Các nhà khoa học phát hiện, giới tính của một số con kỳ đà lớn châu Úc, còn được biết đến với tên gọi "rồng Úc", phụ thuộc vào nhiệt độ mà trứng tiếp xúc trong quá trình ấp nở trong tổ.


{keywords}
Rồng Úc là loài bò sát máu lạnh, rất nhạy cảm với nhiệt độ. Ảnh: IFLScience

Theo nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Nature, số lượng cá thể cái ở loài rồng Úc đang tăng lên do vùng sa mạc - nơi sinh trưởng tự nhiên của chúng đang ấm lên, trong khi giới tính của chúng lại do nhiệt độ ấp nở trứng quyết định.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát được hiện tượng như thế này ở lớp bò sát trong tự nhiên. Trước đây, họ chỉ mới ghi nhận các trường hợp bò sát chuyển đổi từ hệ thống xác định giới tính qua nhiễm sắc thể (giống như ở người) thành hệ thống xác định giới tính phụ thuộc vào nhiệt độ trong phòng thí nghiệm.

Loài rồng Úc, danh pháp khoa học Pogona vitticeps, thường cư ngụ ở vùng rừng rộng lớn miền trung Australia. Người ta rất dễ bắt gặp các động vật máu lạnh này di chuyển lên nơi cao để sưởi ấm dưới ánh sáng mặt trời lúc sáng sớm.

Ở loài rồng Úc, các con cái sở hữu 1 nhiễm sắc thể Z và 1 nhiễm sắc thể W, trong khi các con đực sở hữu 2 NST Z. Tuy nhiên, trong khi các cá thể ZW luôn là con cái, cá thể ZZ có thể trở thành đực hoặc cái. Các thí nghiệm trước đây từng khám phá ra rằng, nhiệt độ ấp nở cao đã biến đổi các cá thể sở hữu nhiễm sắc thể đực thành con cái, tạo ra các con cái "biến đổi giới tính" (ZZf).

Các chuyên gia đến từ Đại học Canberra (Australia) đã xúc tiến nghiên cứu để tìm hiểu xem các hệ thống xác định giới tính cùng tồn tại ở loài rồng Úc như thế nào và điều gì làm khởi phát sự chuyển đổi giữa chúng. Họ đã thu thập mẫu đuôi và máu từ 131 con bò sát trưởng thành và tiến hành phân tích phân tử.

Kết quả hé lộ, 11 trong số những con bò sát này (được thu thập vào giai đoạn ấm nóng hơn) có bộ NST đực, nhưng lại là con cái (tức là thiếu cặp cơ quan sinh dục ngoài đặc trưng của cá thể cái). Những cá thể này đã trải qua sự chuyển đổi nhanh chóng từ hệ thống chịu sự kiểm soát của di truyền sáng hệ thống phục thuộc vào nhiệt độ.

Khi cho các con cái biến đổi giới tính ZZf này giao phối với các con đực ZZ bình thường, không có cá thể nào trong lứa con của chúng sở hữu các nhiễm sắc thể giới tính W và giới tính của những cá thể con hoàn toàn phụ thuộc vào nhiệt độ ấp trứng. ZZf cũng đẻ trứng mỗi năm nhiều gấp đôi các con cái ZW bình thường, trong khi con của chúng có tỉ lệ biến đổi giới tính phụ thuộc vào nhiệt độ cao hơn, dẫn đến việc số lượng cá thể cái trong các đàn rồng Úc tăng lên.

Khám phá trên đã làm nổi rõ vai trò của sự ấm nóng lên toàn cầu trong việc biến đổi sinh vật học và hệ gen của các loài bò sát nhạy cảm với khí hậu. Các nhà nghiên cứu nói, nó có thể làm gia tăng các quan ngại về về cách các sinh vật thích ứng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu nhanh chóng như hiện nay.

Tuấn Anh (Theo IFLScience, Mirror)