- Hai phụ nữ đầu tiên trở thành chủ nhân của các giải thưởng khoa học danh giá đều sinh ra và lớn lên ở châu Á và đều thành danh trên đất nước Hoa Kỳ vào năm 2012 và 2014, hai năm đánh dấu mốc thời gian đáng nhớ trong lịch sử phát triển nền văn minh loài người.

Trong lịch sử, số các nhà khoa học nữ đạt được giải thưởng cao nhất thế giới - Giải Nobel - cho các chuyên ngành khoa học tự nhiên chiếm số ít. Riêng đối với hai chuyên ngành Thiên văn học và Toán học, không có Giải Nobel. Thay vào đó là các giải thưởng quốc tế cao nhất - Giải Vật lý Thiên văn Kavli (*) và Giải Toán học Fields (**) – cũng thường được xem như là “Giải Nobel” Vật lý Thiên văn hay Toán học. Và ở hai giải này từ năm  2012 trở về trước hoàn toàn vắng bóng phụ nữ. 

Như vậy, kể từ khi được sáng lập, chưa hề có một nữ khoa học gia về Vật lý Thiên văn và Toán học nào trên toàn thế giới đặt được chân lên bục của hai “Giải Nobel” nói trên. Tiền lệ đó chỉ mới bị phá vỡ đầu tiên trong hai năm chẵn sát nhau gần đây nhất; năm 2012 đối với Giải Kavli và năm 2014 đối với Giải Fields. Và điều thú vị là cả hai phụ nữ đầu tiên trở thành chủ nhân của các giải danh giá này đều sinh ra và lớn lên ở châu Á và đều cùng thành danh trên đất nước Hoa Kỳ.

{keywords}
Lưu Lệ Hằng (hay Jane X. Luu), năm 2012, ở Viện Công nghệ Massachusetts (Ảnh từ Science Photo Library).

Người đi trước trong hai người “đầu tiên” đó đến từ Đông Nam Á, nước Việt Nam, là Lưu Lệ Hằng (viết đầy đủ họ tên của người Việt) hay Jane X. Luu (viết trong giấy tờ cho người có quốc tịch Mỹ). Bà Lưu sinh năm 1963 và đến Hoa kỳ năm 1975 khi chưa tốt nghiệp phổ thông trung học.

Ở Mỹ bà tốt nghiệp trung học với tấm bằng thủ khoa, tiếp theo đều giành các văn bằng xuất sắc ở những cơ sở đào tạo nổi tiếng hàng đầu như: Thủ khoa Cử nhân Vật lý tại Đại học Stanford, Thạc sĩ Cao học tại Viện Berkeley thuộc Đại học California và cuối cùng, bằng Tiến sĩ Vật lý Thiên thể ở Viện Công nghệ Massachussetts MIT năm 1990.

Và người kế tiếp đến từ Trung Đông, nước Iran, là Maryam Mirzakhani. Bà còn trẻ, sinh năm 1977, hoàn thành bậc phổ thông trung học ở trong nước và lấy bằng cử nhân cũng ở Iran, Đại học Sharif (Tehran) trước khi qua Mỹ. Cuối bậc phổ thông, Mirzakhani đã tham gia thi Olympic toán quốc tế và giành được huy chương vàng trong hai năm liền, 1994 và 1995. Năm đầu tại Hồng Kông bà “đánh rơi” chỉ 1 điểm còn năm sau ở Toronto đạt điểm số tối đa hoàn hảo. Mirzakhani hoàn thành bậc Tiến sĩ Toán với tấm bằng cao quý ở Đại học Harvard vào năm 2004.

Điều ít phổ biến là trong nữ giới không nhiều người đam mê và chọn các lĩnh vực “hơi khô” và “hơi khó” như Vật lý Thiên văn học hay Toán học. Nên ngoài nền tảng thông minh bẩm sinh thể hiện trong thành tích học tập, hình như mỗi người có sự tình cờ hay cơ duyên nào đó.  

{keywords}
Maryam Mirzakhani

Trong đó, ngành Thiên văn học mà bà Lưu Lệ Hằng gắn bó có lẽ “hợp” với nam giới hơn. Ngành này, ngoài đòi hỏi năng lực tư duy cao trong nhận thức và tính toán, còn cần đến sự xông pha, nhanh nhạy và thành thạo với các thiết bị thiên văn hiện đại. Vậy nhưng sau khi nhận tấm bằng cử nhân thủ khoa, bà Jane X. Luu tình cờ có được việc làm thêm dịp nghỉ hè ở Phòng Thí nghiệm Jet Propulsion của NASA. Đến đây, bà bỗng bị lôi cuốn bởi các hình ảnh hấp dẫn về các hành tinh treo dọc hành lang do phi thuyền không gian Voyager chụp gửi về. Phải chăng sự kiện này là cơ duyên dẫn bà đến với “nghề” nghiên cứu Vật lý Thiên văn suốt đời khi viết đơn xin học Cao học Vật lý Thiên văn ở MIT.

Với nhà khoa học Maryam Mirzakhani, con đường đi vào “nghề” toán cũng không phải đã mặc định sẵn từ bé. Trong một cuộc phỏng vấn của Viện Toán học Clay (CMI) năm 2008, Mirzakhani tâm sự: "Tôi từng mơ ước trở thành một nhà văn" và "cho đến năm cuối cùng ở bậc trung học, không bao giờ nghĩ tôi sẽ theo đuổi ngành toán học".

Cũng theo bà, ảnh hưởng đến việc chọn lựa con đường nghiên cứu toán học chính từ người anh trai của mình qua những câu chuyện toán học hấp dẫn anh kể ngày ngày trên đường anh em đi với nhau từ trường về nhà. Nhưng, người gieo hạt là anh trai, còn sự nảy mầm lại nhờ bàn tay bà hiệu trưởng trường trung học mà theo hồi tưởng của cô đó là người phụ nữ cứng cỏi, thực hiện mọi nỗ lực để đảm bảo mọi nữ sinh có cơ hội giống như các nam sinh. Phải chăng đây cũng là một cơ duyên thúc đẩy thêm và dẫn Mirzakhani đi vào con đường Toán học rất sớm, ngay khi chọn vào chuyên ngành Toán ở Đại học Sharif, Tehran, Iran. Rồi từ đó, qua Mỹ xin tiếp vào Đại học Harvard và nhận bằng Tiến sĩ Toán học. 

Quả là cả Lưu Lệ Hằng và Maryam Mirzakhani đều có sẵn tư chất thông minh và nghị lực bẩm sinh, lại gặp cơ hội được tiếp thêm niềm say mê   chân trời khoa học mới lạ. Và cả hai lại cùng gặp được các điều kiện học tập và môi trường nghiên cứu loại hàng đầu thế giới ở nước Mỹ. Nhờ đó, cả hai nữ khoa học gia đến từ châu Á đều nhanh chóng đạt được những thành tựu nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới.

Với người phụ nữ mang dòng máu Việt Lưu Lệ Hằng và quốc tịch Mỹ Jane X. Luu lại có thêm may mắn được gặp gỡ và sát cánh với nhà khoa học thiên văn nổi tiếng gốc Anh, đến từ Hà Lan, một người thầy lớn, một đồng nghiệp lớn trong nhiều năm - GS. David C. Jewitt. Cả hai người đã nhanh chóng thu được nhiều thành tựu nghiên cứu xuất sắc khám phá các thiên thể mới từ vành đai Thái Dương Hệ đến vũ trụ xa xôi. Đặc biệt, sự tồn tại trong thực tế vành đai Kuiper ở rìa Thái Dương Hệ đã được hai thầy trò hay hai đồng nghiệp Jewitt và Lưu minh chứng bằng một chuỗi dài các thành tựu nghiên cứu đặc sắc của mình. Các phát minh này có ý nghĩa rất lớn, nó mở đầu cho một kỷ nguyên mới về nhận thức đầy đủ hơn về cấu tạo Thái Dương Hệ và góp phần hoàn chỉnh dần học thuyết hình thành vũ trụ.

Sau những thành quả nghiên cứu đạt được, nữ khoa học gia họ Lưu đã liên tiếp nhận được những phần thưởng danh giá của khu vực và thế giới. Năm 1991, ngay sau khi nhận bằng Tiến sĩ không lâu, Hiệp hội Thiên Văn Mỹ đã trao Giải thưởng Annie J. Cannon Award Thiên văn học cho bà. Và để ghi nhận công lao của bà trong việc tham gia khám phá hơn 30 thiên thạch hay tiểu hành tinh mới, người ta lấy tên bà đặt cho một thiên thạch mới do chính bà khảo sát và phát hiện, tiểu hành tinh Asteroid 5430 Luu.

Đặc biệt, năm 2012 tên của nhà Nữ Vật lý Thiên văn Lưu Lệ Hằng được xướng danh ở cả hai giải thưởng thiên văn học danh giá nhất thế giới. Tháng 3 năm 2012, tại thủ đô Oslo của Na Uy, Quỹ Kavli đã công bố Giải Kavli Vật lý Thiên văn năm 2012 với số tiền thưởng 1 triệu USD. Giải này được xem là Giải “Nobel Thiên văn học thế giới” và chủ nhân là ba nhà thiên văn đã khám phá ra nhiều vật thể lớn trong vành đai Kuiper, đó là người phụ nữ duy nhất Jane X. Luu cùng với hai đồng nghiệp nam - David Jewitt và Michael Brown.

Tiếp theo, tháng 5/2012, tại Hồng Kông, Quỹ Shaw lại xướng danh các chủ nhân đạt Giải Shaw Thiên văn học 2012; còn gọi là “Giải Nobel Thiên văn Phương Đông” kèm 1 triệu USD tiền thưởng, Người được trao cũng là nữ khoa học gia Jane X. Luu (Lưu Lệ Hằng) cùng đồng nghiệp nam David C. Jewitt về những đóng góp trong việc định danh “các vật thể ngoài Hải Vương tinh” (Trans-Neptunian Objects), viết tắt là TNOs.

Điều may mắn tương tự cũng đến với người phụ nữ đến từ Iran – Maryam Mirzakhani, là khi qua Mỹ, đến Đại học hàng đầu thế giới Harvard, bà đã được làm việc với nhà toán học Curt McMullen, người đã đoạt Huy chương Fields trước đó và toán học từ đây bỗng trở thành niềm đam mê và sự gắn bó suốt đời với bà. Và ngay từ đây, lĩnh vực toán học cụ thể mà nhà toán học nữ trẻ Mirzakhani dồn hết tâm trí nghiên cứu là những bài toán mới mẻ và sâu săc về cấu trúc hình học trên các bề mặt vật thể và sự biến dạng của chúng. Lĩnh vực nghiên cứu cụ thể của Mirzakhani cũng có thể gọi là hình học bề mặt Riemann, là đối tượng toán học phức tạp có thể được phân tích bằng số phức.

Chính vị Giáo sư Đại học Harvard, Curtis McMullen đánh giá các công trình nghiên cứu của Mirzakhan rằng, đây là "những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực hình học Riemann bề mặt và không gian môđun của nó" và "Các hệ thống động lực mô tả bề mặt có hình dạng được phát triển theo thời gian bằng cách xoay và kéo dài một cách chính xác”. Bà được nhiều người thừa nhận: Là một chuyên gia về hình học, Mirzakhani đã đưa ra phương pháp tính toán thể tích của các khối có bề mặt hyperbol có hình thù kỳ quặc như uốn cong hình yên ngựa hay xoắn lại theo dạng móc. Và trong một thông báo của Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU) có chỗ đánh giá: "Mirzakhani là người thông thạo phạm vi nghiên cứu đa dạng của kỹ thuật toán học và các văn hóa toán học khác nhau. Cô là hiện thân của sự kết hợp hiếm hoi giữa khả năng về kỹ thuật xuất sắc, tham vọng táo bạo, tầm nhìn sâu rộng và tinh thần ham học hỏi".

Chính các thành quả nghiên cứu này đã đưa bà đến với nhiều giải thưởng toán học cao quý của các tổ chức khác nhau trên thế giới. Năm 2009, Mirzakhani nhận giải thưởng Blumenthal với những đóng góp cho sự tiến bộ của nghiên cứu toán học thuần túy và năm 2013 nhận giải Satter của Hiệp hội Toán học Mỹ. Và cũng như Lưu Lệ Hằng với 2 giải thưởng cao nhất trong cùng một năm 2012, nhà toán học trẻ đến từ Iran Maryam Mirzakhani trong cùng một năm 2014 được đặt tay lên hai giải thương lớn nhất nhất về Toán học.

Ban đầu là Giải thưởng nghiên cứu của Viện Toán học Clay và gần đây là Huy chương Fields của Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU) đồng thời với ba nhà toán học khác nam giới khác là Artur Avila (Pháp) , Manjul Bhargava (Mỹ) và Martin Hairer (Anh). Tiếp theo, Maryam Mirzakhani, nữ giáo sư Đại học Princeton (nước Mỹ) trở thành nhà toán học nữ đầu tiên và độc nhất, trong số 56 chủ nhân của Giải “Nobel Toán học” kể từ lúc ra đời Huy chương Fields năm 1936 đến nay. Đây là Giải thưởng cao quý nhất về toán học trên thế giới mà nhà toán học trẻ Việt Nam, giáo sư Ngô Bảo Châu từng nhận được năm 2010 với việc đưa ra chứng minh về "bổ đề cơ bản" được Robert Langlands đặt ra từ những năm 1960.

Như vậy, lịch sử các giải thưởng lớn nhất của các chuyên ngành khoa học - Vật lý Thiên văn và Toán học - đã sang trang mới với sự xuất hiện hai nữ khoa học gia đầu tiên trong tư cách chủ nhân của “Giải Nobel”, Lưu lệ Hằng (Jane X. Luu) đến từ Việt Nam và Maryam Mirzakhani đến từ Iran.

Sự kiện đặc biệt đáng ghi nhớ này hẳn sẽ là nguồn động viên, cổ vũ lớn đối với giới nữ đang chiếm một nửa dân số trên toàn thế giới vươn mạnh hơn nữa trên con đường khoa học nhiều chông gai và không ít hấp dẫn, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển nền văn minh của nhân loại, trong đó có các quốc gia đang phát triển như Việt Nam và Iran.  

T.M.