Đợt bùng phát dịch Ebola nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện nay đang làm dấy lên các quan ngại ngày càng tăng về sự lan truyền của loại virus vô cùng nguy hiểm này khắp thế giới, thông qua đường hàng không. Nguy cơ nhiễm phải căn bệnh khiến "10 người, chết 9" này thực tế cao đến mức nào?


{keywords}

Để trả lời được câu hỏi trên, phóng viên BBC đã trò chuyện với các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm để tìm hiểu xem, chúng ta đã biết được những gì về việc lây lan bệnh dịch qua đường hàng không cũng như các dấu hiệu tiết lộ nguy cơ lan truyền virus Ebola khắp thế giới.

Các vấn đề về truyền nhiễm

Có một thực tế dễ nhận thấy lâu nay là, nhiều người coi các cabin máy bay là môi trường thuận lợi cho bệnh dịch. Những người hay đi lại bằng máy bay cũng thường tỏ ra dè chừng các bạn đồng hành hắt hơi hoặc ho, vì sợ lây nhiễm tình trạng bệnh của họ.

Tuy nhiên, nguy cơ mắc phải một căn bệnh truyền nhiễm từ một hành khách bị bệnh không cao như đa phần chúng ta nghĩ, theo Christine Pearson, phát ngôn viên của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch Mỹ (CDC). "Máy bay không nguy hiểm hơn bất kỳ nơi nào bạn tiếp xúc với đông người, chẳng hạn như một trung tâm mua sắm hay quầy bán thực phẩm", bà Pearson nói.

John Oxford, một chuyên gia virus học tại Đại học Queen Mary (London, Anh) nhất trí với ý kiến trên. Ông Oxfor chỉ ra rằng, hệ thống thông hơi của máy bay hoạt động từ dưới sàn lên tới trần, nơi không khí được lọc bỏ vi khuẩn và virus trước khi tái lưu thông. Các thí nghiệm mô phỏng nhằm xem xét khả năng lây lan vi trùng phát hiện, chúng nhìn chung chỉ giới hạn trong một vài hàng ghế ở bên này hoặc bên kia của máy bay. Ngay cả khi điều đó xảy ra, nguy cơ dường như cũng nhỏ, theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Y học Anh.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu một chuyến bay chở 9 học sinh về sau được phát hiện đang mang trong mình virus cúm H1N1. Chỉ 2 hành khách khác trong số hơn 100 người được kiểm tra, sau đó đã phát bệnh và cả hai người này đều ngồi ở cùng 2 hàng ghế với những đứa trẻ mắc bệnh. Vì vậy, các nhà nghiên cứu kết luận rằng, chỉ có 3,5% nguy cơ nhiễm bệnh nếu bạn ngồi ở những hàng ghế đó.

{keywords}
Các nhân viên y tế tẩy trùng trên máy bay. Ảnh: CNN

Một số ít nghiên cứu khác về bệnh sởi và bệnh lao cũng hé lộ, tỉ lệ lây nhiễm những căn bệnh này trên các máy bay cũng tương đối thấp. Từ những công trình nghiên cứu như thế này, ông Oxford nhận định, "nguy cơ lớn nhất không nằm trên máy bay, mà ở các xe taxi trên đường ra sân bay".

Dẫu vậy, John Edmunds, giáo sư chuyên về mô hình hóa bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London (Anh) nhấn mạnh, rất khó để đi đến bất kỳ kết luận chắc chắn nào, ngay cả đối với những căn bệnh phổ biến hơn. Chuyên gia này lí giải, số lượng các nghiên cứu ít, đồng nghĩa với việc bạn không thể tìm được các con số xác thực về nguy cơ và so sánh chúng với nguy cơ của bệnh truyền nhiễm trong sách giáo khoa. Do đó, việc đánh giá nguy cơ lan truyền các căn bệnh hiếm gặp và ít được nghiên cứu hơn như bệnh Ebola trong các chuyến bay, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều.

Phương thức truyền nhiễm rõ ràng là một yếu tố nguy cơ. Hiện có một vài trường hợp ghi nhận norovirus lây lan giữa các hành khách, có thể do mọi người dùng chung nhà vệ sinh. Tuy nhiên, như chúng ta biết, virus Ebola tương đối khó nhiễm: không giống các bệnh hô hấp như cảm lạnh và cảm cúm, virus chỉ có thể truyền nhiễm thông qua tiếp xúc với các dịch cơ thể người mang bệnh như nước bọt, dịch nôn hoặc máu.

Bệnh do virus Ebola gây ra, hay còn gọi là bệnh xuất huyết Ebola, được xếp vào dạng nguy hiểm nhất thế giới, do chưa có vắc-xin phòng ngừa và hiện vẫn vô phương cứu chữa. Ở người, bệnh có nguy cơ gây tử vong rất cao, tới 90% số trường hợp mắc phải.

Mặc dù hiếm có khả năng người đang mang bệnh Ebola sẽ cố gắng đi lại đây đó bằng máy bay, nhưng chúng ta vẫn không thể loại trừ hoàn toàn khả năng này. Patrick Sawyer, một công dân Mỹ chết vì virus này hồi tuần trước, đã cho thấy một số triệu chứng bệnh trên một chuyến bay từ Liberia tới Nigeria, làm dấy lên các quan ngại đối với những hành khách khác. Các nhân viên của hãng hàng không và các quan chức y tế hiện phải ý thức nhiều hơn về những nguy cơ và cần phải tiến hành cách ly bất kỳ ai đó nghi mang bệnh.

Theo các chuyên gia, luôn có nguy cơ một hành khách lên một chuyến bay trước khi họ xuất hiện những triệu chứng bệnh rõ ràng. Tuy nhiên, cho tới nay, có bằng chứng khẳng định, bạn ít có khả năng nhiễm virus Ebola từ ai đó ở giai đoạn đầu của bệnh, trước khi họ bắt đầu nôn mửa và xuất huyết.

"Bản thân tôi không muốn là hành khách ngồi cạnh một người mang virus Ebola. Tuy nhiên, nếu anh ta chỉ ngồi đó với cơn sốt, tôi không thể tưởng tượng tình huống này lại chứa đựng nguy cơ cao", giáo sư Edmunds thừa nhận.

Chuyên gia Oxford nhấn mạnh thêm rằng, các biện pháp vệ sinh cơ bản có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh Ebola hơn nữa, ngay cả khi chúng không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ. Theo ông, virus Ebola rất dễ bị tiêu diệt bằng nước nóng và xà phòng. Ngoài ra, việc cọ rửa bằng rượu cồn cũng có thể loại bỏ virus này trong một phần triệu giây.

Nguy cơ nhỏ

Nếu một người có vẻ ngoài dường như khỏe mạnh nhưng mang virus trong cơ thể, hạ cánh xuống một đất nước, vẫn có khả năng người này làm lây truyền bệnh thông qua tiếp xúc. Đây có lẽ là nguy cơ lớn hơn về một đại dịch toàn cầu, vì thế giới từng ghi nhận việc những người mang mầm bệnh không bị phát hiện đã phát tán các virus cúm H1N1 và SARS khắp toàn cầu.

{keywords}

Một thành viên của tổ chức Các bác sĩ không biên giới đang mặc đồ bảo vệ chuyên dụng để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus Ebola ở  Nigeria. Ảnh: Getty Images.

Theo giáo sư Edmunds, trong quá khứ, việc lây lan các bệnh bị giới hạn bởi chiều dài của cuộc hành trình. Ví dụ, bệnh sởi phát triển nhanh chóng, nên mọi trường hợp bị bệnh sẽ kiệt sức vào cuối của một cuộc hành trình dài. Do bệnh Ebola có thời gian ủ bệnh tới 21 ngày, nên những người mang mầm bệnh có thể tới một đất nước vài tuần trước khi phát lộ các triệu chứng, tiềm tàng nguy cơ lây lan nó cho những người anh/cô ta quen biết.

Bất chấp điều đó, chuyên gia Oxford lạc quan rằng, căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này có thể được kiểm soát. Bất kỳ ai cho thấy triệu chứng bệnh sẽ được chẩn đoán nhanh chóng trước khi được cách ly và nhà chức trách y tế cũng sẽ kiểm tra bất kỳ ai tiếp xúc với họ, kể cả phi hành đoàn, các nhân viên kiểm tra hộ chiếu và gia đình của họ.

Gregory Härtl, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết, quan điểm chính thức của cơ quan này hiện nay là, nguy cơ dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi trở thành một đại dịch toàn cầu hiện tương đối nhỏ. Tuy nhiên, WHO cũng đang hợp tác với Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế để xem xét lại các khuyến nghị của họ.

Hiện tại, WHO chưa khuyến cáo phải soi kiểm hành khách tại các sân bay, vì các máy quét nhiệt được sử dụng để kiểm tra sốt không có khả năng phát hiện người ủ bệnh Ebola ở giai đoạn đầu. Hiện cũng chưa có các khuyến nghị giới hạn đi lại vì căn bệnh truyền nhiễm này.

Dẫu vậy, tình hình đang tiến triển rất nhanh và các khuyến nghị có thể phải thay đổi trong vài ngày tới. Hiện tại, không ai có thể dự đoán liệu có người đi máy bay nào khác bị nhiễm bệnh hay không, nhưng tất cả đều hy vọng sự cảnh giác tăng cao sẽ giúp giảm thiểu mọi nguy cơ.

Tuấn Anh (Theo BBC)