Một người ngồi ở khu vực giữa máy bay, nếu hắt xì hơi, nhiều khả năng sẽ làm lây lan vi trùng hoặc mầm bệnh đang mang trong cơ thể mình khắp khoang máy bay.


Một đoạn video mới, mô phỏng cách vi trùng phát tán qua hắt xì hơi trong khoang máy bay cho thấy, những người ngồi liền kề và phía sau vị khách hắt xì hơi có nguy cơ nhiễm khuẩn và mầm bệnh cao nhất. Đoạn video này là sản phẩm của ANSYS, một công ty toàn cầu sử dụng các mô hình toán học để mô phỏng cơ chế di chuyển của không khí bên trong các máy bay.

Theo tiết lộ của ANSYS, đoạn video được tạo ra nhằm giúp ngành công nghiệp hàng không dân dụng và các quan chức y tế hiểu rõ cách thức vi trùng phát tán khắp máy bay.

Các chuyên gia miễn dịch hiện cảnh báo, khi một người hắt xì hơi, các vi trùng trong cơ thể họ có thể bắn xa tới hơn 15 mét. Cách duy nhất để bảo vệ những người xung quanh là đã được tiêm vắc-xin chủng ngừa chúng.

Cơ chế phát tán vi trùng hoặc mầm bệnh như sau: Khi một người hắt xì hơi, các hạt hắt hơi chứa vi trùng hoặc mầm bệnh của họ bắn vào không khí, treo lơ lửng giống như một đám mây trên đầu của họ. Đám mây tan và các hạt phân tán phía trên những hành khách không may mắn ngồi liền kề hoặc phía sau "thủ phạm" hắt hơi.

Các hạt sẽ lan truyền khắp toàn bộ khoang máy bay, do không khí lưu thông từ các quạt gió phía trên đầu xuống các lỗ thông hơi ở thấp hơn nhằm giữ cho máy bay thông thoáng.

Đoạn video chỉ rõ, các ghế nhiều nguy cơ nhiễm trùng nhất nằm ở bên trái và bên phải của người hắt xì hơi, cũng như những ghế ở bên trái và bên phải phía sau anh/cô ta.

Ian Henderson, giáo sư sinh vật học vi trùng thuộc Trường Miễn dịch, Đại học Birmingham (Anh), bày tỏ sự tán động đối với đoạn video mô phỏng trên. Ông giải thích: "Điều này hoàn toàn đúng. Nếu ai đó bị nhiễm cúm và hắt xì hơi, họ sẽ phát thải virus gây bệnh khắp khoang máy bay. Bạn có thể đo khoảng cách phát tán của một cú hắt xì hơi xa tới hơn 15 mét. Nó thực sự có thể lan đi một khoảng cách tương đối xa. Bất kỳ ai ngồi gần người nhiễm bệnh sẽ tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh đó".

Tuy nhiên, theo ông Henderson, nguy cơ nhiễm bệnh thậm chí sẽ cao hơn trong một văn phòng hoặc rạp chiếu phim đông người. Điều này là vì, trong một máy bay, không khí liên tục được lọc hoặc trao đổi cứ 2 - 3 phút một lần, trong khi không khí trong văn phòng hoặc rạp chiếu phim không trải qua quá trình như vậy.

Mặc dù việc tiếp xúc trực tiếp với vi trùng trong khoang máy bay nhiều khả năng xảy ra, nhưng việc bạn có nhiễm bệnh hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như liệu mọi người có để mở lỗ thông hơi hay không, hoặc sự phơi nhiễm vi trùng trước đó. Nếu bạn từng tiếp xúc với mầm bệnh, hệ miễn dịch của bạn sẽ có phản ứng bảo vệ thân chủ. Việc nhiễm bệnh cũng phụ thuộc vào liều lượng truyền nhiễm, cụ thể là, nếu người mắc bệnh hắt xì hơi thẳng vào mặt bạn, nguy cơ sẽ trầm trọng hơn.

Các thông tin trên được công bố đúng vào lúc thế giới đang rúng động trước nguy cơ lây lan virus Ebola. Dẫu vậy, cho tới hiện giờ, Ebola vẫn chưa được coi là mầm bệnh phát tán trong không khí hay có thể truyền nhiễm qua hắt xì hơi. Giáo sư Henderson cho rằng, các virus gây cảm lạnh và cảm cúm phổ biến mới là hai mầm bệnh mọi người cần phải lo lắng.

Cơ chế lây lan xảy ra với mọi dạng phương tiện giao thông công cộng. Một nghiên cứu từng phát hiện, ai đó ngồi phía sau một xe buýt hai tầng hắt xì hơi đã khiến vi trùng phát tán tới tận phía trước xe.

Tuy nhiên, giáo sư Henderson kêu gọi mọi người không nên quá e sợ việc tiếp xúc với vi trùng, vì chúng là một phần tất yếu của cuộc sống thường nhật. Chúng ta đang tiếp xúc với hàng ngàn vi khuẩn hàng ngày mà không bị phát bệnh. Chuyên gia này nhận định, cách tốt nhất để tránh bị nhiễm bệnh là tiêm chủng.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)