- Ngay từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người mỗi lần bùng phát thành dịch. Vậy tại sao sau gần 4 thập niên, với số ca tử vong vì Ebola qua nhiều đợt dịch ngày càng tăng cao, thế giới hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc điều trị hữu hiệu loại bệnh nguy hiểm này?


{keywords}

Các nhân viên tình nguyện thuộc tổ chức Các bác sĩ không biên giới đang mặc đồ bảo hộ kín toàn thân khi chữa trị cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola ở tây Phi. Ảnh: Word Press

Tính tới thời điểm hiện tại, trong đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất kể năm 1976, bệnh do virus Ebola đã tấn công hơn 1.700 nạn nhân, chủ yếu ở 4 nước Tây Phi Liberia, Sierra Leone, Guinea và Nigeria, cũng như cướp đi sinh mạng của gần 1.000 trong số đó. Những người lây nhiễm bao gồm cả khoảng 200 nhân viên y tế đang trực tiếp tham gia cuộc chiến chống lại căn bệnh có khả năng gây tử vong tới 90% này.

Lí giải về việc bệnh do virus Ebola hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa và chưa có cách điều trị hữu hiệu, tiến sĩ Thomas W. Geisbert, giáo sư chuyên ngành vi trùng học và miễn dịch tại Đại học Texas (Mỹ), cho biết trên báo Huffington Post: "Chúng tôi đã chế ra nhiều loại vắc-xin tỏ ra thành công trong việc bảo vệ các động vật thí nghiệm, kể cả các động vật linh trưởng không phải con người, trước virus Ebola. Nhưng việc phát triển vắc-xin cho con người là một quá trình lập quy rất dài, từ thời điểm tạo ra một loại vắc-xin cho động vật trong phòng thí nghiệm có khả năng bảo vệ chúng ta. Thực sự có rất nhiều rào cản pháp lý và các quy định cần phải vượt qua".

Theo thống kê không đầy đủ, ít nhất 4 loại vắc-xin khác nhau phòng Ebola đang trong quá trình phát triển, kể cả một loại bảo vệ khỉ hoàn toàn trước virus nguy hiểm chết người. Nhiều hãng dược và các nhóm nghiên cứu vẫn đang nỗ lực tìm kiếm cách chữa trị, nhưng một trong những giải pháp hứa hẹn nhất đang bị mắc kẹt trong quy trình kiểm tra tính an toàn.

Virus Ebola là một mầm bệnh khó dự đoán đến mức việc tìm đủ số người có nguy cơ cao để thử nghiệm thuốc là một thách thức rất lớn. Trong khi đó, các căn bệnh truyền nhiễm như cúm hay thậm chí là căn bệnh thế kỷ AIDS phổ biến hơn, khiến việc thử nghiệm trên các nhóm bệnh nhân lớn dễ dàng hơn.

Một loại thuốc có tên gọi TKM-Ebola đã bắt đầu được đưa vào thử nghiệm tính an toàn ở người hồi tháng 1 năm nay, nhưng đã bị Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ yêu cầu tạm ngừng vì lo ngại về liều lượng kê dùng cho những người tình nguyện.

TKM-Ebola do một công ty của Canada có tên gọi Tekmira sáng chế, với sự tài trợ của chính phủ Mỹ. Loại thuốc này sử dụng các mảng vật liệu di truyền gọi là ARN gắn vào virus và đánh dấu nó để hệ miễn dịch của người tiêu diệt. Tiến sĩ Mark Murray, chủ tịch và là tổng giám đốc điều hành của hãng dược Tekmira cho biết, TKM-Ebola hiện là thuốc chưa được phê chuẩn sử dụng trên thị trường và chúng ta vẫn chưa có các khung pháp lý ủng hộ việc sử dụng thuốc ở châu Phi vào thời điểm này.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, nguyên nhân sâu xa cho tình trạng thiếu vắc-xin và thiếu thuốc đặc trị bệnh Ebola hiện nay là tiền. Giáo sư John Ashton, chủ tịch tổ chức UK Faculty of Public Health, một bác sĩ hàng đầu của Anh mới đây đã lên tiếng đổ lỗi thực tế này cho sự "băng hoại đạo đức" của ngành công nghiệp dược phẩm.

Tuấn Anh

Xem tiếp bài 2: Tiền - căn nguyên của việc thiếu thuốc trị Ebola?