- Là kiến trúc sư nổi tiếng, Võ Trọng Nghĩa từng bị nhận xét là tài năng nhưng kiêu ngạo. Người được gọi là "kiến trúc sư kỳ dị nhất Việt Nam" đã có buổi trò chuyện với chuyên mục Hotface.

Clip 1: Võ Trọng Nghĩa kể lý do bỏ dở học, từng thất bại trong kinh doanh.

Clip 2: Võ Trọng Nghĩa và những quy tắc "quái đản".

Xem toàn bộ phần 1 cuộc trò chuyện Hotface với Võ Trọng Nghĩa.

Nhà báo Quỳnh Loan: Anh là kiến trúc sư (KTS) Việt đầu tiên dám đưa tác phẩm dự thi quốc tế và đoạt giải. Anh nói gì về sản phẩm đầu tay cùng sự ảnh hưởng của nó với những công trình sau này?

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa: Thật lòng ban đầu tôi cũng không có nhiều việc, làm xong nộp thử xem thế nào và không nghĩ được nhiều giải thưởng quốc tế. Công trình đầu tay đến giờ mọi người vẫn nhắc là café Gió và Nước tại Bình Dương. Nó có ảnh hưởng rất lớn với tôi về tư duy sống cũng như hòa thuận với thiên nhiên.

Thời điểm đó tôi không có nhiều tiền nên phải xây dựng công trình không có máy lạnh, thứ hai đèn chiếu sáng cũng phải tiết kiệm. Thứ ba xây dựng phải rẻ mà vẫn độc đáo. Chính điều kiện khó khăn đó tạo cho tôi làm sao sống hòa thuận với thiên nhiên nhất và ảnh hưởng đến triết lý thiết kế về sau.

Có con đường tươi sáng tại Nhật nhưng anh lại bỏ dở đồ án tiến sĩ đang rất thuận lợi để về Việt Nam lập nghiệp. Và những thất bại đã ập đến, giai đoạn đó với anh đầy khó khăn?

- Vâng, lúc đó tôi hiểu rằng nếu ở lại Nhật sẽ thuận lợi cho việc học hành, cũng như sự nghiệp làm kiến trúc, hoặc giảng viên nhưng nếu về VN có thể làm được vài công trình tốt, ý nghĩa. Thực tế cho thấy tôi không lầm khi chọn trở về Việt Nam, bỏ dở tất cả những luận án tiến sĩ cũng như con đường công danh phía bên Nhật.

Giỏi chuyên môn, có đam mê nhưng kinh doanh thua lỗ đến 8 năm mới bắt đầu hòa vốn và có lợi nhuận. Anh nghĩ nguyên nhân do đâu và mất bao lâu "đi tìm thất bại"?

- Khi ai đó đầu tư vào một cái gì đó, chẳng hạn như nhà máy họ phải bỏ ra nhiều tỷ đồng, 10 tỷ, 20 tỷ, 30 tỷ. Còn với một anh kiến trúc sư sinh viên vừa bên Nhật về như tôi không có đồng nào. Vì vậy tôi đành đầu tư về thời gian, cần chấp nhận lỗ.

Tám, chín năm đối với tôi đúng là dài thật nhưng rõ ràng nó cần thiết để chững chạc hơn trong nghề nghiệp cũng như học được thêm lòng kiên nhẫn, sức chịu đựng để làm được những công trình tốt hơn về sau này.

Trong giai đoạn khó khăn, anh có thấy nản và muốn bỏ cuộc?

- Tôi muốn bỏ cuộc cả nghìn lần ấy chứ vì không nghĩ nó lại vất vả đến mức độ như thế. Đặc biệt là thời điểm năm 2006, mọi người chưa chú trọng nhiều đến chất lượng thiết kế, thành ra đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Hơn nữa, những thiết kế của tôi khá độc đáo, nên người ta lại càng không chấp nhận để nó được xây ra. Không xây thì không có việc, thành ra khó khăn về tài chính…

Khó khăn chồng chất ảnh hưởng cuộc sống. Giai đoạn 2011- 2012 là thời điểm tôi gặp khó khăn, gần như buông, phá sản. Tôi đi thiền, sau đó nhận thấy dù cố gắng nữa cũng không hợp duyên, công việc không làm được.

Tôi làm miễn phí cho một số người bạn, một số nhà dân và bắt đầu trở nên nổi tiếng trên thế giới với những công trình đó và được mọi người ghi nhận những ý tưởng thiết kế đơn giản, có thể thực thi ở Việt Nam.

Vì thế tôi đã thực thi thành công kiểu công trình đó ở Việt Nam và bắt đầu từng bước làm thiết kế miễn phí. Từ thiết kế phí rất rẻ tiến tới lấy đủ tiền công rồi cao hơn để bù lỗ cho những năm trước đó.

Nhiều người khi thành công nhận về mình nhưng khi thất bại lại đổ cho số phận, anh thì sao?

- Thành công hay thất bại đều thuộc về số phận và tôi phải chịu trách nhiệm. Ví dụ sinh ra tôi vốn nóng tính, nhưng tu tập qua năm tháng trở thành người bình thường khiến mọi người xung quanh mình cũng yên ổn hơn, chủ đầu tư cũng dễ dàng hơn. Ngược lại tôi cũng rèn luyện được tính kiên nhẫn, công việc càng thuận lợi hơn. Như vậy thành công hay thất bại là tại mình.

Tất nhiên công sức cũng có của những người bên cạnh vì họ làm cùng cũng chịu thất bại hay thành công cùng mình. Nhưng trước hết mình phải chịu trách nhiệm cuộc sống, cuộc đời mình rồi mới bắt đầu nói đến câu chuyện có thể làm được gì đó.

Qua đây tôi cũng muốn nói, mọi việc hết thảy đều do mình. Có người khác giúp đỡ cho mình hay không cũng do mình. Mình có nỗ lực người ta mới giúp, mình phải nỗ lực làm tốt mới có chủ đầu tư tốt.

Được biết anh đang theo đuổi những công trình kiến trúc thân thiện với môi trường. Với hướng đi mới này, anh đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

- Thực ra, nếu nói công trình thuần thiên nhiên về bản chất không có khó khăn gì cả. Đúng là thời gian đầu tôi đưa ra ý tưởng có vẻ mới so với suy nghĩ nhiều người nhưng rõ ràng với sự kiên nhẫn qua nhiều năm nó gần như thuận lợi tuyệt đối. Hầu như ai cũng muốn công trình thuần về thiên nhiên. Trong một đô thị ô nhiễm môi trường, ít cây xanh, xa rời thiên nhiên như TP.HCM điều này càng thuận lợi hơn.

Việc xanh hóa đô thi ở Việt Nam không phải là điều dễ dàng, nếu không muốn nói cực khó. Anh có đồng tình với ý kiến này? Theo anh, cần làm gì để thay đổi tư duy?

- Tôi nghĩ không phải là quá khó. Gần đây Hà Nội có chiến lược trồng hàng triệu cây xanh. Với tư cách KTS, tôi cũng liên tục có ý kiến về chuyện này. Bản thân tôi cũng chỉ làm những công trình tôn vinh cây xanh, tôn vinh con người với thiên nhiên nói chung. Mọi người sẽ hỗ trợ quyết liệt và nếu như chính quyền hỗ trợ ở mức độ mạnh tức là đưa ra luật - ví dụ trong vùng đô thị mới phải có mái xanh mới được cấp mọi chuyện dễ dàng. Những chuyển biến gần đây cũng rất tích cực ở các vùng đô thị và đặc biệt bản thân người dân có nhu cầu trồng cây xanh, vườn rau trong nhà họ. Đây là xu hướng tất yếu của đô thị Việt Nam bây giờ.

Những tác phẩm của anh dù lớn hay nhỏ cũng đều rất độc đáo. Nhưng tôi có cảm giác dường như anh muốn dồn tâm huyết vào các công trình hoành tráng, mang tính xã hội hóa hơn và có phần thờ ơ với công trình dân dụng. Phải chăng anh "chảnh", chê công trình nhỏ, tiền lời ít?

 - Không phải công trình nhỏ tiền lời ít mà là công trình nhỏ khả năng lỗ rất cao. Công trình đó, với một công ty có quy mô 5, thậm chí nhiều nhất 10 người có thể nhận một công trình nhà ở là được. Với lại tôi có một điều tôi băn khoăn đối với công trình nhà ở, đó là người ta đến xem 1 - 10 lần chủ đầu tư còn mở cửa cho xem. Nhưng khi công trình đó trở nên nổi tiếng người đến xem nhiều quá sẽ phiền chủ nhà. Do vậy, làm những công trình resort, trường đại học, cao ốc văn phòng,… mọi người có thể đến xem tự do hơn, bất kỳ lúc nào. Như vậy sự ảnh hưởng, cộng hưởng của nó đối với xã hội cũng sẽ lớn hơn.

 Anh có thể chia sẻ lý do tìm đến với thiền và anh đã ngộ ra điều gì từ thiền?

- Tôi đến với thiền bởi thấy mình quá nóng tính, khó chịu. Tiếp nữa do tình hình kinh doanh cũng khó khăn. Tôi đọc sách nói thiền khá tốt và đi thử một khóa và thấy tốt thật. Tôi không nghĩ gần 40 năm tính nóng, khó chịu với mọi thứ xung quanh không thể nào sửa được vậy mà đi thiền vài khóa lại sửa được, kỳ diệu như thế.

Thêm một điều phát hiện nữa, một người bình thường sẽ chỉ có thể tập trung chừng 3-5 giây có những suy nghĩ khác nhảy vào chi phối, nhưng đi thiền có thể tập trung 5, 10 giây, thậm chí chí 30 giây, 1, 2, 5 phút. Rõ ràng, người đó có thể trở thành thiên tài đối với họ, và họ cũng kịp suy nghĩ mọi thứ đủ dài mới có được quyết định chín chắn.

Anh là kiến trúc sư, chủ doanh nghiệp khá lập dị khi đưa ra quy tắc “độc lạ” tuyển nhân viên phải trải qua lớp thiền. Vì đâu lại có quy tắc này, thưa anh?

- Thiền mang lại lợi ích vô cùng và thậm chí rất nhanh so với việc học ở trường. Điển hình bản tính nóng nảy của tôi, chỉ có thiền mới giải quyết được. Tôi bình an, có năng lượng nội tâm rất tốt, hài hòa với những chuyện xung quanh rất dễ dàng. Điều này cần được chia sẻ, không chỉ trong công ty mà bạn bè thân. Bố mẹ anh chị em trong gia đình tôi cũng thiền. Thành ra tôi thấy cũng không có gì lập dị. Mọi người nên áp dụng, vì thiền giúp mọi người thành công nhanh nhất.

Đã có nhiều KTS giỏi ra đi vì không chấp nhận thiền. Anh có thấy tiếc nuối vì mất người tài chỉ vì yêu cầu “quái lạ” của mình?

- Thiền làm người bình thường trở thành siêu giỏi so với họ nên không có vấn đề gì ghê gớm đâu bạn. Tôi cũng thuyết phục một số chủ đầu tư đi thiền, thậm chí tài xế, công nhân ngoài công trình họ cũng đi thiền đấy.

Phần 2: Gã kiến trúc sư kỳ dị nói về "bệnh" kiêu ngạo

Quỳnh Loan - Sơn Hà - Hoàng Thuyên - Xuân Phúc
Ảnh: Đinh Anh Tuấn