Trái với mô tả của truyền thông về một Seoul đang khủng hoảng bởi dịch MERS, mọi hoạt động của người dân thành phố vẫn diễn ra không khác bao nhiêu so với thường nhật.

{keywords}
Khung cảnh nhộn nhịp tại Trung tâm thương mại COEX tại quận Gangnam, Seoul. Không có nhiều người dân đeo khẩu trang xuất hiện tại đây. Ảnh: Lê Văn

Chúng tôi lên đường sang Seoul dự Hội nghị Nhà báo Khoa học Thế giới 2015 (WCSJ2015) đúng vào thời điểm dịch MERS đang bùng phát dữ dội tại Hàn Quốc. Trước khi lên đường, nhiều người trong đoàn chúng tôi cảm thấy lo lắng khi các ca nhiễm bệnh mới phát hiện tăng lên theo từng giờ được đăng tải trên các báo.

Một ngày trước khi máy bay cất cánh, ban tổ chức gửi email cho tất cả các đại biểu tham dự hội nghị khẳng định, tình hình dịch bệnh ở Hàn Quốc chỉ ở cấp 2/4, mức cần phải giám sát chứ chưa tới mức báo động và mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường.

Cô Yoon Kim, Giám đốc dự án thuộc Liên đoàn Báo chí Khoa học Thế giới (WFSJ), cơ quan đồng tổ chức hội nghị, đến Seoul trước chúng tôi một ngày cũng gửi email khẳng định tất cả các hoạt động ở Seoul đều đang diễn ra bình thường và mọi người không cần phải quá lo lắng về dịch MERS.

Cuối cùng, tất cả các nhà báo Việt Nam vẫn quyết định lên đường sang Seoul dù trong lòng vẫn thấp thỏm lo lắng.

Thế nhưng, trái với mô tả của truyền thông về một Seoul đang khủng hoảng bởi dịch MERS, mọi hoạt động của người dân thành phố vẫn diễn ra không khác bao nhiêu so với thường nhật.

{keywords}
Truyền thông dường như đang tô đậm quá mức sự khủng hoảng trước dịch MERS của người dân Seoul. Ảnh: Reuters

Trên tàu điện ngầm, trên xe bus và tại các trung tâm thương mại lớn chỉ lác đác một vài người dân đeo khẩu trang. Mọi người vẫn mua sắm, cười nói vui vẻ. Họ có vẻ khá bình tĩnh trước thông tin về dịch MERS.

Đi vào trung tâm của vùng dịch MERS mới thấy rằng, dường như truyền thông đang cố gắng mô tả về Seoul như một ổ dịch nguy hiểm mà mọi người cần tránh xa.

Dịch MERS thực tế là một dịch bệnh chết người. Cho tới sáng nay 16/6, theo số liệu chính thức từ chính quyền Hàn Quốc, đã có tới 19 trên tổng số 154 người nhiễm virus này đã tử vong trong khi chỉ có 17 người được chữa khỏi.

Tuy nhiên, truyền thông quốc tế và Việt Nam những ngày qua đã chỉ chú trọng vào khía cạnh đáng sợ của MERS mà không quan tâm tới bản chất khoa học của dịch bệnh này.

Hội nghị WCSJ năm nay có thêm một phiên đặc biệt về dịch MERS đang bùng phát tại Hàn Quốc, nơi các nhà báo có cơ hội trao đổi với các chuyên gia của Hàn Quốc về tình trạng dịch bệnh này.

Tại hội nghị, giáo sư Kim Sung-han, thuộc Khoa bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Asan, một trong những bệnh viện lớn nhất của Hàn Quốc khẳng định với các nhà báo rằng, hầu hết các trường hợp nhiễm MERS tại Hàn Quốc đều lây lan từ các trung tâm y tế nơi người nhiễm bệnh có liên hệ rất gần gũi với các bệnh nhân khác cũng như nhân viên bệnh viện.

{keywords}
Giáo sư KIm Sung-han tại phiên họp đặc biệt về dịch MERS tại WCSJ.

Không có lý do gì để hoảng sợ vì virus MERS không lây qua không khí và 97% các trường hợp nhiễm bệnh bắt nguồn từ trung tâm y tế”, ông Kim nói với các nhà báo.

Vị giáo sư đầu ngành về bệnh truyền nhiễm Hàn Quốc cũng khẳng định, không cần thiết phải đeo khẩu trang nếu như bạn không có triệu bị nhiễm bệnh vì virus MERS không dễ lây lan.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn có các triệu chứng hô hấp, bạn nên đeo khẩu trang vì như vậy bạn sẽ không lây lan virus cho cộng đồng. Tuy nhiên, nhân viên y tế có nguy cơ bị nhiễm bệnh nếu họ không dùng biện pháp phòng ngừa an toàn thích hợp như đeo mặt nạ”, Kim giải thích thêm.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đóng cửa tới hàng ngàn trường học như trong thời gian qua tại Hàn Quốc cũng là không cần thiết.

Cho tới thời điểm hiện tại, hầu hết những người nhiễm bệnh đã tử vong đều là những người lớn tuổi, có hệ miễn dịch kém và vốn đã mắc bệnh trước đó. Hơn nữa, virus MERS cũng không dễ lây lan nếu không tiếp xúc thực sự gần gũi với người nhiễm bệnh. Chưa có bất kỳ trường hợp nhiễm bệnh nào phát hiện lây từ trong cộng đồng.

Một quan chức Hàn Quốc nói rằng, Hàn Quốc đang phải chiến đấu trên cả 2 mặt trận: bệnh dịch MERS và nỗi sợ hãi của công chúng.

Nỗi sợ hãi của công chúng về MERS là hoàn toàn chính đáng và có lý do hợp lý. Người ta thường sợ hãi trước những thứ còn đang xa lạ với họ. Song, điều đáng nói là truyền thông đang làm cho nỗi sợ hãi ấy trở nên trầm trọng hơn.

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã nâng mức báo động đỏ đối với hoạt động xuất nhập cảnh của cư dân đến và đi Hàn Quốc. Ngành kinh tế Hàn Quốc đặc biệt là du lịch bị tổn hại nặng nề khi hàng ngàn du khách hủy bỏ chuyến đi tới Hàn Quốc trong hai tuần qua.

Cập nhật tình hình bệnh dịch một cách kịp thời nhất, đó là trách nhiệm của truyền thông. Tuy nhiên, tô đậm khía cạnh đáng sợ của dịch bệnh theo một cách nào đó cũng là một hành vi “khủng bố” và đó không phải là việc báo chí, nhất là báo chí khoa học nên làm.

Lê Văn (từ Seoul)