- Trước những tình huống khá phức tạp của việc cộng điểm ưu tiên trong đợt xét tuyển đại học năm 2017, GS Hà Huy Khoái cho rằng cần xem xét điều chỉnh lại vấn đề này. Bởi theo ông, mức điểm ưu tiên tối đa là 3,5 có thể chiếm tỷ trọng quá lớn so với tổng điểm thi.

Phóng viênTheo quan điểm của ông, mức điểm ưu tiên như hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến quá trình xét tuyển đại học, và chúng ta liệu có nên tiếp tục duy trì?

GS Hà Huy Khoái: Thực ra tôi đã nghĩ đến điều này từ 2015, khi dùng kết quả một kỳ thi cho hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.

Theo tôi “tư chất” của con người phân phối đều trong các vùng miền. Chẳng hạn khó có thể nói người Hà Nội “nói chung” thông minh hơn người Hà Giang.

{keywords}
Điểm ưu tiên là điều khiến nhiều người bàn luận khi mặt bằng chung điểm thi trong đợt xét tuyển sinh năm nay khá cao. Ảnh minh họa. 

Vậy nhưng chất lượng học sinh, và do đó dẫn tới kết quả thi, ở hai nơi hoàn toàn khác nhau. Chắc ai cũng thừa nhận lý do chủ yếu là điều kiện sống, điều kiện học hành. 

Để giải một bài toán, cần khoảng 5 khâu lý luận, thì một em ở Hà Nội đã được học 4 khâu, chỉ cần “sáng tạo” một khâu nữa là đủ. Ngược lại, một em ở miền núi chỉ mới được học 2 khâu, nếu sáng tạo thêm 2 khâu nữa, điểm vẫn thua em ở Hà Nội.

Để khắc phục tình trạng đó, chúng ta có chính sách “ưu tiên”. Vùng khó khăn được cộng điểm. Điều đó hoàn toàn hợp lý. 

Nếu nhìn lại quá khứ, chúng ta đã từng có Trường Bổ túc công nông dành cho con em nhiều gia đình khó khăn, thất học.

Họ học ở đó chỉ vài ba năm là tốt nghiệp THPT, nhiều người được cử đi nước ngoài học tiếp đại học và nghiên cứu sinh. 

Trong số đó, rất nhiều người đã trở thành những nhà khoa học nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho xã hội. Rõ ràng nhiều người có “tư chất” vượt trội, nhưng nếu cứ “thi thố” giải mấy bài toán mà họ chưa được học bao giờ thì tất nhiên không bao giờ có cơ hội học hành cao hơn.

Vấn đề còn lại là: Cộng thế nào?

Trước đây, khi kỳ thì đại học tách riêng kỳ thi tốt nghiệp, với mức độ khó cao hơn, học sinh được khoảng 13 điểm là đỗ đại học, thì việc cộng 2 điểm chẳng hạn, là cộng thêm 15, 4% số điểm.

Khi tổ chức kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”, thì thực tế giữa mức điểm cần để tốt nghiệp và để đỗ đại học chỉ hơn nhau trong khoảng 3 đến 6 điểm.

Vậy nếu chúng ta vẫn cộng 2 điểm như trước - tức là đã cộng thêm 2 trong tổng số 3-6 điểm, hay cộng khoảng 33,3% đến 66, 6% số điểm.

Vì vậy tôi nghĩ, khi ta thay đổi cách thi (gộp hai kỳ thi làm một) thì cũng cần thay đổi ngay cách xét tuyển, trong đó có cả việc cộng điểm ưu tiên.

Vậy nếu thay đổi việc cộng điểm ưu tiên, theo ông như thế nào là phù hợp?

-Có lẽ cần có một sự điều chỉnh cho hợp lý hơn.

Chẳng hạn nếu định như trước kia - ưu tiên 15% so với tổng số điểm - thì nay cũng cần có sự tính toán tương xứng.

Và số “phần trăm” để xác định điểm ưu tiên chính xác cần được quyết định trên cơ sở phân tích đầy đủ phổ điểm. Việc này, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT hoàn toàn có thể làm được ngay.

{keywords}
GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, Bộ có thể thay đổi cách tính điểm ưu tiên không quá nhiều, chẳng hạn chỉ trong khoảng từ 0,25 đến 0,75 điểm thay vì như hiện nay. Bởi việc cộng điểm ưu tiên nhiều quá sẽ gây ra sự bất hợp lý.

Ông có thể đưa ra đề xuất giúp cho việc xét tuyển ở các năm sau đảm bảo công bằng, khách quan hơn?

Vấn đề này cần có sự nghiên cứu cẩn thận, xét nhiều mặt, nhiều yếu tố xã hội phức tạp, không thể nói theo cảm tính.

Tất nhiên, việc cụ thể như ra đề thi sao cho có tính phân loại cao hơn thì hiển nhiên cần thiết, và cần có sự cải tiến theo từng năm.

Cách đây 2 năm, tôi cũng đã thử đề nghị một cách thay đổi khá cơ bản, mà ý tưởng có thể nói vắn tắt như sau:

Một khi học sinh ở vùng khó khăn có trình độ quá thấp so với “đề thi chung” rồi thì việc cộng điểm ít có ý nghĩa.

Cần tìm ra một giải pháp thực sự công bằng, theo nghĩa: người có tư chất ngang nhau thì được tạo điều kiện học ngang nhau. Mà theo tôi, “tư chất” của một cộng đồng được phân phối đều: không thể nói nhìn chung người Hà Nội thông minh hơn người Hà Giang.

Vì thế, nếu được quyết định, tôi sẽ đưa ra phương thức sau: Trong tổng số chỉ tiêu vào đại học, chúng ta dành 50% để lấy theo số điểm từ cao xuống thấp, không kể vùng miền.

50% chỉ tiêu còn lại được chia theo tỷ lệ thí sinh các tỉnh. Sau đó, ở mỗi tỉnh sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp. Nếu tỉnh nào muốn bảo đám sự công bằng trong tỉnh đó do điều kiện vùng miền trong tỉnh khác nhau thì có thể lặp lại cách làm tương tự cho tỉnh mình.

Làm như vậy, tôi nghĩ các em giỏi ở các thành phố lớn sẽ không bị thiệt và bảo đảm công bằng xã hội hơn cách làm hiện nay.

Nếu lo các em ở địa phương kém hơn (rõ ràng là chỉ về trình độ tạm thời, chứ không phải về tư chất) thì có thể mở những lớp bồi dưỡng (dự bị) cho các em.

Tất nhiên, những con số phần trăm còn phải cân nhắc, tính toán cụ thể lại cho phù hợp.

Thực ra theo tôi biết một số nước cũng thực hiện theo cách gần giống thế này.

Tuy nhiên, mỗi phương pháp mới đều cần đi kèm những biện pháp mới để chống tiêu cực. Ví dụ ở Hà Nội nhưng chạy làm hộ khẩu ở Hà Giang… Nhưng điều này tôi nghĩ hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Hùng thực hiện

--------------

Xung quanh những ý kiến tranh luận về mức điểm ưu tiên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) - khẳng định: "Khi nhìn vào chính sách ưu tiên và những người có điểm ưu tiên, chúng ta cần nhìn một cách tổng thể. Tỷ lệ những em ở khu vực 3 đỗ vào các trường đại học top trên vẫn cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ các em ở nông thôn, miền núi. Chính sách ưu tiên để giảm sự chênh lệch vùng miền, để từ đó tạo ra sự công bằng cho các thí sinh....
Nếu như năm nay có nhiều thí sinh ở khu vực nông thôn, miền núi được vào các trường top trên thì cũng cho thấy rằng chính sách này đã phát huy tác dụng, đã khắc phục được sự chênh lệch về điều kiện học tập, điều kiện sống ở các vùng miền
".
Dưới đây là phóng sự của VTV về vấn đề này.

Điều chỉnh lại mức điểm ưu tiên: Đã bàn đến nhiều lần

Vấn đề điểm ưu tiên đã được bàn đến trong nhiều mùa tuyển sinh, trong đó có một số đề xuất nên điều chỉnh lại mức điểm ưu tiên. Ông Nguyễn Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nhận định mức điểm khuyến khích tối đa là 3,5 điểm có thể chiếm tỷ trọng lớn quá so với tổng điểm thi.

GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng việc cộng điểm ưu tiên đối với các đối tượng chính sách là cần thiết nhưng với cách thi THPT quốc gia và xét tuyển "hai trong một" thì lẽ ra Bộ GD-ĐT cần phải xem lại mức độ ưu tiên như thế nào là phù hợp và điều chỉnh quy chế ngay từ trước kỳ thi.

Trong một hội nghị thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Bộ GD-ĐT khi đó đã đặt vấn đề lấy ý kiến các trường về việc xem xét giảm mức điểm ưu tiên khu vực và đối tượng xuống còn một nửa so với mức điểm năm 2015 hay tiếp tục giữ nguyên mức điểm này trong năm tới.

(Theo Thanh Niên tháng 8/2015)