- Là nhân vật của chuyên mục Hotface, nghệ sĩ Vân Dung đã khóc nghẹn khi kể câu chuyện về bà cụ già chạy trong mưa bão tặng cô quả xoài. Bên cạnh đó, Vân Dung cũng lần hiếm hoi tiết lộ chuyện bị cướp khi đi tập Táo Quân.

Clip 1: Vân Dung khóc nghẹn khi kể câu chuyện ám ảnh.

Clip 2: Vân Dung kể chuyện cướp ở hậu trường Táo Quân.

Xem toàn bộ phần 1 cuộc trò chuyện của nghệ sĩ Vân Dung.

Nhà báo Hà Sơn: Trên sân khấu kịch chị diễn rất có duyên tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng diễn xuất của chị bị đóng khung bởi một dạng vai. Chị nghĩ sao về điều này?

Nghệ sĩ Vân Dung: Tôi cho rằng khi làm nghề, nên cố gắng phát huy tốt nhất sở trường của mình. Khi mình làm tốt, được khán giả đón nhận, nhớ đến và yêu mến, đó đã là một thành công rất đáng trân trọng. Nhưng là một nghệ sĩ, tôi luôn muốn mình đóng được tất cả các dạng vai.

Vai già, vai trẻ con, vai trung niên hay thậm chí vai bị điên tôi đều đã đóng rồi. Trong suốt bao nhiêu năm làm nghề, chỉ duy nhất vai dịu dàng, thanh cao như công chúa tôi chưa đóng. Nhưng bây giờ tôi đã 43 tuổi, còn ai mời làm công chúa nữa (cười). Tôi hy vọng sẽ có một vai diễn mới để khán giả có thể nhìn mình với một con mắt khác.

Vừa rồi, tôi có tham gia bộ phim “Ghét thì yêu thôi” - vai diễn không giống với bất cứ nhân vật nào tôi từng đóng trước đây. Những vai như đanh đá, chua ngoa, điêu trác tôi đều đã kinh qua hết, nhưng nhờ có đạo diễn Đỗ Thanh Hải và đạo diễn Trịnh Lê Phong mà tôi lần đầu tiên được trải nghiệm vai một bà mẹ hiền lành, hết mực thương con và vô cùng dễ thương. Tôi mong rằng sẽ có nhiều phim, nhiều tiểu phẩm giao cho tôi những vai diễn trái chiều để tôi có thể thử sức.

Các đạo diễn luôn cho rằng Vân Dung chưa cần khóc chưa cần cười khán giả đã có cảm giác phản bội nên không ai yên tâm giao vai cho tôi. Nhiều lúc tôi nghĩ tại sao tôi cứ bị gắn liền với vai osin hay bà già quái thai mà không được làm công chúa dù chỉ một lần để chứng minh tôi có thể làm được. Bởi vậy, sau bộ phim này, tôi mong rằng khán giả và các đạo diễn sẽ có cái nhìn khác về tôi.

Chị vừa nhắc đến "Ghét thì yêu thôi” và trong bộ phim này chị đóng cùng nghệ sĩ Chí Trung – một người anh trong nghề và cũng là người sếp hiện tại của chị tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Nghệ sĩ Chí Trung ưu ái chị hơn những người khác trong nhà hát phải không?

- Thực sự anh Chí Trung dành cho tôi rất nhiều ưu ái. Anh chính là người đầu tiên tuyển tôi vào Nhà hát Tuổi Trẻ. Anh nhìn thấy ở tôi một sự khác người và thích cá tính của tôi. Anh thường nói: “Không hiểu sao số anh với số em thế nào mà cứ dính lấy nhau”. Tôi chưa bao giờ nghĩ anh Chí Trung là sếp, tôi chỉ nghĩ anh là một người anh, người bạn thân, người mà tôi có thể chia sẻ rất nhiều thứ kể cả chuyện tình yêu, chuyện gia đình, công việc…

Chị vừa chia sẻ mối quan hệ thân thiết với nghệ sĩ Chí Trung. Tuy nhiên có nhiều thông tin cho rằng người mà chị thân nhất là nghệ sĩ Quang Thắng và nghệ sĩ Công Lý, nhưng dạo gần đây chị lại thân hơn với nghệ sĩ Xuân Bắc. Chị nói sao về điều này?

- Có lẽ gần đây tôi đã đăng lên trang cá nhân một dòng trạng thái về Xuân Bắc nên mọi người nghĩ tôi thân với Xuân Bắc hơn. Nhưng thực ra trong gia đình Táo, ai tôi cũng chơi như nhau, tôi coi họ như những người thân, anh chị em ruột thịt. Tôi chưa bao giờ giận dỗi, ghét bỏ ai trong nhóm vì tôi rất yêu quý cũng như coi trọng họ. Chúng tôi ở trong một tập thể, mỗi khi các thành viên gặp chuyện buồn, tôi cũng không thể vui. Tôi luôn dành cho họ những tình cảm đặc biệt nhất.

Cách đây 6, 7 năm, các nghệ sĩ hài rất đắt show, chạy show các tỉnh liên tục. Thời gian đó, chị chia sẻ nhiều câu chuyện hậu trường rất thú vị. Gần đây chị không còn chạy show tỉnh thường xuyên như trước nữa, vậy kỷ niệm có bớt đi và có điều gì độc đáo ấn tượng hơn không?

- Trong cuộc đời làm nghệ sĩ, ai cũng có rất nhiều kỷ niệm dù là vui hay buồn. Tôi nhớ nhất một lần đoàn đi diễn trên Sơn La và gặp phải thời tiết vô cùng xấu. Mưa to đá lở khiến chúng tôi không thể chuyển quân trong đêm đúng kế hoạch mà phải rời đến sáng hôm sau.

Khi chúng tôi chuyển hết đồ lên ô tô và xe bắt đầu di chuyển, có một bà cụ cứ chạy theo, trên tay cầm hai quả xoài kêu to: “Vân Dung ơi dừng lại, bà tặng con hai quả xoài”. Tôi ngồi trên được anh em trong đoàn nhắc nên xin xe dừng lại một chút và xuống với bà cụ. Trên tay cụ là hai quả xoài còn xanh, non chưa ăn được nhưng vì quá quý mà không biết lấy gì tặng, bà kêu con cháu hái xuống tặng Vân Dung.

Nhìn bà cụ chạy theo xe dưới mưa, tôi không thể kìm được nước mắt. (Vân Dung khóc nghẹn - PV). Đến giờ nhớ lại tôi vẫn vô cùng xúc động và suốt cả cuộc đời tôi sẽ không thể nào quên. Đó cũng chính là động lực giúp tôi cố gắng cống hiến hết mình cho công chúng, cho những khán giả đã dành tình cảm cho tôi.

Nghệ sĩ Vân Dung không chỉ đóng những vở kịch tại Nhà hát Tuổi Trẻ mà còn tham gia rất nhiều tiểu phẩm hài trên truyền hình và cả phim truyền hình. Chị đã từng xem lại bao nhiêu tiểu phẩm trong số đó?

- Những phim tôi từng đóng tôi đều xem lại, còn tiểu phẩm có quá nhiều, lên đến hàng nghìn nên tôi không thể xem lại hết. Ngày xưa khi còn chương trình “Gặp nhau cuối tuần”, cứ đều đều mỗi tuần tôi đóng một tiểu phẩm, khi truyền hình phát tiểu phầm này tôi phải chuẩn bị quay tiểu phẩm tiếp theo nên hầu như không có thời gian xem lại.

{keywords}

Nhưng bất cứ khi nào được nghỉ, tôi tranh thủ xem lại để tự mình nhận xét chỗ này vì sao diễn chán thế, chỗ kia vì sao khán giả không cười rồi rút kinh nghiệm cho những lần sau. Tôi rất sợ khi đứng trên sân khấu diễn hài khán giả không cười, khi ấy tôi cảm thấy mình thật vô duyên và vài giây cũng dài như một thế kỷ.

Chị đã từng gặp nỗi sợ hãi khi mình bị "vô duyên" trên sân khấu?

- Tôi đã từng như thế. Có lần tôi diễn một tiểu phẩm, khán giả không cười, tôi đã ở yên trong phòng hóa trang mà không dám bước chân ra ngoài vì sợ, vì xấu hổ. Nỗi sợ đó ám ảnh tôi đến bốn ngày sau. Mặc dù trước mặt mọi người tôi luôn tươi cười, vui vẻ, nhưng thực sự tôi là một người hay cả nghĩ. Nếu không làm khán giả cười, tôi sẽ rất buồn và sợ hãi. Tôi thấy mình hèn thật.

Những ngày cuối năm, khán giả đều quan tâm và mong chờ “Táo Quân”. Và phía hậu trường chị từng bị giật túi khi đi tập chương trình đặc biệt này?

- Thực ra đây là một câu chuyện rất buồn cười vì tôi đã được báo trước rằng tôi sẽ bị giật túi. Đầu năm tôi đi xem bói, thầy nói với tôi năm nay là năm tốt của tôi nhưng tôi sẽ bị cướp một cái gì đó. Hôm ấy là ngày thứ mười tập “Táo Quân”. Trong suốt mười ngày, chúng tôi đều ăn cơm hộp nên hôm đó tôi quyết định phải đi ăn hàng.

Trước khi đi mẹ tôi dặn đừng mang nhiều tiền trong túi vì chẳng may làm rơi hoặc lơ là bị ai đó lấy mất. Tôi nghe mẹ và để hết tiền ở nhà, chỉ mang theo một triệu hai trăm ngàn. Đến giờ ăn tối, mọi người đều lấy cơm hộp ra ăn nhưng tôi không chịu, tôi nhất quyết ra ngoài ăn và kéo theo anh Đức Hải.

Hai anh em đang khoác tay nhau đi trên đường, một chiếc xe máy phóng qua, trong đúng một giây, chiếc túi sách của tôi biến mất và tôi ngã ra đường. Anh Đức Hải ban đầu còn nghĩ tôi bày trò nên chỉ đứng cười, sau khi biết tôi bị giật túi, anh Hải tái mặt kéo tôi về chỗ tập. Về anh lặng lẽ leo lên giường đắp chăn không nói một lời vì sợ quá. Mọi người khi nghe tôi kể chạy lại xem tôi có sao không nhưng không sao cả vì tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần của đi thay người.

Khán giả và những đồng nghiệp đều dành cho chị những lời khen về tính cách như vui vẻ, vô tư, dễ gần. Nhưng nếu có ai đó nói Vân Dung có gì đó “điêu điêu”, chị có buồn không?

- Không có gì phải buồn cả vì đó là thương hiệu của tôi. Chính sự “điêu điêu” đó khiến tôi để lại dấu ấn trong lòng khán giả từ những tiểu phẩm đến những bộ phim truyền hình. Nếu “điêu” một chút mà không làm hại ai, không làm tổn thương ai lại khiến người ta quý mến, nhớ đến thì không có vấn đề gì. Khán giả nói tôi “điêu điêu” tức là đã có hình ảnh của tôi trong đầu họ. Tôi thích điều đó. Nếu như nhắc đến Vân Dung mà không gợi lên cho khán giả ấn tượng gì, chứng tỏ tôi quá nhạt, khi ấy mới là lúc đáng buồn.

Phần 2: Vân Dung nói về nỗi cô đơn và người đàn ông đặc biệt

Sơn Hà - Đức Yên - Huy Phúc - Bạt Tuấn