Một người đàn ông mắc căn bệnh nan y đã tiết lộ về việc anh sắp trở thành người đầu tiên trên thế giới được cấy ghép đầu, trong một cuộc phẫu thuật mang tính cách mạng về y học.


{keywords}

Nhà khoa học máy tính Nga Valery Spiridonov mắc căn bệnh hoại cơ nan y cả đời. Ảnh: East2WestNews

Valery Spiridonov, một nhà khoa học máy tính Nga, 30 tuổi, nói, anh sẵn sàng đặt niềm tin vào tiến sĩ Sergio Canavero, chuyên gia phẫu thuật đang gây tranh cãi sau tuyên bố rằng, ông có thể cắt cụt đầu mình và gắn nó vào một cơ thể khỏe mạnh.

Là người phải hứng chịu chứng hoại cơ Werdnig-Hoffman (một căn bệnh di truyền hiếm gặp) cả đời, Spiridonov mong muốn có cơ hội được sở hữu một cơ thể mới trước khi chết.

"Tôi có sợ không ư? Tất nhiên là có chứ. Nhưng việc đó không chỉ rất đáng sợ, mà còn rất thú vị. Nhưng các bạn cần phải hiểu rằng, tôi thực sự không có nhiều lựa chọn. Nếu tôi không thử cơ hội này, số phận của tôi sẽ rất đáng buồn. Với mỗi năm trôi qua, tình trạng của tôi sẽ càng trở nên xấu đi", anh Spiridonov bộc bạch.

{keywords}

Tiến sĩ Canavero đã trò chuyện và cùng lên kế hoạch về ca cấy ghép đầu đầu tiên trên thế giới với anh Spiridonov suốt 2 năm qua. Ảnh: Daily Mail

Tiến sĩ Canavero đã trò chuyện với anh Spiridonov qua ứng dụng Skype, dù họ chưa từng gặp gỡ trực tiếp và vị bác sĩ người Italia cũng chưa xem lại hồ sơ bệnh án của chàng trai Nga. Hãng thông tấn CNN dẫn lời tiến sĩ Canavero tiết lộ, ông đã nhận được nhiều thư và yêu cầu từ những người muốn được cấy ghép đầu, nhưng ông nhất quyết các bệnh nhân đầu tiên phải là những người mắc chứng hoại cơ.

Tiến sĩ Canavero đặt tên cho phương pháp của mình là HEAVEN, viết tắt cho cụm "dự án mạo hiểm nối đầu". Ông khẳng định, mọi kỹ thuật cần thiết để cấy ghép một cái đầu vào một cơ thể hiến tặng đều đã có.

Ca cấy ghép đầu khỉ đầu tiên từng được tiến hành cách đây 45 năm. Và một cuộc phẫu thuật cơ bản, tương tự như vậy trên một con chuột vừa được thực hiện mới đây ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, những người chỉ trích gọi kế hoạch của tiến sĩ Canavero là "hoàn toàn hoang tưởng". Chuyên gia phẫu thuật người Italia thậm chí còn bị ví von với nhân vật tiểu thuyết kinh dị - bác sĩ "quái vật" Frankenstein.

Arthur Caplan, giám đốc phụ trách các quy tắc y khoa tại Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York (Mỹ), mô tả ông Canavero là "gã dở hơi". Trong khi đó, tiến sĩ Hunt Batjer, chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật thần kinh Mỹ, tuyên bố: "Tôi không mong muốn ca phẫu thuật đó xảy ra với bất kỳ ai. Tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai tiến hành nó với mình, vì nó tiềm ẩn nhiều thứ còn tồi tệ hơn cái chết".

Chi phí cho một ca cấy ghép đầu kéo dài 36 tiếng đồng hồ, được tiến hành tại một trong những phòng phẫu thuật tiên tiến nhất thế giới, ước tính lên tới hơn 11 triệu USD.

{keywords} 

Cơ thể cấy ghép sẽ được lấy từ một người hiến tặng bị chết não, nhưng cũng có thể từ một người khỏe mạnh. Cả người hiến tặng cơ thể và người nhận nó đều sẽ bị cắt lìa đầu khỏi cột sống của họ cùng lúc, bằng một lưỡi dao siêu sắc để giữ cho vết cắt nhẵn, không nham nhở.

Đầu của người nhận sau đó sẽ được gắn vào cơ thể của người hiến tặng bằng một "thành phần ma thuật" như cách gọi của tiến sĩ Canavero. Đó là một chất giống keo dính, có tên gọi là polyethylene glycol để gắn kết hai đầu tủy sống với nhau.

Các cơ và nguồn cung cấp máu sẽ được khâu dính lại trước khi bệnh nhân được đưa vào trạng thái hôn mê suốt 4 tuần để ngăn họ không cử động trong lúc đầu và cơ thể đang dính liền với nhau. Khi tỉnh dậy, bệnh nhân được kỳ vọng sẽ cử động được, cảm nhận được khuôn mặt của mình và thậm chí nói với cùng giọng ban đầu. Các thuốc ức chế miễn dịch cực mạnh sẽ được dùng để ngăn cơ thể mới bị chối bỏ.

Những người chỉ trích cho rằng, tiến sĩ Canavero đã đơn giản hóa các khó khăn liên quan đến việc tái gắn tủy sống.

Cho tới hiện tại, ông Canavero vẫn chưa nhận được nguồn tài trợ cho số nhân viên hỗ trợ gồm 150 bác sĩ và y tá, mà ông tin là cần để hoàn thành ca cấy ghép đầu như trên. Dẫu vậy, vị bác sĩ người Italia lạc quan rằng, ông có thể cấy ghép thành công một cái đầu vào một cơ thể mới.

Và nếu thành công, phương pháp mang tính tiên phong của ông sẽ mang lại hy vọng mới cho hàng ngàn người bị bại liệt hoặc khuyết tật trên toàn thế giới.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)