- Tôi gặp thị trưởng thành phố Valery Belosheikin. Văn phòng của ông treo một lá cờ lớn của thành phố với hình ảnh các sợi amiăng xuyên qua một vòng tròn lửa màu đỏ trên nền màu xanh lá. Vị thị trưởng nhìn tôi đầy nghi ngờ và như thể tôi là người chịu trách nhiệm cá nhân cho một “âm mưu phương Tây” chống amiăng.

Tiếp theo chuỗi bài về thành phố Asbest, thành phố sản xuất amiăng trắng lớn nhất thế giới hiện nay, VietNamNet tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc bài viết của Shaun Walker, phóng viên của tờ Independent của Anh kiêm biên tập viên của Tạp chí Monocle.

{keywords}
Mỏ amiăng tại thành phố Asbest, thành phố sống dựa vào công ty sản xuất amiăng. (Ảnh: Strana.ru)

Trong bài viết của mình, Shaun Wallker đã cho thấy, việc tiếp cận sự thực về sự độc hại của amiăng khó khăn đến thế nào tại một thành phố mà nền kinh tế hoàn toàn dựa vào một công ty sản xuất amiăng.

Dưới đây là nội dung của bài viết:

Chào mừng bạn đến với thành phố đang sản xuất ra loại nguyên liệu mà hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới đều coi là chất độc giết người.

Trong tòa văn phòng tồi tàn, Andrei dường như thấy rõ rằng sau bài giảng kéo dài suốt nửa giờ của anh ta về những lợi ích của amiăng, tôi vẫn tỏ ra là một kẻ hoài nghi. Người đàn ông quyết định tung ra con át chủ bài cuối cùng của mình.

“Anh biết đấy, nếu như Tòa tháp đôi (của Mỹ) sử dụng amiăng, thảm họa 9/11 sẽ không khủng khiếp đến thế”, ông nói. Bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên của tôi, ông tiếp, với giọng nói đầy tự hào, “Một tòa nhà được xây dựng với amiăng sẽ không sụp đổ như thế”.

Tôi đã đến Asbest, một thành phố 76 ngàn dân thuộc vành đai công nghiệp Ural và là trung tâm sản xuất amiăng của thế giới. Tòa soạn yêu cầu tôi thực hiện một viết một bài báo về thành phố monotown (monogorod) – mô hình thành phố mà nền kinh tế dựa hoàn toàn vào một nhà máy lớn.

Loại hình monotown có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới, tuy nhiên, nền kinh tế kế hoạch của Liên Xô cũ đã khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Hiện có khoảng hơn 500 thành phố giống như Asbest ở khắp mọi miền nước Nga. Chẳng hạn Magnitogorsk, một thành phố gần 500 ngàn dân dựa vào ngành sản xuất thép; Togliatti, nơi cả thành phố sống dựa vào nhà máy sản xuất xe hơi Lada…

Rất nhiều các monotown đang gặp phải không ít khó khăn do kinh tế khủng hoảng, đặc biệt là ngành vật liệu xây dựng. Một khi các nhà máy tại đây đóng cửa, thành phố sẽ gần như bị phá hủy và khi người thất nghiệp chẳng có việc gì để làm nghĩa là các thành phố loại này có thể trở thành tâm điểm của những cuộc biểu tình chống lại chính phủ. Tuy nhiên, tôi không muốn tới một monotown bình thường, tôi muốn một thành phố “đặc biệt” và khi tôi tìm trên Google Maps, tôi đã có thứ mình mong muốn.

Asbest, một thành phố đang sản xuất ra thứ nguyên liệu mà hầu hết những người ở thế giới phát triển coi là chất độc. Họ thậm chí còn đặt tên cho thành phố của mình theo tên của sản phẩm: Amiăng (Asbest trong tiếng Nga nghĩa là asbestos – amiăng). Thật là hoàn hảo.

Ở đây, tình hình đã trở nên khó khăn trong nhiều năm, nhất là sau khi Liên minh Châu Âu và Mỹ đã ban hành lệnh cấm amiăng trong hầu hết các sản phẩm mới từ khoảng 2 thập niên trước. Tuy nhiên, thị trường thế giớ và Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển cho tới thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra.

Hiện nay, nhà máy tại Asbest chỉ làm việc 2 ngày mỗi tuần và hàng ngàn người đang thất nghiệp. Tôi đã nói chuyện với nhiều công nhân dành thời gian ngồi ở quán bia thay vì làm công việc trong nhà máy như bình thường. Nhiều người không biết sẽ sống ra sao khi khoản lương vốn đã ít ỏi của họ bị cắt.

Cuộc trò chuyện chính thức của tôi là với Adrei Kholzyakov, lãnh đạo công đoàn thành phố. Người đàn ông cao lớn với bộ râu người ta thường thấy trong các vở hài kịch và cặp kích dày chào đón tôi một cách nồng nhiệt với một tách trà. Tôi đã cảm thấy xấu hổ khi tự hỏi rằng, không biết trong tách trà có lẫn các sợi amiăng hay không.

Có 19 nhà máy và xí nghiệp khác nhau trực thuộc Công ty  UralAsbest, công ty quan trọng nhất thành phố, ông nói với tôi, và hơn 70% các hộ gia định sống tại đây có ít nhất một thành viên làm việc trong nhà máy. Ông đưa cho tôi một tập tờ rơi bằng tiếng Anh với tiêu đề “Amiăng cứu cuộc sống”.

Amiăng (tiếng Anh: asbestos) gồm có 6 loại, được chia làm 2 nhóm: nhóm serpentin và nhóm amphibole. Nhóm serpentin chỉ có một loại là chrysotile (amiang trắng) và nhóm amphibole bao gồm 5 loại còn lại, thường được gọi là amiăng màu (xanh, nâu…)

Các loại amiăng thuộc nhóm amphibole từng được sử dụng từ nhiều thập kỷ trước trong sản xuất song với số lượng rất ít, chỉ khoảng 5%. Từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, các loại amiăng amphibole đã bị cấm hoàn toàn. Việt Nam cũng cấm amiăng nhóm amphibole từ năm 1998. Hiện nay, 100% amiăng thương mại trên toàn thế giới là amiăng trắng (chrysotile).

Theo Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, tất cả các loại amiăng đều là nguyên nhân gây ung thư. Một số nhà sản xuất amiăng trắng thường dùng cách lập luận cho rằng, loại amiăng gây ung thư là amiăng màu (amphibole) để khẳng định amiăng trắng là an toàn.

Kholzyakov trở lại ghế ngồi của mình và thở dài. “Vấn đề là, loại amiăng amphibol được sử dụng ở châu Âu quả thực là nguy hiểm. Nhưng chúng tôi khai thác là amiăng chrysotile (amiăng trắng), nó hoàn toàn an toàn. Chỉ vì các công ty ở châu Âu đang tạo nên các loại nguyên liệu thay thế đắt tiền nên đã có một cuộc chiến nhằm cấm sản xuất amiăng”.

“Tất cả chúng tôi đều muốn mọi người lắng nghe mình, nhưng người ta dường như không muốn nói chuyện. Khi tôi tham dự một Hội thảo Công đoàn ở Viên, thậm chí chẳng có ai muốn bắt tay tôi. Họ nhìn tôi giống như thể tôi là một loại mafia vậy”.

Sau đó, tôi gặp thị trưởng thành phố Valery Belosheikin. Văn phòng của ông treo một lá cờ lớn của thành phố với các sợi amiăng xuyên qua một vòng tròn lửa màu đỏ trên nền màu xanh lá. Vị thị trưởng nhìn tôi đầy nghi ngờ và như thể tôi là người chịu trách nhiệm cá nhân cho một “âm mưu phương Tây” chống amiăng.

“Có hai loại amiăng, chrysotile (amiăng trắng) và amphibole…”, ông bắt đầu. Vị thư ký báo chí của ông huých nhẹ vào sườn và hỏi tôi vì sao không ghi chép lại điều đó.

“Tôi đã được nghe về điều này rồi”, tôi nói.

“Vấn đề là”, ông thị trưởng Belosheikin tiếp tục, “các công ty phương Tây của các ông đang bận làm những sợi thay thế đắt đỏ. Đó là lý do họ tham gia vào các cuộc tuyên truyền chống lại chúng tôi. Ông hãy nói cho tôi nghe, cái gì nguy hiểm hơn, giữa một thứ là tự nhiên và một thứ là nhân tạo? Điều đó đã quá rõ ràng rồi!” Ông ngồi ngửa ra phía sau, tự hài lòng với bản thân và tôi kết thúc sớm cuộc phỏng vấn của mình.

“Ngay cả khi không có phương Tây, chúng tôi vẫn tồn tại”, ông nói trong phần cuối câu chuyện. “Thị trường của amiăng còn rất lớn và khi cuộc khủng hoảng này qua đi, chúng tôi sẽ tiếp tục đứng trên đôi chân của mình”.

Vào cuối ngày, tôi gọi đến đài truyền hình địa phương – Asbest TV với hy vọng tìm kiếm một cách nhìn khách quan hơn. Tôi bắt tay Andrei, giám đốc đài nhưng ông nhìn tôi với ánh mắt đầy cảnh giác.

“Điều đầu tiên tôi phải nói với anh rằng, có 2 loại amiăng, amiăng trắng và amphibole…”, ông bắt đầu. Tôi bắt đầu sao nhãng và cảm thấy mệt mỏi về amiăng trắng và amphibole. Tôi muốn về nhà.

Sau một bài giảng kéo dài gần 1 giờ về rất nhiều lý do vì sao amiăng thật tuyệt vời, chúng tôi dạo một vòng quanh trung tâm thị trấn. Andrei đập vào tay tôi và chỉ những người qua đường. “Anh nhìn xem, họ chẳng bị bệnh gì cả, đúng không?” Sau đó, tôi tới gặp các bác sĩ tại Asbest, nhưng họ từ chối nói chuyện với tôi với lý do: “Chúng tôi chẳng có vấn đề gì ở đây cả”.

Trước khi tôi ra về, Andrei đòi tôi phải hứ rằng, tôi sẽ “nói sự thật về amiăng với thế giới”.

Tối hôm đó, tôi ăn tối với một tổng biên tập một tờ báo tại Ekaterinburg, thành phố lớn nằm gần Asbest và tôi đã hỏi ông về amiăng: Thực sự có một âm mưu chống lại người Nga hay không? Và rằng, 2/3 thế giới vẫn đang tiếp tục dùng amiăng, chỉ có Mỹ và phần lớn các quốc gia châu Âu là cấm amiăng mà thôi?

“Amiăng? Chúa ơi, nó thực sự độc hại. Chẳng có gì phải nghi ngờ là thành phố ấy (Asbest) đang chết dần. Còn ai trên thế giới này muốn mua amiăng nữa? Nó là nguyên nhân gây ung thư!”.

“Tuy nhiên, họ nói rằng, tỉ lệ ung thư ở chỗ họ thấp hơn…”, tôi bắt đầu.

“Thấp hơn nơi nào cơ?”, vị tổng biên tập ngắt lời. “Thấp hơn một khu bệnh nhân ung thư thì có thể!”

Tôi cười, tỏ vẻ hối lỗi. Nếu như Asbest muốn khắc phục tình hình khó khăn hiện nay, thành phố sẽ cần đến một chiến dịch PR lớn hơn, và họ phải bắt đầu từ những nơi gần với họ hơn, như nơi đây.

Lê Văn (dịch)