- Thông qua 2 chương trình hợp tác kỹ thuật mới, các Chính phủ Đức và Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam 12,5 triệu Euro để bảo vệ rừng và các hệ sinh thái ven biển.

{keywords}
Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Ảnh: GIZ.

Chương trình Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học rừng và các dịch vụ hệ sinh thái tại Việt Nam (gọi tắt là Chương trình Đa dạng Sinh học Rừng), và Chương trình Bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (gọi tắt là Chương trình ICMP) giai đoạn II vừa được ký kết giữa đại diện Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ.

Theo đó, Chương trình Đa dạng Sinh học Rừng có mục tiêu là thiết lập các điều kiện tiên quyết nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các hệ sinh thái rừng ở cấp trung ương, được thực hiện từ 2015-2018.

Tổng ngân sách cho Chương trình này là 4,5 triệu Euro (tương đương 139,6 tỷ đồng) do Chính phủ Đức hỗ trợ không hoàn lại thông qua BMZ. Chính phủ Việt Nam cung cấp 10% vốn đối ứng là 450 ngàn Euro (tương đương 12,6 tỷ đồng).

Chương trình ICMP giai đoạn II có mục tiêu là nâng cao năng lực thể chế, tài chính và lập kế hoạch để thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Chương trình xây dựng trên các giải pháp thực tế, thích ứng với biến đổi khí hậu do chính quyền và người dân địa phương triển khai với sự hỗ trợ của chính phủ Đức và Úc từ năm 2007.

Nhờ các giải pháp được thực hiện trong giai đoạn 1 của chương trình, 99% đê vùng bờ của Sóc Trăng và Bạc Liêu hiện không chịu tác động trực tiếp của sóng biển, 603 ha rừng ngập mặn đã được phục hồi…

Trong giai đoạn II (2014 – 2017), ICMP tập trung thể chế hóa và nhân rộng các giải pháp đã được xây dựng nhằm đạt được tác động toàn diện trên quy mô lớn.

Tổng ngân sách Chương trình lên đến 8,8 triệu Euro (tương đương 209,4 tỷ đồng), trong đó, Chính phủ Đức tài trợ 4,5 triệu Euro (tương đương 107,1 tỷ đồng), Chính phủ Úc tài 3,5 triệu Euro (tương đương 83,3 tỷ đồng). Chính phủ Việt Nam đóng góp 800 ngàn Euro (tương đương 19 tỷ đồng) vốn đối ứng.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐB SCL) là nơi cư trú của 17 triệu người và là vùng canh tác nông nghiệp quan trọng nhất của cả nước. Sản lượng lúa gạo của vùng chiếm 52% tổng sản lượng của cả nước, cung cấp lương thực cho hơn 145 triệu dân sinh sống ở khu vực châu Á, gần bằng tổng dân số của cả Đức và Pháp cộng lại.

Đồng bằng sông Cửu Long cũng là vùng công nghiệp lớn thứ ba cả nước, chỉ đứng sau thủ đô Hà Nội và TP. HCM. Tuy nhiên, hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng nước biển dâng.

Theo các nghiên cứu chính thức, 38% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị nước biển nhấn chìm vào năm 2100. Một số khu vực ven bờ đang bị xâm thực khoảng 30m mỗi năm.

Rừng ngập mặn dọc theo bờ biển bảo vệ đất liền khỏi ảnh hưởng của bão, lũ hiện đang bị suy giảm nghiêm trọng. Mức độ gia tăng xâm nhập mặn dẫn đến tình trạng đất nhiễm mặn, gây khó khăn đáng kể cho sản xuất nông nghiệp.

Các thách thức này đe dọa đến tương lai của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khả năng cung cấp các dịch vụ sinh thái quan trọng mà cộng đồng dân cư địa phương và hàng triệu người dân trên toàn cầu đang sống phụ thuộc vào đó.

Do đó, các chương trình như Đa dạng Sinh học Rừng hay ICMP sẽ góp phần khắc phục các thách thức nói trên thông qua việc củng cố vùng bờ ĐB SCL, giúp Việt Nam sẵn sàng cho sự thay đổi khu vực vùng ven biển.

L.V