- Còn yếu kém dường như là điểm dễ nhận thấy nhất về hiện trang khoa học công nghệ Việt Nam được đưa ra trong báo cáo “Đánh giá Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam” vừa được Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hôm qua, 24/11.

Phân tích SWOT (điểm mạnh, yếu, cơ hội, thách thức) về hệ thống khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam của báo cáo cho thấy, nếu như các “điểm mạnh” hầu hết nằm ở các yếu tố khách quan thì các điểm yếu nằm ở các yếu tố nội tại.

Infographic: Đánh giá về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

{keywords}

(Click vào hình để xem đầy đủ)

Từ cơ sở hạ tầng, chất lượng dạy và học cho tới năng lực nghiên cứu của doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu nhà nước cũng như việc quản lý nhà nước, thực hiện chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đều được đánh giá là yếu kém.

Theo đó, công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn chỉ là hoạt động thêm thắt trong các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Khu vực doanh nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng chi R&D.

Có rất ít doanh nghiệp thực hiện R&D, mức độ đổi mới sáng tạo còn thấp và sự kết nối với hoạt động nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu công lập còn yếu”, báo cáo viết.

Trong khi đó, các cơ quan nghiên cứu nhà nước dù đã trải qua nhiều thay đổi, song vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Nhiều phòng thí nghiệm và đơn vị R&D chồng chéo mà phần lớn trong số đó không đạt quy mô tối ưu, thiếu nguồn lực và vẫn chưa gần với người sử dụng cuối cùng.

Nguồn lực, vấn đề then chốt đối với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, theo báo cáo, cũng đang tồn tại nhiều hạn chế bởi hệ thống giáo dục và đào tạo nặng về lý thuyết hoặc đã quá lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Vấn đề quản trị hệ thống đổi mới sáng tạo của việt Nam cũng đầy bất cập khi thiếu các cam kết, sự phối hợp và thực hiện chính sách của chính phủ một cách hiệu quả.

Đã đến lúc phải hành động

{keywords}
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. (Ảnh: Lê Văn)

Báo cáo của WorldBank và OECD cũng nhấn mạnh rằng, hiện Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng khi tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm trong bối cảnh quốc tế bớt sôi động hơn. Nguồn tăng trưởng trước đây đang suy giảm làm tăng nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Để thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện hiện nay, Việt Nam buộc phải hướng tới tăng trưởng dựa trên tăng năng suất lao động. Và điều này, đòi hỏi phải nâng cao đáng kể năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nước.

Tăng cường cạnh tranh trên thị trường toàn cầu đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với việc đầu tư sớm vào năng lực phát triển công nghệ hiện đại”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói. “Làm được như vậy sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu”.

Thách thức của Việt Nam lúc này là đạt mức tăng trưởng cao và bền vững trong điều kiện môi trường quốc tế kém sôi động hơn,” ông Andrew Wyckoff, Giám đốc Khoa học, Kỹ thuật và Đổi mới sáng tạo của OECD, chia sẻ. “Để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước”.

Các khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và sáng tạo ở Việt Nam:

- Cải thiện khuôn khổ thể chế về đổi mới sáng tạo: Khung kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh chung, quy chế thị trường sản phẩm, mức độ cạnh tranh, độ mở thương mại và đầu tư nước ngoài, tài trợ kinh doanh, hệ thống thuế, trình độ và chất lượng doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng là những điều kiện cần thiết về mặt thể chế sẽ tác động lên hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

- Tăng cường quản trị công trong hệ thống đổi mới sáng tạo: Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc đề ra định hướng ưu tiên phát triển kinh tế và xã hội trong dài hạn, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn lực phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, đảm bảo cho các tổ chức nhà nước vận hành tốt và các bộ phận trong hệ thống đổi mới sáng tạo gắn kết với nhau và tạo ra một chỉnh thể thống nhất.

- Tăng cường nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo: Việt Nam cần đảo chiều việc chảy máu chất xám thành thu hút chất xám, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp, tạo điều kiện nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, chú trọng hơn nữa đến năng lực kinh doanh và các kỹ năng mềm, thúc đẩy trao đổi kiến thức giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu của nhà nước và khu vực doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh sáng tạo trong các doanh nghiệp: Việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp đòi hỏi phải cải thiện khuôn khổ thể chế và các biện pháp chính sách hướng tới đổi mới sáng tạo, cũng như các biện pháp thu hút và liên kết với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

- Nâng cao mức độ đóng góp của các cơ quan nghiên cứu nhà nước: Chính sách đối với các trường đại học và cơ quan nghiên cứu nhà nước nên tập trung vào việc làm cho các kết quả nghiên cứu của họ gắn với nhu cầu của nền kinh tế và thị trường lao động, giải quyết những hạn chế về nguồn lực và định hướng cũng như hỗ trợ tài chính cho các nghiên cứu công một cách có hiệu quả.

- Tăng cường các mối liên kết trong đổi mới sáng tạo: Cần tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với các tổ chức nghiên cứu của nhà nước.

Lê Văn