{keywords}
{keywords}

Anh từng BLV bóng đá, viết nhiều bài báo và đi nhiều quốc gia tác nghiệp Euro, World Cup... và đặc biệt là nhà báo đầu tiên được FIFA mời chấm "Quả bóng vàng". Anh có thể chia sẻ những câu chuyện hậu trường?

- Tôi thấy vinh dự khi đi làm các giải lớn Euro, World Cup... diễn ra các nước và được FIFA mời đại diện duy nhất làng báo Việt Nam chấm "Quả bóng vàng" đã 8 năm rồi. Đây là điều vui nhưng khá phiền toái bởi năm nào bầu chọn cũng thấy cãi nhau.

Ví dụ Ronaldo được Quả bóng vàng và biết tôi bầu chọn, cổ động viên của Messi vào nói không ra gì và tìm mọi cách chứng minh thần tượng của họ giỏi, xứng đáng và ngược lại. Tôi thấy đây là chuyện rất tầm phào, các cổ động bảo vệ tình yêu của mình rất mù quáng. Tôi chỉ có một phiếu, còn gần 200 nhà báo của nhiều quốc gia khác tham gia chấm nếu các anh thích Ronaldo hay Messi, tại sao không ý kiến với các nhà báo khác nữa?...

Clip: BLV Trương Anh Ngọc chia sẻ 2 lần thoát chết khi đi làm World Cup.

Còn các chuyến đi World Cup hay Euro là một trải nghiệm tuyệt vời với tôi. Trước khi đi, tôi xác định mục tiêu chuyến đi của mình là gì. Tôi từng trả lời phỏng vấn khi họ hỏi mục tiêu sang World Cup là gì? Và tôi trả lời: "Người ta xem World Cup còn tôi xem họ".

Tôi muốn xem trong một tháng đấy khi trái bóng lăn, cuộc sống người dân, những số phận ra sao? Các quốc gia đã đầu tư nhiều tỉ đô la làm mọi việc để World Cup hay Euro thành công nhưng ánh sáng của trái bóng sân cỏ có đến được những phận đời rất gần đó hay không? Trong những hành trình đấy tôi đi nhiều và viết những bài báo về cuộc sống, những trăn trở của họ. Tôi đến những thành phố nổi tiếng, những khu rừng, ổ chuột ở Nam Phi và bản thân từng suýt chết...

Anh có thể kể rõ hơn lần suýt chết...

- Năm 2010 khi đến khu ổ chuột của Nam Phi. Tôi nghe khu này từ lâu, một khu tỉ lệ tội phạm cao nhất Nam Phi. Tại sao tôi tìm đề tài như vậy bởi có đọc một chi tiết bài báo nói mỗi ngày người ta đưa ra một cái xác ở khu ổ chuột ra mà không biết đấy là ai. Và tôi lên luôn kế hoạch đến đó. Khi tôi hỏi một nhà báo có nên đến không bạn ấy khuyên không nên. Tôi hơi rùng mình nhưng vẫn quyết định đi.

{keywords}

Khi tôi ra gọi taxi họ đều từ chối, đến người thứ 6 người lái xe vì cần tiền chữa bệnh cho con nên đồng ý. Khi cách thành phố mấy cây số, anh taxi chui vào chạm xăng gỡ biển số xe ra. Tôi hỏi: Làm như thế để làm gì?, anh ta trả lời: Làm như thế để không bị chú ý. Tôi bắt đầu hơi run run, sợ sợ. Khi vào khu đó, tôi thấy mọi người nhìn mình không thiện cảm. Khoảng hơn một tiếng,tôi chụp khu nhà lụp sụp, những đứa trẻ đá bóng nhưng thấy chưa thấy đủ dữ liệu nên bảo anh taxi mình đến chỗ nào không có cảnh sát. Chúng tôi đi đến khu không có cảnh sát, anh taxi dặn chỗ này phải cẩn thận, anh ấy sẽ đứng cách 50m nếu có việc gì sẽ hét lên để tôi và anh ấy cùng chạy.

Khi tôi đang chụp đám trẻ đá bóng trên sân rất hay vì bụi mù lên tôi thấy trong ống kính của mình lóe lên ánh dao. Tôi giật mình bỏ ống kính xuống thấy hai thanh niên đang cầm dao chạy về phía mình mà anh taxi không nói gì hóa ra anh ấy đang hút thuốc. Tôi chỉ kịp quay người vừa chạy vừa hét khi lên đến khi xe đóng sập cửa lại thì hai thanh niên kia cũng chạy đến nơi.

Trước khi tôi sang Nam Phi nhận được khuyến cáo dày cộp trong đó nói rằng nếu cướp đến tốt nhất đưa hết tiền, không được chống cự, không được nhìn mặt không họ sẽ giết mình. Đó là một lần suýt chết ở Nam Phi của tôi. 4 năm sau ở Brazil tôi cũng suýt chết, bởi bị kẹp giữa một cuộc bắn nhau giữa cảnh sát và nhóm buôn ma túy.

Không chỉ thể thao, anh còn am hiểu về văn hóa, xã hội. Vậy công việc bận rộn ảnh hưởng đến đời sống của anh ra sao?

- Nói chung đã làm việc một cách say mê, đặc biệt là nghề báo sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Vợ tôi từng làm báo nên hiểu, thông cảm và cũng tạo điều kiện cho tôi. Nhưng bản thân chúng tôi cũng có những nguyên tắc bất di bất dịch không thể phá vỡ. Ví dụ khi tôi ở Việt Nam, bận đến mấy cứ 6h là phải về nhà, phải kết thúc công việc, không còn vướng víu gì đến công việc nữa. Về nhà nấu ăn cùng vợ, ăn cơm cùng con.

Clip: BLV Trương Anh Ngọc nói về vợ và con gái.

Nếu bây giờ mình lấy lý do bận này kia sẽ mất rất nhiều những giây phút cùng gia đình. Có thể nhiều bạn cho rằng tối nào chả ngồi gặp nhau, chả nhìn nhau chán bỏ xừ đi được, nên ra ngồi uống cốc bia với bạn bè hay hơn không? Nhưng tôi không bao giờ nhận lời như vậy. Tôi xa gia đình nhiều nên những giây phút bên gia đình là quý giá nhất. Tôi nghĩ bất cứ một ngành nghề nào gia đình vẫn là quan trọng nhất.

Bà xã có yêu bóng đá giống như anh? Với mỗi mùa giải, chị có phàn nàn gì không?

- Vợ tôi cũng từng làm báo, cũng rất hiểu công việc liên quan đến nghề báo như thế nào. Tuy nhiên, trong gia đình nghề báo vẫn phải tách bạch vì vẫn phải có những công việc như giặt giũ, nội trợ hay các thứ này kia. Đương nhiên chúng tôi vẫn nói chuyện về công việc, thỉnh thoảng trao đổi với nhau về cơ quan nhưng gia đình vẫn là câu chuyện chính.

Vợ tôi từng nói trong nhà một người thích bóng đá, mê bóng đá quá nên phải có một người còn lại cân bằng để tránh thái quá ở khía cạnh nào đó và giúp cho người kia tỉnh táo hơn về vấn đề của mình.

Tôi xin kể câu chuyện vui về việc vợ tôi không biết gì về bóng đá. Đó là năm 2009 khi Barcelona đá với M.U ở chung kết tại Roma chúng tôi đi đón đội Barcelona ở khách sạn. Cảnh sát tạo ra 2 hàng rào ngăn không cho cổ động viên ùa vào các cầu thủ khi họ xách hành lý đi vào trong khách sạn. Tôi không chen vào được, vợ tôi nhỏ người hơn nên đã chui vào trong, tôi liền nói với: "Em lấy cho anh chữ ký của Messi nhé!". Vợ tôi vào được một lúc thì quay ra hỏi: "Messi là thằng nào hả anh?". Vợ tôi trước kia không biết gì về bóng đá nhưng World Cup 2018 khi chúng tôi cùng xem những trận đấu đêm với nhau vợ đã biết được Messi là ai, Cristiano Ronaldo là ai, Neymar là ai... 

{keywords}

Anh khá cởi mở khi chia sẻ về con gái trên trang cá nhân. Anh có thể tiết lộ về con gái mình?

- Tôi là người rất cởi mở, chân thành và vợ tôi cũng vậy. Nếu chúng ta có những điều hay ho, thích thú tại sao chỉ giữ cho riêng mình?... Câu chuyện cùng nuôi con, cùng nhìn con lớn lên, cùng con đi qua những chặng đường, đi qua rất nhiều nước khác nhau không chỉ ở Việt Nam, tôi nghĩ là điều rất hay. Và những gì con trải qua dù ở Việt Nam hay nước ngoài đều dạy rất nhiều những yếu tố, những điều khác nhau về cuộc sống nên khiến tôi phải chia sẻ.

{keywords}

Khi chúng tôi rời Việt Nam đi nhiệm kỳ đầu tiên cháu mới hơn 3 tuổi. Năm nay con gái tôi cháu đã 15 tuổi và một nửa quãng thời gian cháu lớn lên không ở Việt Nam. Cháu sẽ thiếu một số điều cơ bản liên quan đến văn hóa, lịch sử và ngay cả ngôn ngữ Việt Nam cũng không sõi nữa. Cháu vẫn nói tiếng Việt hàng ngày nhưng không nói được những từ Hán Việt. Nhưng chúng tôi không ép để cháu phải giữ mình là người Việt Nam với kiểu phải biết cái này, cái kia, phải học cái này cái nọ.

Đây là thế giới rộng mở, tất cả chúng ta cùng tự động, tự giác tiếp nhận những yếu tố và cháu sẽ biết cách tiếp nhận những gì thấy thích trong văn hóa Việt Nam và thế giới. Vậy nên khi chúng tôi cùng lớn lên, cùng trải qua những năm tháng với con tôi hiểu rằng không nên áp đặt một đứa trẻ liên quan đến những yếu tố về văn hóa vì đây là thứ văn hóa con chọn. Nếu con chọn yếu tố toàn cầu hóa và đi theo hãy tôn trọng. Nếu cháu nói con sẽ ở Việt Nam, học và lớn lên ở Việt Nam tôi cũng sẽ tôn trọng ý kiến. Một đứa trẻ lớn lên dạy chúng ta rất nhiều điều, làm bố mẹ là một nghề rất khó khăn và chúng ta phải chia sẻ, cởi mở, cố gắng để hiểu con và sống cùng với con.

Hình ảnh anh bị trói tay chân và ngậm giẻ xuất hiện trên facebook nghệ sĩ Chí Trung mới đây có thể hiểu là anh sắp lấn sân sang phim ảnh?

{keywords}

- Chúng tôi đã từng đóng phim trong thời gian gia đình ở Ý cả hai vợ chồng đều được gọi đi đóng phim, đương nhiên vai diễn quần chúng và được một hãng phim của Ý trả tiền đàng hoàng. Đạo diễn phim đấy là Paolo Sorrentino, người từng đoạt giả Oscar cho "Đạo diễn xuất sắc nhất". Còn câu chuyện liên quan đến nghệ sĩ Chí Trung rất vui đó là chúng tôi không đóng phim mà đóng trailer cho một chương trình sẽ ra mắt tháng 8.

Ngoài bóng đá, nghề báo, anh có sở thích hay đam mê gì?

- Tôi thích nhiều thứ lắm, ngoài việc thích đọc ra tôi còn thích đi. Đi với tư cách cá nhân hoặc đi cùng gia đình, tôi luôn tâm niệm đời chỉ đến một lần sao chúng ta không đi, không thu vào tầm mắt mình tất cả những thứ thế giới đang có. Thực ra không để khoe khoang mà để tâm hồn mình đẹp hơn.

Tôi thấy những người đi nhiều thường khiêm tốn và trầm tính, những người đó luôn biết cách cư xử trong cuộc sống vì họ từng chứng kiến, trải nghiệm rất nhiều. Đấy là lý do tại sao facebook của tôi luôn viết về tác dụng các chuyến đi. Các bạn trẻ làm thế nào để rời vùng an toàn đi ra thế giới...

Nếu mình không bứt ra khỏi thế giới của mình sẽ không bao giờ có cầu bật để bước ra khỏi thế giới cả. Và mình sẽ tiếp tục chết già trong những ước mơ không bao giờ thành hiện thực. Tôi nói với các bạn trẻ bây giờ đi dễ lắm và việc đi cũng không chỉ là việc liên quan đến tiền. Vấn đề là lòng dũng cảm, dũng cảm bước ra khỏi vòng an toàn, dũng cảm bỏ qua những thói quen, dũng cảm học ngoại ngữ, học văn hóa để đi ra thế giới.

Sơn Hà - Huy Phúc - Bạt Tuấn - Duy Tiến
Thiết kế: Hà Đặng Sơn