- Việc nhiễm xạ ngoại chiếu đối với với một nguồn lớn Co-60 có thể gây bỏng da, hội chứng nhiễm phóng xạ cấp tính thậm chí là tử vong.

Co-60 là đồng vị phóng xạ ổn định nhất trong số 22 đồng vị phóng xạ của Coban (Cobalt) có chu kỳ bán rã là 5,2714 năm.

{keywords}
Kim loại Coban trong tự nhiên.

Coban là kim loại màu trắng bạc, có từ tính mạnh, nhiệt độ Curie vào khoảng 1388 độ K. Cùng với Niken, Coban là thành phần đặc trưng trong thép thiên thạch.

Từ thời cổ đại, Coban đã được biết tới như là hợp chất tạo ra màu xanh dương của gốm sứ. Đến những thập niên 30 của thế kỷ 18, các nhà khoa học lần đầu tiên chứng minh được sự tồn tại của Coban.

Khoảng 200 năm sau, năm 1938, người ta đã phát hiện ra Co-60. Hai nhà khoa học phát hiện ra Co-60 là Glenn T. Seaborg và John Livingood, hai chuyên gia đại học California - Berkeley

Co-60 được tạo ra bằng cách đặt Coban tự nhiên dưới các nơtron trong lò phản ứng với một khoảng thời gian nhất định.

Coban nói chung và đồng vị Co-60 có khá nhiều ứng dụng trong đời sống của con người.

Ngoài ứng dụng truyền thống là tạo nên lớp tráng phủ cho đồ gốm sứ, Coban còn là nguyên tố tạo nên các hợp kim hoặc siêu hợp kim, chất xúc tác trong công nghiệp dầu khí, hóa chất,…

Đồng vị phóng xạ Co-60 được ứng dụng rộng rãi trong y tế và công nghiệp như tiệt trùng các thiết bị y tê, là nguồn bức xạ ứng dụng trong xạ trị, chụp X-quang công nghiệp, khử côn trùng gây hại, chiếu xạ thực phẩm… Ngoài ra, Co-60 còn được cho là một đồng vị phóng xạ có mặt trong các loại vũ khí hạt nhân.

Co-60 nguy hiểm như thế nào nếu chúng ta bị phơi nhiễm?

{keywords}
Nguồn phóng xạ Co-60 bị thất lạc tại Bà Rịa Vũng Tàu.

Là nguồn phát ra tia gama, đồng vị phóng xạ Co-60 một khi xâm nhập vào cơ thể động vật có vú (như con người) một số sẽ được bài tiết qua phân và nước tiểu, phần còn lại sẽ được hấp thụ bởi gan, thận và xương, do đó sẽ là nguyên nhân gây ra ung thư.

Việc nhiễm xạ ngoại chiếu với một nguồn lớn Co-60 có thể gây bỏng da, hội chứng nhiễm phóng xạ cấp tính thậm chí là tử vong.

Các đồng vị phóng xạ dùng cho ngành công nghiệp hay điều trị y tế thường được đặt trong các thùng chứa kim loại kín và gọi là nguồn phóng xạ. Do ít phổ biến, các nguồn phóng xạ khi thất lạc rất khó để nhận biết. Nhiều người có thể cầm các nguồn phóng xạ trên tay mà hoàn toàn không ý thức được về sự nguy hiểm của chúng.

Vụ thất lạc đồng vị phóng xạ Co-60 gây nhiều thiệt hại nhất tính tới thời điểm hiện tại là vào năm 2000 tại Thái Lan. Một nguồn phóng xạ chứa Co-60 đã được cất giữ tại Bankok sau đó đã vô tình bị bán cho một người thu gom phế liệu.

Những người thu gom phế liệu hoàn toàn không biết về mức độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ này. Người ta đã tháo dỡ và mở nguồn phóng xạ này khiến cả 10 người làm việc tại bãi phế liệu đã phơi nhiễm Co-60. Kết quả, 3 người đã tử vong vì nhiễm xạ ngoại chiếu với đồng vị phóng xạ C0-60.

Như VietNamNet đã đưa tin, ngày 25/3/2015, nhà máy thép Pomina 3 (KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành) phát hiện một nguồn phóng xạ (trong số 5 nguồn của nhà máy) dùng để đo mức thép Co-60 đã bị thất lạc. Nhà máy đã huy động các lực lượng tại chỗ tổ chức tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm ra nguồn phóng xạ thất lạc.

{keywords}

Truy tìm nguồn phóng xạ bị thất lạc tại Bà Rịa- Vũng Tàu. Ảnh: NLĐ.

Ngày 1/4, Công ty CP thép Pomina có công văn gửi các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông báo về việc mất nguồn phóng xạ loại Co-60.

Sáng 6/4 , UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã tổ chức họp khẩn để tìm giải pháp ứng phó sự cố mất nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, đến cuối ngày 6/4 vẫn chưa có manh mối nào về thiết bị thất lạc.

Đây không phải là lần đầu tiên nguồn phóng xạ trong công nghiệp và y tế bị thất lạc. Tháng 9 năm ngoái, một nguồn phóng xạ chứa đồng vị Iridium 192 cũng bị thất lạc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn phóng xạ này sau đó đã được các cơ quan hữu quan tìm thấy an toàn.

Hà Phương (Tổng hợp)