- Là khách mời của Hotface, nhà báo - nhà thơ Dương Kỳ Anh - "Ông trùm" hoa hậu lần hiếm hoi đã chia sẻ về người phụ nữ đời mình cũng như những "tai nạn" nghề báo.

Clip 1: Những tai nạn nghề báo

Clip 2: Bật mí về vợ và các con

Xem lại toàn bộ phần 2 cuộc trò chuyện với nhà thơ Dương Kỳ Anh.

Nhà báo Hà Sơn: Từng là Tổng biên tập của một tờ báo lớn và có nhiều năm gắn bó với nghề báo, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất?

Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh: Vừa rồi Nhà xuất bản trẻ TP.HCM có đặt tôi viết về nghề Tổng biên tập vì họ biết tôi được đề bạt công việc này khi còn rất trẻ, mới hơn 30 tuổi và giữ chức vụ đó 21 năm, kỷ lục của Báo Tiền Phong. Tôi đã viết bài và gửi cho họ, kể về rất nhiều vấn đề trong suốt 21 năm làm Tổng biên tập, vừa có vinh quang nhưng cũng vô cùng vất vả.

Với tôi, Tổng biên tập cũng là một nghề. Tôi làm báo không thi tuyển mà sau khi đi bộ đội về chuyển công tác về báo Tiền Phong. Ngày đến cơ quan nhận việc, khi Phó tổng biên tập hỏi tôi thích làm mục nào, tôi đã thật thà trả lời: “Dạ thưa anh, em chưa đọc báo Tiền Phong bao giờ và em cũng chưa viết bài báo nào”. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành nhà báo, tôi yêu thơ và thích làm thơ thôi.

Bài báo đầu tiên trưởng ban cử tôi đi viết về Nhà máy Dệt lụa Nam Định. Tôi không nghĩ ra điều gì để viết, vậy nên tôi sáng tác nên bài thơ “Tiếng thoi”. Bài thơ sau này được rất nhiều báo yêu thích. Nhưng khi tôi đưa bài thơ cho trưởng ban biên tập, ông đã rất tức giận và mắng tôi một trận lôi đình.

Một lần khác, tôi được giao đi làm vụ tịch thu nhà nhưng vì mải làm thơ nên khi quay lại hiện trường đoàn thanh tra đã về mất. Tôi phải đến gặp ông Bí thư tỉnh để nghe kể lại mọi chuyện rồi từ đó viết bài đặt mình tâm thế như người chứng kiến. Sau khi lên bài, do chủ chương thay đổi, gia đình đó kiện khiến tôi suýt bị đuổi việc. Lần đó tôi thực rất sợ và rút được kinh nghiệm dù mình viết gì đi nữa cũng cần có bằng chứng xác thực.

Ở vai trò Tổng biên tập, ông đã từng đọc rất nhiều bài báo. Vậy ông đặc biệt ấn tượng với những cây bút nào?

- Thời tôi làm báo, chúng tôi có chủ chương ít nhà báo, chủ yếu cộng tác viên. Hàng tháng chúng tôi nhận bài của CTV và trả nhuận bút cho họ. Trong số các cộng tác viên, có nhiều cây bút tôi rất ấn tượng như nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng từng làm ở VietNamNet, nhà văn Đỗ Chu. Mặc dù họ là nhà văn nhưng viết báo rất hay.

Có một người bút danh Thu Thủy là thượng tá quân đội, thông thạo ngoại ngữ và có những bài dịch viết rất chất lượng. Còn có nhà báo Duy Nam thường trú tại Liên Xô, hay thậm chí anh Hồ Tuyến làm thợ sửa đồng hồ nhưng nổi tiếng với những bài báo và phóng sự đặc sắc như “Ba nghìn ngày oan trái”.

Khi còn là Tổng biên tập, ông đã quen với việc biên tập bài cho phóng viên cũng như cộng tác viên. Nhưng khi về hưu, ông trở thành cộng tác viên cho các tờ báo khác. Vậy cảm giác của ông mỗi lần bị sửa bài hay hủy bài như thế nào?

- Thời tôi làm báo, chúng tôi rất trân trọng cộng tác viên, ưu ái và có phần nuông chiều họ. Mỗi bài viết của họ tôi không chỉ đọc mà còn trực tiếp trao đổi góp ý. Tất nhiên ngày nay các Tổng biên tập bận nhiều việc nên không được như xưa. Mỗi khi tôi bị cắt bài, sửa bài, tôi nghĩ đến cảm giác ngày xưa những người bị tôi cắt bài chắc cũng bực mình giống tôi bây giờ vậy. Nhưng thú thật tôi cũng cảm ơn một số tờ báo mình cộng tác như VietNamNet, Công An nhân dân... vì có nhiều người biên tập rất hiểu ý người viết.

Ông là người khá kín tiếng về cuộc sống cá nhân và gia đình. Được biết ông có một tuổi thơ khá khó khăn?

- Tôi mất mẹ từ năm 9 tuổi. Tôi phải đi ăn xin, ở nhờ tại vùng quê nghèo Kỳ Anh - Hà Tĩnh rất khổ cực. Tôi làm đủ các nghề, đi cày bừa, đánh tranh lợp nhà… rồi đi thanh niên xung phong, làm đội trưởng đội sản xuất. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đi bộ đội mới làm báo. Tôi đã từng trải qua rất nhiều thăng trầm của cuộc đời.

Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng sinh ra trong một gia đình trí thức nông thôn, ông bà tôi ngày trước cũng là con quan nên tôi luôn được dạy bảo dù có khó khăn đến mấy cũng phải vươn lên và sống thật tử tế. Tôi nhớ lời dạy của ông nội, là một nhà nho rất giỏi: “Ở đời nên lấy ân và trả oán vì ân đức sinh ra ân đức, oán thù sinh ra oán thù”. Đời tôi gặp rất nhiều người và từng rơi vào những hoàn cảnh éo le nhưng chưa bao giờ tôi tìm cách trả thù họ.

Ông rất ít khi nhắc đến vợ của mình. Người phụ nữ ấy có gì đặc biệt mà ông giấu đến thế?

- Vợ tôi là cán bộ hải quan bình thường thôi. Giống như bao người phụ nữ Việt Nam khác, vợ tôi đảm đang, tháo vát, lo cho chồng chăm con. Thời bao cấp chúng tôi sống rất khó khăn, hai vợ chồng và hai đứa con sống trong một căn hộ 10m2, chúng tôi đã xác định cùng nhau vượt qua khó khăn.

Chúng tôi có hai đứa con. Cậu con trai đi du học Anh đã về nước và làm về ngành kinh tế kỹ thuật. Cô con gái Dương Anh Xuân theo nghề cha viết văn làm thơ và cũng làm báo và giờ là truyền thông. Tôi đã có hai cháu nội là trai và một cháu ngoại là gái. Con trai hiện đang sống tại Hà Nội cùng tôi còn con gái sinh sống và làm việc tại TP.HCM.

Rất nhiều năm ông tổ chức các cuộc thi Hoa hậu, tìm kiếm và gặp rất nhiều cô gái đẹp. Đã khi nào vợ than phiền vì sao ông lại dành nhiều tình cảm cho việc đi tìm cái đẹp và bà có hay ghen?

- Phụ nữ ghen tuông là chuyện bình thường nhưng vợ tôi mỗi khi ai đó trêu đùa về việc tôi thường xuyên gặp gỡ tiếp xúc với các hoa hậu, bà thường nói đùa: “Đi đâu cũng không thoát được hoa hậu này”. Thực ra tôi là người biết giữ thân giữ phận, không vướng bận những chuyện đó. Tôi yêu cái đẹp, tôn thờ cái đẹp, có những lúc rung động nhưng tốt nhất nên tránh. Bởi vậy vợ tôi chưa bao giờ phải phiền lòng về vấn đề này.

Bao nhiêu năm theo nghề báo, vinh danh ông có đủ thậm chí đau khổ cũng ''gánh" cả. Gần đi hết cuộc đời với báo chí, với các cuộc thi hoa hậu, ngoảnh đầu lại, ông thấy tiếc điều gì nhất?

- Tôi có những điều tiếc nuối vì những việc tôi chưa làm được hoặc có những chuyện đáng lẽ phải làm khác đi. Công việc chọn hoa hậu cũng vậy, nhiều lúc tôi suy nghĩ có khi làm thế này thế khác lại hay hơn nhưng tôi không có gì để phải ân hận cả. Tôi đã làm hết sức mình và làm bằng cái tâm trong sáng.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà - Xuân Quý - Bạt Tuấn - Đức Yên