Rác trôi nổi trong dòng hoàn lưu Ấn Độ Dương đang gây khó khăn cho những nỗ lực truy lùng phi cơ MH370 mất tích của Malaysia Airlines, do các đội tìm kiếm nhận nhầm chúng với những mảnh vỡ máy bay. Vậy, các dòng hoàn lưu đại dương là gì và tại sao chúng chứa đựng nhiều rác đến như vậy?


{keywords}

Bản đồ 5 dòng hoàn lưu đại dương chính trên Trái đất. Ảnh: NOAA  

Bất kỳ dòng nước hoặc luồng không khí đang lưu thông nào cũng có thể được coi là một dòng hoàn lưu. Tuy nhiên, thuật ngữ này thường được dùng để đề cập đến một xoáy nước đại dương.

Trên Trái đất hiện tồn tại 5 dòng hoàn lưu đại dương chính. Ngoài dòng hoàn lưu Ấn Độ Dương xoay quanh Madagascar và tây Úc, hành tinh của chúng ta còn có 4 dòng hoàn lưu lớn khác ở Bắc và Nam Đại Tây Dương cũng như ở Bắc và Nam Thái Bình Dương.

Các dòng hoàn lưu đại dương hình thành do gió, áp suất khí quyển và việc quay của Trái đất. Khi Trái đất tự quay quanh trục, một lực vật lý gọi là hiệu ứng Coriolis khiến các dòng hoàn lưu quay theo hướng khác nhau, tùy thuộc vào vị trí của chúng. Các dòng hoàn lưu Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương quay theo chiều kim đồng hồ, trong khi các dòng hoàn lưu Ấn Độ Dương, Nam Đại Tây Dương và Nam Thái Bình Dương quay theo chiều ngược lại.

{keywords}
Các dòng hoàn lưu đều nhốt giữ lượng lớn rác thải trong quá trình lưu thông. Ảnh: NOAA

Cả 5 dòng hoàn lưu đều nhốt giữ lượng lớn rác thải trong quá trình lưu thông, do các mảnh vụn không bao giờ trôi dạt vào bờ. Những mảnh nhựa trôi nổi gần bề mặt chiếm phần lớn lượng rác này, cùng với những vật thể lớn hơn như các khối xốp hoặc dụng cụ câu cá.

Rác có thể vô cùng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong đối với những sinh vật biển nuốt phải chúng một cách ngẫu nhiên hoặc do nhầm lẫn là thức ăn. Các dòng hoàn lưu chứa rác trong đại dương cũng là nơi dung dưỡng vi khuẩn và ô nhiễm hóa chất.

Tuấn Anh (Theo Discovery)