Các nhà nghiên cứu Mỹ vừa ra tuyên bố cho biết, một loại vắc-xin thử nghiệm dường như an toàn và đã làm khởi phát các dấu hiệu bảo vệ miễn dịch ở 20 người tình nguyện đầu tiên.


{keywords}

Loại vắc-xin Ebola trên được phát triển theo hướng kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra các kháng thể chống virus Ebola. Những người tình nguyện tham gia thử nghiệm vắc-xin này đã phát triển các kháng thể như mong đợi trong vòng 4 tuần sau khi được tiêm chủng ngừa tại Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ.

Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí New England Journal of Medicine, một nửa số người tình nguyện được tiêm liều vắc-xin Ebola cao hơn và họ cũng sản sinh ra nhiều kháng thể chống mầm bệnh nguy hiểm chết người hơn. Nhóm nghiên cứu còn phát hiện, một số người tình nguyện thậm chí đã phát triển một tập hợp tế bào miễn dịch chống virus khác biệt, có tên gọi là các tế bào T.

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, nơi có nhiều nhà khoa học tham gia nghiên cứu trên, nhấn mạnh, việc kích thích cả 2 loại phản ứng miễn dịch là "một nhân tố hứa hẹn".

Nhóm nghiên cứu ghi nhận không có bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng nào ở những người tình nguyện thử nghiệm vắc-xin. Dẫu vậy, 2 người được tiêm vắc-xin liều cao hơn, đã bị sốt cao (một người trên 39,5 độ C) trong thời gian ngắn, nhưng triệu chứng này biến mất trong vòng một ngày.

Hồi đầu tháng này, ông Fauci đã thông báo cho Quốc hội Mỹ rằng, thử nghiệm giai đoạn đầu tiên này đủ hứa hẹn để họ lên kế hoạch cho các nghiên cứu lớn hơn ở châu Phi, bắt đầu từ Liberia từ đầu tháng 1 năm sau, trong nỗ lực xác minh liệu vắc-xin có thực sự hiệu quả hay không.

Các nhà khoa học đang chạy đua để phát triển cách thức phòng ngừa hoặc chữa trị bệnh do virus Ebola. Cho tới nay, virus này đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.600 người ở Tây Phi, chủ yếu ở Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Báo cáo của các nhà nghiên cứu Mỹ đã cung cấp các chi tiết khoa học về thử nghiệm ban đầu, tiến xa nhất đối với một ứng viên vắc-xin tiềm năng của thế giới. Ngoài nó, một loại vắc-xin khác do người Canada sáng chế cũng bắt đầu các nghiên cứu thử nghiệm tính an toàn ở quy mô nhỏ.

Tiến sĩ Daniel Bausch, một chuyên gia về Ebola thuộc Đại học Tulane (Mỹ) không tham gia nghiên cứu trên, khuyến cáo, vẫn còn nhiều câu hỏi cần được trả lời trong khi nhóm tác giả lên kế hoạch cho các nghiên cứu quy mô lớn hơn. Ngoài ra, nghiên cứu trên khỉ hé lộ, con người sẽ cần một phát tiêm tăng cường để bảo vệ dài hạn.

"Con đường còn dài và còn nhiều thách thức, nhưng chúng ta đang tiến một bước gần hơn tới giải pháp", ông Bausch viết trong một bài xã luận mới đây.

{keywords} 

Trong một diễn biến có liên quan, hôm 25/11, 6 trong số 7 người Mỹ bị nhiễm virus Ebola và được chữa trị thành công, đã cùng xuất hiện trên chương trình truyền hình "Today show" để kể về những trải nghiệm của họ. Phần lớn những người này đã tiếp xúc và hỗ trợ các nạn nhân Ebola ở Tây Phi hoặc trên đất Mỹ khi nhiễm virus. Dẫu vậy, khi được hỏi liệu họ có lặp lại điều đó một lần nữa hay không, câu trả lời đồng thuận là "Có".

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)