỏa thuận mới tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu tại Paris cuối năm 2015.

Pháp đặc biệt quan tâm tác động tới các nước lớn có lượng phát thải khí nhà kính lớn và có nhiều ảnh hưởng trên thế giới như Mỹ (nước thứ 2 về phát thải), Trung Quốc, Ấn Độ... đối với thành công của Hội nghị COP21 ở Paris.

Chính phủ Anh cũng đã tỏ lời hoan nghênh kế hoạch của Tổng thống Obama cắt giảm khí nhà kính và tăng năng lượng sạch. Một phát ngôn viên của Bộ Năng lượng Anh và Biến đổi khí hậu (DECC) cho biết sự kiện này sẽ nâng cơ hội đạt được một thỏa thuận toàn cầu tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu Paris vào tháng Mười Hai sắp tới.

Đó cũng là thái độ và niềm hy vọng của trên 150 quốc gia thành viên của Hội nghị quốc tế lớn COP-21 tại Paris sắp đến gần.

Trần Minh (tổng hợp)