- 20 tuổi anh Phạm Văn Hát lấy vợ với của hồi môn là hơn 20 cân gạo ít ỏi. Chính sự thất bại đớn đau khi vỡ nợ lên đến gần 4 tỉ, anh đã sang Israel với mong muốn kiếm thêm thu nhập trả món nợ và được mở mang nhiều bài học cho mình.

Clip 1: Anh Phạm Văn Hát kể về cú vỡ nợ gần 4 tỉ.

Clip 2: Anh Phạm Văn Hát với những chia sẻ về vợ và các con

Xem toàn bộ phần 2 cuộc trò chuyện với anh Phạm Văn Hát.

Nhà báo Hà Sơn: Ngoài những sáng chế, khán giả cũng rất tò mò về đời sống thường ngày của anh. Anh có thể chia sẻ?

Anh Phạm Văn Hát: Tôi lập gia đình năm 20 tuổi. Những ngày đầu xin bố mẹ cho ra ở riêng, cuộc sống rất thiếu thốn và khó khăn. Vợ chồng tôi làm đủ nghề như làm bánh, nấu rượu, chăn nuôi nhưng không may bị thua lỗ, hết vốn nên phải bỏ nghề.

Sau đó, tôi bắt đầu đi làm cơ khí. May mắn được trời phú cho đôi tay và cái đầu nên dù không được học hành, tôi vẫn làm rất tốt, thậm chí hơn cả những người khác. Chỉ sau một đến hai tháng, tôi đã được thăng lên chức đội trưởng. Đó cũng là một điều thuận lợi cho việc khởi nghiệp của tôi sau này.

Mọi người thường nói vui khéo tay do có nhiều hoa tay nhưng ở tôi là tư duy và bản năng sẵn có. Chỉ cần nhìn vào một cỗ máy người khác sáng chế, tôi có thể biết cỗ máy đó lỗi ở điểm nào. Vì vậy, các sản phẩm của tôi luôn được cải tiến không ngừng.

Trước khi sang Isarel làm việc, anh từng có khoảng thời gian làm nông ở Việt Nam và vỡ nợ vào năm 2007?

- Đó thực sự là bài học tôi không bao giờ quên. Cho đến năm ngoái tôi mới có thể trả hết nợ. Tôi là người đầu tiên tại Hải Dương thực hiện kinh doanh trang trại mô hình lớn chuẩn quốc gia. Nhưng do chưa có kinh nghiệm và hơi vội vàng, tôi đã thất bại và rơi vào cảnh nợ nần 4 tỷ đồng. Sau đó tôi quyết định sang Isarel làm việc để tìm hiểu nguyên nhân vì sao tôi thất bại, đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm của nước bạn.

Hơn một năm sống tại nơi đất khách quê người, phải xa vợ và ba người con, anh thấy như thế nào?

- Nghĩ lại tôi thấy đó là một bài học đắt giá dành cho mình. Tôi rút ra thực tế ở đâu cũng vẫn phải lao động chứ không nhất thiết phải ra nước ngoài. Ở Isarel, mỗi ngày tôi phải làm 12, 13 tiếng. Nếu ở Việt Nam, tôi làm việc với ngần ấy thời gian, thu nhập của tôi cũng không ít hơn bên đó. Vậy nên, tôi không phải suy nghĩ nhiều khi quyết định về nước, về bên gia đình.

Anh trở về Việt Nam ngoài yếu tố lập nghiệp làm giàu, còn có mong muốn được ở gần người vợ thương yêu?

- Tôi là một người đàn ông của gia đình. Thời gian trôi đi không thể quay lại nên tôi sẵn sàng dành hết thời gian mình có để được ở bên người thân. Tôi từng nhận được lời mời của nhiều tập đoàn với mức lương rất hấp dẫn, lên đến 7000USD mỗi tháng nhưng tôi vẫn quyết định không đi. Với tôi, tình cảm vợ chồng, cha con là thứ quý giá nhất, không thể mua được bằng tiền. Hơn nữa tôi ở lại Việt Nam, sáng chế sản phẩm cho quê hương mình mới là điều đáng tự hào.

Trong ba người con, có ai thích máy móc và sáng chế giống bố không?

- Hai cháu lớn con gái của tôi đã có gia đình. Cháu út là con trai mới học lớp 6 nhưng có vẻ cũng rất thích tìm tòi học hỏi những thứ liên quan đến máy móc, thậm chí tự sáng chế ra những chiếc máy đồ chơi. Cháu cũng là một người có đầu óc rất thông minh và nhanh nhạy. Tôi không biết sau này cháu có theo nghề bố hay không nhưng cháu đã thừa hưởng từ tôi một phần nào đó.

Anh từng chia sẻ truyền nghề cho người thân trong gia đình nhưng rất nhiều con cháu của anh không gắn bó lâu này mà sang nước ngoài làm việc, anh có cảm thấy tiếc về điều này?

- Tôi có quan điểm không truyền nghề cho người ngoài, chỉ truyền cho con cháu trong gia đình. Nhưng nếu như các cháu nhờ những sáng chế do tôi truyền dạy kiếm được miếng ăn bên nước ngoài, đó là một việc tốt. Tôi không quá câu nệ việc này vì dù sao như vậy cũng tốt cho các cháu. Hơn nữa, những gì các cháu học từ tôi vẫn còn quá ít, không ảnh hưởng gì đến việc lộ bí kíp hay mất bản quyền.

Bà xã của anh ngoài hỗ trợ anh sáng chế máy móc còn có công việc riêng khác?

- Vợ tôi chăm lo đủ mọi việc trong gia đình từ cơm nước đến giặt giũ dọn dẹp. Nhiều khi thấy chồng vất vả cũng giúp đỡ cả việc lắp ráp máy móc, không ngần ngại chuyện gì. Cô ấy luôn hỗ trợ tôi nhiều nhất có thể.

Anh đã trả hết nợ từ năm ngoái và từ năm nay sẽ sớm có "đại gia chân đất Phạm Văn Hát"?

- Cái đó tôi không dám chắc. Sau khi trả hết nợ, tôi cũng đã tích góp dần và làm được nhà, xây được xưởng. Tôi không dám nhận mình giàu, có thể nói là thoát ngèo thôi (cười). Tôi cũng phấn đấu có cuộc sống dư giả so với nông thôn, còn với những thương nhân khác tôi không dám so sánh.

Với những gì đang có từ gia đình đến sự nghiệp, anh đã hài lòng?

- Tôi chưa bảo giờ cảm thấy thỏa mãn. Tôi luôn muốn đi lên từng ngày, không bao giờ ngừng nghỉ. Đam mê công việc đã thấm vào máu khiến tôi không thể tách rời lao động. Ngày nào còn có thể, tôi vẫn sẽ làm việc hết mình.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà - Xuân Quý - Đức Yên - Huy Phúc - Thùy Vân