Khi thảm họa xảy ra, mỗi phút đều rất có ý nghĩa, đặc biệt đối với việc giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt. Trong một nỗ lực nhằm tìm kiếm những người sống sót nhanh chóng hơn, các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát triển gián sinh học, có thể điều khiển để thao tác xuyên qua các đống đổ nát và không gian chật hẹp tốt hơn robot thông thường.


{keywords}

Sử dụng gián được robot hóa không phải là ý tưởng hoàn toàn mới lạ. Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Carolina (Mỹ) hồi năm ngoái cũng từng cho công bố một dự án như vậy. Tuy nhiên, dự án này lái hướng đi của những con gián bằng các ám hiệu âm thanh, trong khi nghiên cứu mới do chuyên gia Hong Liang thuộc Đại học Texas A&M (Mỹ) đứng đầu, thực sự đã kích thích bộ não của gián nhằm điều khiển các cử động của chúng và điều hướng theo mong muốn.

Các phương pháp của nghiên cứu trước đây dùng gián bị buộc nối với thiết bị điều khiển, trong khi ở nghiên cứu mới, chúng có thể được điều hướng từ xa.

"Các hệ thống lai robot có lợi thế đáng kể so với những hệ thống robot thông thường. Các hệ thống lai sử dụng côn trùng còn sống, nhỏ sở hữu chế độ cảm biến hữu hiệu và phản ứng với môi trường thông qua vô số kênh phản hồi. Những hệ thống sống như vậy có thể tự tạo năng lượng vận hàng thông qua nước, không khí và thực phẩm hấp thu", trích báo cáo nghiên cứu mới trên tạp chí Journal of the Royal Society Interface.

Sử dụng một sinh vật sống cũng có lợi thế về khả năng tránh được các mối đe dọa, mà không cần sự can thiệp của người điều khiển. Nếu một kẻ thủ săn mồi hoặc tình trạng thảm họa ở phía trước mặt, con gián lai robot sẽ bỏ chạy khỏi đó theo bản năng.

Dẫu vậy, khả năng điều khiển gián cũng rất quan trọng, do người điều khiển nhiều khả năng nhận biết tốt về nơi những côn trùng này có thể bắt đầu tìm kiếm.

Theo các chuyên gia, để tạo ra gián lai robot, họ sẽ cho con gián đeo trên lưng một "ba lô" ráp nối trực tiếp vào bộ não của nó. Bằng cách kích thích các vùng nhất định của não gián, họ có thể điều khiển các hoạt động của con côn trùng này và ra lệnh cho nó nơi cần phải đi ngoặt. Cả hai khả năng này phối hợp hoạt động, biến con gián trở thành một công cụ hiệu quả trong việc giải cứu người sống sót trong thảm họa.

Để tạo ra những con gián lai robot được trang bị tốt hơn nhằm đối phó với viễn cảnh thảm họa trong thế giới thực, nhóm nghiên cứu của Hong Liang dự định gắn thêm các camera, micrô và thiết bị cảm biến khác để giúp người điều khiển hướng dẫn chúng tốt hơn. Ngoài ra, việc giảm kích cỡ thiết bị gắn kèm cũng là ưu tiên hàng đầu, do trọng lượng tăng thêm làm chậm tốc độ của các con gián, khiến chúng khó hoàn thành các nhiệm vụ trong thời gian dài.

Tuấn Anh (Theo IFL Science)