Oxytocin, hoóc môn "yêu" thường gắn liền với sự tin tưởng và gắn kết, thực tế có thể khiến mọi người tăng khả năng gian dối.

{keywords}
Khi sự thiếu trung thực làm lợi cho nhóm, oxytocin được phát hiện làm tăng việc nói dối cũng như gian trá cực điểm. Ảnh: Alamy

Nhà nghiên cứu Shaul Shalvi đến từ Đại học Ben-Gurion (Israel) và cộng sự Carsten de Dreu thuộc Đại học Amsterdam (Hà Lan) nhận thấy, khi bảo vệ hoặc thúc đẩy tình trạng hạnh phúc của những người khác, con người có thể "bẻ cong" sự thật và cư xử trái với luân thường đạo lý. Họ phát hiện, xu hướng này có liên quan đến oxytocin, chất peptide thần kinh thúc đẩy sự gắn kết và hợp tác giữa các cá nhân.

Theo tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, nhóm nghiên cứu đã thiết kế một game máy tính đơn giản, yêu cầu những người chơi dự đoán mặt sấp - ngửa của một đồng xu tung lên và sau đó thông báo kết quả của họ. Nếu người chơi dự đoán đúng, đội của họ sẽ thắng 0,4 USD. Ngược lại, nếu dự đoán sai, đội của họ sẽ không được tiền thưởng.

Trước khi chơi 30 phút, 1/2 số người tình nguyện khỏe mạnh được xịt một lượng nhỏ hoóc môn oxytocin vào mũi, trong khi 1/2 số người còn lại được xịt giả dược.

Kết quả cho thấy, thành viên của cả 2 đội đều nói dối, nhưng những người thuộc đội dùng oxytocin gian trá nhiều hơn. So với đội dùng giả dược, các thành viên đội dùng hoóc môn "yêu" cũng sẵn sàng nói dối "ngoa" hơn và ít ngập ngừng hơn về kết quả chơi game.

Các nhà nghiên cứu kết luận: "Khi sự thiếu trung thực làm lợi cho nhóm, oxytocin làm tăng việc nói dối cũng như gian trá cực điểm. So với giả dược, hoóc môn 'yêu' cũng tăng tốc độ quyết định nói dối. 

Những tác động này đặc biệt rõ thấy khi sự gian dối mang lại các lợi ích và biến mất khi sự thiếu trung thực nhằm tránh tổn thất hoặc không có ảnh hưởng về tài chính. Khi gian dối chỉ phục vụ mình lợi ích bản thân của chủ thể, oxytocin không có ảnh hưởng nào".

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)