Về nhà máy điện gió xây dựng trên mặt biển, Bạc Liêu là tỉnh đi đầu của Việt Nam hiện nay.

Mở đầu năm mới, ngay trong ngày Mồng Sáu tháng giêng Ất Mùi; tức ngày 24/2/2015, trụ tuabin hoàn chỉnh đầu tiên của giai đoạn 2 thuộc Nhà máy điện gió Bạc Liêu đã được lắp dựng thành công.

{keywords}

Các tuabin trên biển thuộc Nhà máy điện gió Bạc Liêu. Ảnh: BSH.

Toàn bộ các tuabin điện gió của Nhà máy điện gió Bạc Liêu được dựng giữa nước dọc theo đê biển Đông, kéo dài từ phường Nhà Mát đến ranh giới tỉnh Sóc Trăng và chiếm tổng diện tích gần 500 ha.

Trong dự án xây dựng nhà máy này, các tuabin gió được sản xuất tại Mỹ, làm bằng thép đặc biệt không gỉ, cao 80m, đường kính 4m, mỗi tuabin có 3 cánh quạt, mỗi cánh dài 42 m làm bằng nhựa đặc biệt, có hệ thống điều khiển giúp cánh quạt tự gập lại khi gặp thời tiết xấu hay bão lớn.

Dự án Nhà máy điện gió này chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành vào ngày 2/10/2012 với việc lắp đặt 10 tuabin. Công suất tổng cộng của giai đoạn này là 16 MW và điện năng sản xuất dự tính khoảng 56 triệu kWh/năm.

Giai đoạn 2 hiện đang tiến hành có nhiệm vụ lớn hơn, sẽ xây lắp 52 tuabin gió với tổng vốn đầu tư hơn 4200 tỷ đồng. Như vậy, sau khi hoàn thành, Nhà máy điện gió Bạc Liêu sẽ có tổng số 62 tuabin với tổng công suất trên 99 MW và điện năng sản xuất ra khoảng 320 triệu kWh/năm.

Giai đoạn 2 này được chính thức khởi công từ tháng 11/2013. Hiện nay, các gói thầu thi công móng trụ tuabin gió, thi công hạ tầng điện và cầu công tác đã được triển khai trên 65% khối lượng công việc.

Sau sự khởi đầu với việc dựng trụ tuabin số 1 vừa rồi, kế hoạch còn lại của giai đoạn 2 còn rất nặng nề và sẽ phải hoàn thành trong 1 năm tròn; vào quý 2/2016. Giai đoạn 2 chia ra 3 đợt kết thúc bởi 3 đợt đóng điện. Đợt đóng điện thứ 1 dự kiến sẽ tiến hành ngày 29/5/2015 với 20 tuabin gió và nâng công suất phát điện của toàn Nhà máy điện gió Bạc Liêu lên 48 MW (tăng thêm 28 triệu KWh điện so với giai đoạn 1). Đợt đóng điện 2 vào ngày 02/9/2015 với 16 tuabin gió, nâng công suất phát điện lên 73,6 MW và đợt 3 vào ngày 30/4/2016 với 16 tuabin gió, nâng công suất phát điện thêm 99,2 MW nữa.

Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Du lịch Công Lý (Cà Mau) làm chủ đầu tư. Đại diện Công ty này cam kết sẽ tăng cường mọi điều kiện kỹ thuật, nhân lực, thiết bị tổ chức thi công tốt nhất để sớm đưa dự án hoàn thành vừa đảm bảo tiến độ, chất lượng, vừa đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư dự án.

Viêc thi công xây dưng nhà máy điện gió trên mặt biển khá phức tạp với nhiều công đoạn phức tạp, từ dựng các trụ tuabin trên biển đến xây dựng, hiệu chỉnh, vận hành thử toàn bộ hệ thống trạm biến áp cùng đường dây dẫn đưa nguồn điện từ các tuabin lên lưới điện quốc gia.

Theo nguồn tin từ Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, sau 2 giai đoạn nói trên của Dự án nhà máy điện gió Bạc Liêu hoàn thành thì ngân hàng này sẽ tiếp tục đầu tư để xây dựng thêm 300 cột tuabin nữa với tổng công suất lên đến 480 MW, tức sẽ lớn gấp 4 lần công suất của giai đoạn 1 và 2 cộng lại.

Nhà máy điện gió Bạc Liêu là dự án xây dựng trên mặt biển đầu tiên của Việt Nam. Tình hình chung của thế giới cũng như Việt Nam chứng tỏ nhu cầu điện năng không ngừng tăng. Trong lúc nguồn nhiên liệu than và khí đốt cho nhiệt điện không còn dồi dào, mặt khác loại nhiên liệu cổ điển này đang trong xu hướng bị loại trừ dần nhằm chống sự biến đổi khí hậu toàn cầu đe dọa loài người. Còn thủy điện lớn thì đã đến lúc cạn kiệt.

Vì vậy, nguồn năng lượng tái tạo nổi lên như một trong những nguồn cứu cánh. Đối với nước ta, bờ biển dài nhiều ngàn kilômet nhiều gió và nhiều nắng, nên cùng với điện mặt trời, điện gió đang là nguồn đáp ứng không thể thiếu cho nhiều nước trên thế giới hiện nay và tương lai, trong đó có Việt Nam.

Trong xu thế đó, Nhà máy Bạc Liêu là nhà máy điện gió xây dựng trên mặt biển đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, về mặt sớm nhất và số tuabin phát triển điện gió nhiều nhất, phải kể đến Bình Thuận do tỉnh này có điều kiện địa lý thuận lợi với bờ biển dài, lượng gió nhiều và phân bổ khá đều quanh năm.

Ngay từ tháng 1 năm 2012 trên địa bàn tỉnh này đã xây dựng 16 dự án điện gió với tổng công suất dự tính khoảng 1.300 MW. Và ngày 18/4/2012 đã đưa vào khai thác nhà máy phong điện Tuy Phong 1 với công suất 30MW và tổng sản luợng điện hàng năm khoảng 85 triệu KWh/năm Theo kế hoạch, giai đoạn 2 với 60 trụ hay tuabin điện gió sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ Nhà máy Phong điện Tuy Phong lên 120 MW.

Cũng ở tỉnh Bình Thuận, sau Dự án Tuy Phong, dự án điện gió ở đảo Phú Quý với 3 tua bin, tổng công suất 6 MW đã lắp đặt xong và thử vận hành an toàn, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện sinh hoạt và sản xuất cho 33.000 dân trên đảo và giảm chi phí sản xuất điện do giảm thời gian vận hành của nhà máy điện Diesel. Ngoài ra, một số dự án điện gió khác hoặc đang trong giai đoạn thi công, hoặc đang chuẩn bị triển khai.

Như vậy, về nhà máy điện gió xây dựng trên mặt biển, Bạc Liêu là tỉnh đi tiên phong. Còn về nhà máy điện gió nói chung, tỉnh Bình Thuận phải được xem là tỉnh đang đi đầu Việt Nam.

Trần Minh