Hai người Mỹ nhiễm virus Ebola ở Liberia vừa được tuyên bố đã được chữa trị thành công và hiện trong cơ thể không còn mầm bệnh nguy hiểm chết người này. Dư luận rất quan tâm tới việc họ đã thoát chết như thế nào trước sự hoành hành của dịch bệnh đang cướp đi sinh mạng của hơn 50% dân Tây Phi nhiễm phải.


{keywords}

Bác sĩ Kent Brantly, nhiễm virus Ebola ở Liberia, đứng bên cạnh vợ trong cuộc họp báo công bố ông thoát khỏi mầm bệnh nguy hiểm tại Bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta, Mỹ, ngày 21/8/2014. Ảnh: Reuters

Ebola là một virus đáng sợ, nhưng việc nhiễm phải nó không phải luôn luôn là án tử. Tuy nhiên, thông cáo mới nhất về việc 2 người Mỹ nhiễm Ebola ở Liberia, được cách ly chữa trị ở một bệnh viện của Atlanta, hiện đã thoát khỏi virus và được xuất viện, làn tin tốt lành hiếm hoi hiện nay. Một trong số họ, bác sĩ Kent Brantly, đã xuất hiện khỏe mạnh khi phát biểu tại một cuộc họp báo.

Tỉ lệ tử vong của Ebola trong đợt dịch bùng phát nghiêm trọng nhất lịch sử hiện nay là hơn 50%, với 2.473 ca nhiễm và 1.350 trường hợp tử vong. Các đợt dịch trước đây đã có tỉ lệ tử vong lên tới 90%. Vì vậy, dường như rất khó để biết bằng cách nào ai đó có thể sống sót qua căn bệnh tấn công các cơ quan nội tạng và mạch máu mỏng của người.

Tuy nhiên, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Emory, nơi 2 bệnh nhân Mỹ được chữa trị, nhấn mạnh, ngay cả khi tỉ lệ tử vọng vì Ebola rất đáng sợ, chúng ta cần phải nhớ rằng, những nạn nhân đó ở các quốc gia Tây Phi nghèo đói - Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigieria - với hệ thống chăm sóc y tế tương đối yếu kém. Nhiều bệnh nhân được dồn tập trung về một nơi và các nhân viên chăm sóc y tế không có đủ trang thiết bị bảo vệ cũng như các nguồn lực để mang tới sự chăm sóc cần thiết cho bệnh nhân, chẳng hạn như quy trình cách ly, khăn lau chùi, chất điện giải và dịch truyền.

Trong khi đó, một số người ở Mỹ và các nơi khác vẫn tìm được cách sống sót qua căn bệnh nguy hiểm này.

Hiện không có vắc-xin hoặc thuốc điều trị Ebola được chứng thực, nhưng một số loại thuốc triển vọng đang được thử nghiệm. Chúng bao gồm cả ZMapp, loại đã được bí mật gửi tới cho Brantly và Nancy Writebol ở Liberia. Dẫu vậy, các bác sĩ điều trị nói, mặc dù họ là những người nhiễm bệnh đầu tiên dùng thuốc, hiện không thể khẳng định chắc chắn thuốc thử nghiệm có tác động như thế nào.

Ngoài các thuốc thử nghiệm, thứ các bác sĩ có thể cung cấp cho bệnh nhân Ebola là sự chăm sóc, giống như giám sát nhịp tim, áp huyết và việc hô hấp, cũng như truyền bổ sung các chất dịch, vốn có thể giúp cơ thể càng ổn định càng tốt để chống lại virus. Thiếu các trang thiết bị bảo vệ và nhu cầu chăm sóc của bệnh nhân quá lớn khiến sự chăm sóc thiết yếu như thế này không thể thực hiện được ở một số vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Ebola.

Khi một người bị nhiễm virus, hệ miễn dịch của họ bắt đầu sản sinh ra các kháng thể chống lại nó. Nếu người đó đủ khỏe mạnh và cơ thể họ duy trì được sức mạnh đó đủ lâu, hệ thống miễn dịch của anh ta/cô ta cuối cùng có thể vô hiệu hóa và tự loại bỏ virus. Ebola có thể được phát hiện qua các xét nghiệm máu và kết quả của những xét nghiệm này có thể nhận được sau 1 - 2 ngày. Thông qua các xét nghiệm máu và nước tiểu, cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm kiểm soát và phòng chống bệnh tật Mỹ (CDC), các bác sĩ tại Emory cho biết, họ đã có thể xác định rằng, virus không còn tồn tại trong cơ thể 2 bệnh nhân Brantly và Nancy Writebol và rằng họ đều không còn triệu chứng nhiễm Ebola trong ít nhất 2 - 3 ngày.

Hiện tại, có nhiều câu hỏi đặt ra là, liệu 2 bệnh nhân Mỹ có còn mang mầm bệnh hay có thể tái phát hoặc vẫn còn khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác hay không. Các bác sĩ tại Emory tự tin trả lời không cho tất cả những cây hỏi đó.

"Kinh nghiệm chung là, một khi họ đã sống sót, đặc biệt cho tới thời điểm này của bệnh, họ không còn nhiễm virus; họ không tái phát bệnh và cũng sẽ không có khả năng truyền nhiễm bệnh cho người khác. Chúng tôi không có bằng chứng về trạng thái mang mầm bệnh ở họ ... Chúng tôi kết luận rằng, họ sẽ miễn dịch với virus này (Ebola)", tiến sĩ Bruce Ribner thuộc Bệnh viện Đại học Emory, khẳng định tại cuộc họp báo mới đây.

Chủ yếu nhờ chất lượng chăm sóc, Brantly và Writebol đã sống sót, làm dấy lên niềm tin rằng, virus có thể được chế ngự ở những bệnh nhân được điều trị và chăm sóc đầy đủ. Dẫu vậy, dạng hỗ trợ này không phải lúc nào cũng có được tại những khu vực đang lây lan dịch Ebola nhanh nhất.

"Xin mọi người hãy đừng ngưng cầu nguyện cho những người ở Liberia và Tây Phi", ông Brantly cất lên lời khẩn thiết yêu cầu cộng đồng thế giới đừng quên những người đã không có cơ hội được hồi phục giống như ông.

Tuấn Anh (Theo Time)