Ba bộ xương người Việt cổ nằm sát nhau trong ô đất ở núi Rú Điệp (Hà Tĩnh) rộng 6 m2, dưới lớp trầm tích độ sâu 1,8m. Hộp sọ, răng, xương sườn, xương tay, chân còn khá nguyên vẹn.

Ngày 21/4, ông Nguyễn Trí Sơn, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đang phối hợp với Đại học Quốc gia Australia và Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành khai quật 3 bộ xương người Việt cổ ở núi Rú Điệp, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

{keywords}

Các chuyên gia tiến hành khai quật 3 bộ xương người Việt cổ.

Theo ông Sơn, 3 bộ xương nằm sát nhau dưới lớp trầm tích ở độ sâu 1,8m, trong ô đất rộng 6 m2, đầu hướng về phía tây. Các hộp sọ, răng, xương sườn, xương tay, chân đang còn khá nguyên vẹn.

Hiện các chuyên gia khảo cổ đang mở rộng hố khai quật này để tiếp tục bóc các lớp trầm tích xung quanh 3 bộ xương người này. Đoàn cũng tiến hành lập rào chắn và báo với chính quyền địa phương để bảo vệ khu vực khai quật.

{keywords}

Một trong 3 bộ xương được phát hiện, có niên đại chừng 5.000 năm.

“Bước đầu xác định được niên đại của ba bộ xương này thuộc thời kỳ đồ đá mới, cách đây khoảng 5.000 năm”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết thêm, công tác khai quật di chỉ khảo cổ học Rú Điệp được Bộ VHTT-DL phê duyệt thực hiện từ ngày 20/3 tới ngày 20/5 với sự giúp đỡ của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Được biết, núi Rú Điệp thường gọi là gò Rú Điệp, là nơi không có dân cư sinh sống. Việc phát hiện ba bộ xương này là minh chứng cho việc có sự tồn tại của người Việt cổ ở Hà Tĩnh.

Văn Đức