Nhà chức trách Mỹ tiết lộ, các binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm của nước này nếu bị thương trên chiến trường có thể sớm được dùng thuốc đưa vào trạng thái "ngủ đông" như gấu Bắc cực, cho tới khi họ được chuyển tới nơi an toàn.

{keywords}

Loại thuốc mới nhằm điều trị trong giai đoạn mà các bác sĩ phẫu thuật quân y gọi là "10 phút bạch kim" sau khi binh sĩ bị thương và chưa kịp chuyển tới bệnh viện. Ảnh minh họa: Getty Images

Bộ Chỉ huy các hoạt động đặc nhiệm Mỹ (SOCOM) đang tài trợ 550.000 USD cho các nhà khoa học Australia phát triển một loại thuốc đặc biệt mới. Biệt dược này có thể đưa con người vào trạng thái "chờ đợi sinh tồn" đủ thấp để giảm sự mất máu, nhưng đủ cao để ngăn chặn tổn thương não.

Các chuyên gia tuyên bố, liệu pháp mới mà họ đang theo đuổi có thể là tiến bộ quan trọng đầu tiên trong việc chữa trị thương binh, kể từ chiến tranh Việt Nam.

Giáo sư Geoffrey Dobson cùng cộng sự Hayley Letson đến từ Khoa Thuốc và sức khỏe nhiệt đới thuộc Đại học James Cook (Australia) đã mất 7 năm để phát triển loại thuốc mới.

Việc điều trị nhắm tới giai đoạn mà các bác sĩ phẫu thuật quân y gọi là "10 phút bạch kim" sau khi binh sĩ bị thương. Ông Dobson nói, khái niệm "giờ vàng" được biết tới nhiều hơn, là vô nghĩa trong các môi trường quân sự ở tiền tuyến xa xôi.

"Trong các cuộc giao tranh ở Iraq và Afghanistan, hơn 87% tổng số trường hợp tử vong của binh lính liên quan xảy ra trong 30 phút đầu tiên, trước khi họ có thể được đưa tới bệnh viện. Gần 1/4 trong số này, khoảng 1.000 người, đã được phân loại là có các vết thương tiềm tàng khả năng sống sót và thời gian là thủ phạm cướp đi mạng sống của họ.

Vấn đề là, sau khi một người lính bị mất máu và tổn thương não trầm trọng, những gì là cách điều trị tốt cho cơ thể lại không tốt cho bộ não và ngược lại. Nếu bạn nhắm làm tăng quá cao áp huyết, người thương binh sẽ chảy máu tới chết, và nếu bạn cố tình duy trì áp huyết quá thấp, bộ não sẽ bị tổn thương không vãn hồi được.

Đó là con dao hai lưỡi. Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể kích hoạt mức áp huyết phù hợp, vấn đề sẽ được giải quyết và chúng ta có thể cứu được nhiều mạng người trên chiến trận", giáo sư Dobson giải thích.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Dobson đang phát triển phương pháp chữa trị gồm 2 giai đoạn. Phát tiêm đâu tiên sẽ cứu người bị thương trong vài phút đầu tiên bị xuất huyết và chấn thương đầu nghiêm trọng. Phát tiêm thứ hai được sáng chế để ổn định tình hình của họ trong khoảng thời gian dài hơn trước khi di tản tới nơi an toàn.

Theo ông Dobson, chất dịch có thể được tiêm nhanh chóng vào máu hoặc tủy xương, và nó cũng sẽ làm giảm sự viêm nhiễm, rối loạn đông máu và sự tiêu thụ năng lượng của toàn bộ cơ thể. SOCOM của Mỹ đã tài trợ cho dự án phát triển phương thuốc này vì những tiến triển mà nhóm nghiên cứu đã đạt được trong 7 năm qua.

Ông Dobson tiết lộ, nhóm nghiên cứu và đối tác cũng sẽ bắt đầu thương thảo về quá trình quản lý, lưu hành thuốc, kể cả các cuộc thử nghiệm lâm sàng giúp dẫn đến sự phê chuẩn của Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) trong vòng một năm. Chuyên gia này nói thêm rằng, các lợi ích sẽ không chỉ giới hạn với lính biệt kích và binh sĩ đặc nhiệm của Mỹ, mà sẽ tự động lan tới cả các đơn vị đặc nhiệm khác của phương Tây, vì dự án của họ có liên quan đến thuốc dùng trước khi nhập viện và vận chuyển y tế bằng đường không ở nhiều vùng trên khắp thế giới.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)