- Các nước phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công là bởi họ tạo được văn hóa chấp nhận thất bại. Doanh nghiệp nào càng thất bại nhiều lần, cá nhân nào càng thất bại nhiều lần thì lại càng được lựa chọn trong việc đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây không phải là một điều dễ dàng trong văn hóa Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là chủ đề chính được bàn luận sôi nổi trong các sự kiện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)- ASEAN 2018. Diễn đàn mở đã diễn ra hôm qua với câu hỏi đầy hấp dẫn "ASEAN 4.0 là tất cả. Làm thế nào để cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể tận dụng được cơ hội CMCN 4.0?"

Bên lề sự kiện này, chương trình Góc nhìn thẳng có cuộc trao đổi với ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

XEM VIDEO TALKS TẠI LINK SAU:

Việt Nam là mắt xích quan trọng thúc đẩy ASEAN đổi mới sáng tạo

Việt Nam là mắt xích quan trọng thúc đẩy ASEAN đổi mới sáng tạo

Lên con tàu CMCN 4.0, Việt Nam có thuận lợi của nước đi sau, với nhiệt huyết tuổi trẻ  ... sẽ là mắt xích quan trọng kết nối và thúc đẩy ASEAN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

VIỆT NAM ĐI ĐẦU CON TÀU CMCN 4.0 PHẢI DỰA TRÊN THẾ MẠNH RIÊNG

Nhà báo Phạm Huyền: Xin ông có thể chia sẻ Việt Nam sẽ phải tiếp cận cuộc CMCN 4.0 như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Phải nói là cách tiếp cận hiện nay do Đảng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất kịp thời nhưng cũng lại rất thận trọng và có những bước đi chắc chắn, bền vững để tiếp cận CMCN lần thứ 4.

Trong Chỉ thị số 16/2017, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến sự phát triển của một số trụ cột để chúng ta tiếp cận CMCN lần thứ 4. Trong đó, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những yếu tố rất quan trọng, kể cả nguồn nhân lực và phát triển các ứng dụng CNTT.

Thứ hai, về vấn đề đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực, chúng ta phải chuẩn bị nguồn nhân lực cho cuộc CMCN lần thứ 4 kể cả từ những cấp đào tạo rất thấp như tiểu học, trung học, sau đó thay đổi các chương trình về đào tạo dạy nghề và chương trình đào tạo đại học, sau đại học.

Thứ ba, đổi mới sáng tạo là khoa học công nghệ (KHCN). Muốn tiếp cận CMCN lần thứ 4, không có cách nào khác là chúng ta nâng cao năng lực KHCN, nâng cao tiềm lực KHCN, đẩy mạnh ứng dụng KHCN, chuyển đổi công nghệ đến công nghệ 4.0 và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ đó thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi công nghệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hàng đầu của Việt Nam đi đầu về công nghệ.

Thứ 4, làm sao để phát triển được một môi trường kinh doanh thuận lợi, một môi trường cạnh tranh để các doanh nghiệp dùng KHCN đổi mới sáng tạo để vươn ra toàn cầu và có thể cạnh tranh. Đặc biệt trong đó nhấn mạnh đến việc hình thành và phát triển hệ sinh thái  khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Chỉ thị 16 ra kịp thời và cũng tạo ra khí thế cho toàn bộ Bộ ngành địa phương cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước hướng đến CMCN lần thứ 4 này.

Về mặt lâu dài, bền vững hơn, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Khoa học và công nghệ phối hợp với các đối tác như phối hợp với các chuyên gia Australia xây dựng báo cáo về kịch bản phát triển kinh tế số đối với Việt Nam trong năm nay.

Khi chúng ta có đánh giá toàn diện như vậy, chúng ta sẽ đánh giá trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam và định hướng của mình như thế nào trên chuyến tàu 4.0, mình có thế mạnh gì, phát triển được gì và đi đầu trong thế mạnh ấy.

Nếu chúng ta chỉ đặt vấn đề chúng ta sẽ hoàn toàn đi đầu trong CMCN 4.0 thì không thực sự là bền vững mà chúng ta phải dựa trên thế mạnh của mình.

Ví dụ có thể dựa trên các ngành mạnh của chúng ta như: nông nghiệp, dược liệu, du lịch hoặc tận dụng nguồn nhân lực CNTT để chúng ta xác định ra những hướng đi đúng, sau đó sẽ có những chiến lược tiếp cận CMCN 4.0 hợp lý, hiệu quả hơn.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, cho tới thời điểm hiện nay, chúng ta sẽ có những chính sách thế nào để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có thể khai thác và tận dụng hiệu quả CMCN 4.0?

{keywords}
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Việt Nam muốn thúc đẩy, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ của CMCN lần 4 thì có rất nhiều điều phải làm.

Chúng ta phải phát triển cả hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó gồm rất nhiều thành phần từ chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, hình thành các vườn ươm cũng như tạo điều kiện cho những ý tưởng xuất phát từ những kết quả KHCN từ trong trường đại học đưa ra cuộc sống và tạo thành doanh nghiệp.

Chính phủ đã có Đề án 844 gọi tắt là phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xuất phát từ ý tưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bốn năm trước, chúng tôi đã thử nghiệm mô hình thung lũng "Silicon Valley" ở Việt Nam để thử nghiệm xem chúng ta có thể hình thành một hệ sinh thái như thế được không.

Và trong suốt bốn  năm qua, quả thực sau rất nhiều chính sách của Chính phủ đưa ra và kể cả ở mức độ luật, tức sửa đổi trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng ta đã có 1 hệ sinh thái tương đối bắt đầu hình thành.

Các chính sách có thể nói đến đầu tiên là chính sách cơ chế  kinh phí hỗ trợ thành lập các vườn ươm, của cả Nhà nước lẫn tư nhân. Việt Nam có thể xây dựng các vườn ươm, các tổ chức hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp mà trong đó có thể làm theo phương pháp rất quốc tế, kết nối với tất cả các nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn quốc tế để tư vấn, hỗ trợ đầu tư cho các ý tưởng  khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sinh viên.

Chúng ta có các chính sách hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp trong trường đại học. Cho đến hiện nay, rất nhiều trường đại  học, câu lạc bộ của tỉnh thành đoàn trên cả nước để bắt đầu đào tạo, hướng dẫn cho các bạn trẻ ngay trong ghế nhà trường có những kiến thức, phương pháp kết hợp giữa kết quả khoa học, những ý tưởng của mình để thành lập doanh nghiệp.

Chúng ta có những chính sách thúc đẩy các nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ. Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã bắt đầu chuẩn bị công bố chương trình hỗ trợ CMCN lần 4, trong đó có định hướng hỗ trợ cho các start-up hoàn thiện công nghệ.

Muốn doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, có thể trụ được trong bối cảnh cuộc CMCN lần 4 thì một trong những vấn đề cốt lõi là có nền tảng KHCN vững và các chương trình thì sẽ phối hợp các giáo sư, nhà nghiên cứu, các trường đại học và viện nghiên cứu làm việc cùng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp họ hoàn thiện công nghệ có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Nhà báo Phạm HuyềnBộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vậy, tới thời điểm này những kết quả đã đạt được ra sao thưa ông?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Một trong những việc rất quan trọng về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là thúc đẩy tính kết nối.

Chúng ta đã tổ chức rất nhiều các sự kiện mà trong trọng tâm là ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TECHFEST được tổ chức hàng năm. Năm 2018, ngày hội TECHFEST sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 tại Đà Nẵng là nơi kết nối của các nhà đầu tư, của các bạn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, của các vườn ươm, các start-up của các doanh nghiệp, các khu thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như nhiều đối tượng quan tâm khác từ viện nghiên cứu, trường đại học, từ các doanh nghiệp trên toàn thế giới cũng như trong khu vực và Việt Nam. Qua sự kiện kết nối này, rất nhiều start-up đã gọi được vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thì phải thay đổi, hình thành các hành lang pháp lý. Ví dụ làm sao đầu tư quỹ mạo hiểm, làm sao để thúc đẩy nghiên cứu triển khai của các trường đại học để ra thành doanh nghiệp,  làm thế nào để bảo hộ tài sản trí tuệ.

Trong nhiều năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua rất nhiều chương trình, đào tạo rất nhiều chuyên gia mà ta tạm gọi là mentor để tư vấn cho các bạn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc đào tạo lại giáo viên để đào tạo các giáo viên khác hoặc có những chương trình đào tạo trực tiếp cho những bạn trẻ có ý tưởng, có kết quả KHCN nhưng chưa có nhiều năng lực về kinh doanh,marketing, cũng như năng lực trình bày để kết nối với các nhà đầu tư trên thế giới.

Gần đây chúng tôi đã mở thêm một loạt các chương trình đào tạo, chương trình hỗ trợ khác. Ví dụ thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo trong các trường học hay thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức chuyển giao công nghệ trong trường đại học để chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đồng thời trên đồng loạt cả nước, đặc biệt các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà năng, Cần Thơ, Vinh, chúng ta bắt đầu đã có những ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương thúc đẩy tinh thần doanh nghiệp ở trên khắp cả nước.

MUỐN KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, PHẢI BIẾT CHẤP NHẬN THẤT BẠI

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy đối với ông, đâu còn là rào cản đối với các doanh nghiệp khi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Có lẽ một trong những khó khăn lớn nhất để thúc đẩy, phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam chính là vấn đề về nhận thức và vấn đề về quan điểm chia sẻ.

Nhận thức quan trọng nhất đầu tiên là chúng ta phải làm thế nào để tránh cho  bạn trẻ hiểu nhầm giữa khởi nghiệp, lập nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Khái niệm start-up chúng ta hay nghe trên toàn thế giới nó tương ứng với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tức là phải từ những ý tưởng mới, mô hình kinh doanh mới, những kết quả KHCN mới để mình nhanh chóng phát triển thành doanh nghiệp để cạnh tranh toàn cầu và được đầu tư rất nhanh chóng.

Nếu chúng ta chỉ lập nghiệp thông thường như mở ra một quán bán hàng, hay làm lại một mô hình cũ không có khả năng nhân rộng, phát triển toàn cầu thì nó khác hoàn toàn.

Ở Israel người ta tính độ tuổi trung bình của các doanh nghiệp khởi nghiệp là 40 tuổi. Tức muốn khởi nghiệp thành công phải đi làm rồi, phải làm nhân viên rồi và phải trải qua nhiều kinh nghiệm thì mới lập nghiệp chứ không phải cứ ai ra trường có thể trở thành ông chủ. Quan niệm ấy cũng cần phải được thay đổi.

Một nhận thức nữa cũng quan trọng là tinh thần xã hội, tinh thần của các bạn trẻ, tinh thần của rất nhiều đối tượng liên quan là chấp nhận được sự thất bại.

Thực ra tất cả các nước mà thành công trong việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đó là họ tạo được văn hóa chấp nhận thất bại. Doanh nghiệp nào càng thất bại nhiều lần, cá nhân nào càng thất bại nhiều lần thì lại càng được lựa chọn trong việc đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây không phải là một điều dễ dàng trong văn hóa Việt Nam.

Nhà báo Phạm Huyền: Ông nghĩ như thế nào về vai trò của những người trẻ trong việc kết nối Việt Nam - ASEAN và ASEAN với các đối tác lớn để đưa khu vực Đông Nam Á thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tận dụng khai thác hiệu quả CMCN 4.0?

{keywords}
Nhà báo Phạm Huyền và ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Trong ASEAN thì chúng ta phải kết nối lại với nhau để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng KHCN cũng như thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Việt Nam chúng ta cũng có những lợi thế nhất định, tất nhiên chúng ta cũng đi sau các nước như Singapore và Malaisia nhưng chúng ta cũng có những thuận lợi về vị trí địa lý, thuận lợi về nhiệt huyết các bạn trẻ để làm một mắt xích rất quan trọng trong việc kết nối ASEAN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển KHCN, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, các bạn trẻ sẽ nắm vai trò trung tâm trong việc kết nối này. Việc các bạn trẻ giao lưu, trao đổi, kết nối với các bạn trẻ trong ASEAN cũng như toàn thế giới hay các bạn trẻ hiện nay có thể rất thuận lợi khi di chuyển sang Singapore, Thái Lan để hình thành các start-up của mình hay phối hợp tác với các bạn trẻ ở các nước ASEAN đó hình thành các start-up ở các nước đó hoặc kể cả ở trong Việt Nam hoặc các bạn trẻ hiện nay rất năng động về các kỹ năng  năng ngoại ngữ có thể chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thông qua các ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như TECHFEST.

Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng, các bạn trẻ có vai trò rất lớn trong việc kết nối ASEAN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển KHCN và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Xin cảm ơn ông!

Mọi ý kiến xin gửi về email: gocnhinthang@vietnamnet.vn.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền- Hạnh Thúy

Video: Bạt Tuấn- Xuân Quý

Hình ảnh Phó Thủ tướng Trung Quốc đến Hà Nội dự WEF ASEAN 2018

Hình ảnh Phó Thủ tướng Trung Quốc đến Hà Nội dự WEF ASEAN 2018

Chiều nay, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa đã đến Hà Nội, bắt đầu tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN.

Quyền Bộ trưởng TT&TT: Chuyển đổi số để ASEAN trở nên phẳng hơn

Quyền Bộ trưởng TT&TT: Chuyển đổi số để ASEAN trở nên phẳng hơn

Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cần sử dụng cơ hội chuyển đổi số để làm ASEAN trở nên phẳng hơn. 

Chuyển đổi số: Bước chạy đà để tạo phát triển bứt phá của ASEAN

Chuyển đổi số: Bước chạy đà để tạo phát triển bứt phá của ASEAN

Với 125.000 người dùng mới truy cập Internet tăng thêm mỗi ngày, nền kinh tế số ASEAN được dự đoán sẽ tăng trưởng đáng kể.

Bộ trưởng trẻ nhất thế giới phát biểu truyền cảm hứng tại Việt Nam sáng nay

Bộ trưởng trẻ nhất thế giới phát biểu truyền cảm hứng tại Việt Nam sáng nay

Bộ trưởng trẻ nhất thế giới, ông Syed Saddiq Abdul Rahman (26 tuổi) cho rằng, những người trẻ phải tìm ra được đam mê, nghĩ trước 1 bước cho 10 năm và tìm ra những biện pháp khác thường để đạt kết quả kỳ diệu.