Cho tới nay, mới chỉ một người trên thế giới được cho là đã chữa khỏi việc nhiễm virus HIV - "bệnh nhân Berlin" Timothy Ray Brown. Tuy nhiên, không ai biết chính xác khía cạnh nào trong quá trình điều trị của Brown đã giúp ông thoát khỏi căn bệnh quái ác.


{keywords}h

Hình mô phỏng virus HIV ở máu lưu thông trong cơ thể người. Ảnh: Shutterstock

Hiện tại, một thử nghiệm mới trên khỉ đã cung cấp thêm bằng chứng hé lộ, một đột biến di truyền hiếm gặp ở người đã hiến tặng tủy xương cho Brown, có thể đóng vai trò then chốt trong quá trình chữa trị thành công cho ông.

Virus HIV đã bị loại bỏ khỏi cơ thể Brown năm 2007 sau khi ông trải qua một quá trình điều trị bệnh bạch cầu, căn bệnh ung thư của các tế bào máu trắng, ở Đức. Trong quá trình điều trị bệnh bạch cầu, ông Brown trước tiên trải qua liệu pháp xạ trị nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư và các tế bào gốc đang tạo ra chúng trong tủy xương của ông, rồi được cấy ghép tủy xương từ một người khỏe mạnh để sản sinh ra các tế bào máu mới.

Sau khi chữa trị, không những bệnh bạch cầu thuyên giảm mà lượng virus HIV trong cơ thể ông Brown cũng sụt giảm tới mức không thể phát hiện được và tình trạng này vẫn được duy trì kể từ đó, mặc dù ông không hề dùng các biệt dược kháng virus (ART), vốn thường được sử dụng để duy trì lượng HIV thấp ở các bệnh nhân.

Ba khả năng

Lí do khiến virus HIV dường như không còn tồn tại trong cơ thể của ông Brown có thể là, việc cấy ghép tủy xương từ một người hiến tặng sở hữu một đột biến di truyền hiếm gặp khiến các tế bào CD4-T của người - những tế bào miễn dịch bị tấn công chính khi nhiễm HIV - có khả năng đề kháng lại mầm bệnh AIDS.

Việc sở hữu đột biến được gọi là delta 32 nói trên đã khiến các tế bào miễn dịch sở hữu cảm thụ quan CCR5 biến dạng so với thông thường, giúp ngăn cản virus xâm nhập vào các tế bào.

Tuy nhiên, cũng có thể là việc xạ trị đã tiêu diệt gần như tất cả các tế bào chứa virus HIV của ông Brown ở ngay đầu quá trình chữa trị bệnh bạch cầu. Và do đó, đột biến di truyền ở người hiến tặng tủy không có vai trò nhiều trong việc giúp ông Brown thoát khỏi HIV.

Nòoài ra, còn một khả năng khác nữa là, các tế bào miễn dịch mới, vốn do các tế bào tủy xương cấy ghép sản sinh ra, đã tấn công các tế bào nguyên gốc của Brown - hiện tượng được gọi là "bệnh mô cấy ghép chống lại vật chủ". Điều này có thể đã tiêu diệt bất kỳ nguồn dung chứa HIV nào còn sót lại bên trong cơ thể ông sau xạ trị.

Đâu là tác nhân chính?

Trong một nghiên cứu nhỏ vừa tiến hành mới đây, tiến sĩ Guido Silvestri, một chuyên gia nghiên cứu bệnh học tại Đại học Emory (Mỹ) và các đồng nghiệp đã áp dụng cùng phương pháp điều trị cho Brown đối với 3 con khỉ, nhằm tìm hiểu xem bước nào trong quá trình điều trị ung thư có thể giúp loại bỏ virus HIV.

Các con vật thí nghiệm được cố tình cho lây nhiễm virus SHIV, một loại virus có họ hàng với HIV và gây ra bệnh tương tự như AIDS ở loài khỉ. Các con khỉ đã được cho dùng thuốc kháng virus một thời gian nhằm mô phỏng tình trạng của các bệnh nhân AIDS. Sau đó, chúng trải qua quá trình xạ trị và được cấy ghép các tế bào tủy xương của chính bản thân chúng, vốn được thu thập trước khi chúng bị cho nhiễm virus SHIV.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, việc xạ trị tiêu diệt hầu hết các tế bào miễn dịch và tế bào máu của 3 con khỉ, bao gồm cả tới 99% các tế bào CD4-T của chúng. Ở giai đoạn này của các thí nghiệm, khám phá để ngỏ khả năng rằng, liệu pháp xạ trị có thể là một bước then chốt trong việc chữa trị cho ông Brown, thông qua việc loại bỏ gần hết các nguồn chứa HIV.

Các nhà khoa học cũng phát hiện, việc cấy ghép đã mang đến thế hệ các tế bào máu và miễn dịch không nhiễm HIV chỉ trong vòng vài tuần. Điều đó cho thấy, thử nghiệm cấy ghép tủy xương ở các con khỉ đã thành công. Nếu các con khỉ được xác thực chữa khỏi HIV, các nhà nghiên cứu sẽ có thể loại bỏ khả năng về bệnh mô ghép chống lại vật chủ, vì mỗi con khỉ đã được cấy ghếp chính các tế bào của nó.

Tuy nhiên, sau quá trình điều trị, một khi các nhà nghiên cứu dừng cho những con khỉ uống thuốc kháng virus, lượng virus SHIV tăng trở lại nhanh chóng ở 2 trong số 3 con vật thí nghiệm. Con khỉ thứ 3 vẫn còn virus HIV trong nhiều mô cơ thể khi nó chết (các nhà khoa học buộc phải cho con vật này chết giải thoát sau khi nó bị suy thận), ám chỉ cả 3 con vật thí nghiệm đã không được chữa khỏi bằng quá trình điều trị giống ông Brown, theo báo cáo nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí PLOS Pathogens.

Khám phá trên ủng hộ ý kiến cho rằng, mặc dù xạ trị có thể làm giảm lượng virus HIV, liệu pháp này vẫn chưa đủ khả năng loại bỏ mọi nguồn dung chứa mầm bệnh AIDS trong cơ thể. Do đó, trong trường hợp của bệnh nhân Berlin, hoặc đột biến di truyền của người hiến tặng xương hoặc bệnh mô ghép chống lại vật chủ đóng vai trò quyết định, giúp ông được chữa khỏi HIV.

Phương pháp điều trị cho bệnh nhân Beerlin từng được thử nghiệm ở ít nhất 2 bệnh nhân HIV khác cũng bị ung thư hệ bạch huyết. Tuy nhiên, những người hiến tặng tủy xương trong các trường hợp này không có đột biến hiếm gặp ở gen CCR5. Các bệnh nhân ban đầu dường như thoát khỏi HIV, nhưng virus đã tái xuất sau vài tháng và họ buộc phải sử dụng thuốc ART trở lại.

Tuấn Anh (Theo Live Science)