- Ông Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế cho biết tính trung bình thì mức điểm trúng tuyển vào trường ông là trên 21.

Ông Lê Anh Phương cho biết:

Số thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế đương nhiên có tổng điểm 3 môn thi THPT quốc gia tối thiểu là bằng điểm sàn (15,5 điểm đối với khu vực không có ưu tiên). Và số lượng thí sinh trúng tuyển với mức điểm này rất ít, chưa đến 1%. Đa số thí sinh trúng tuyển với phổ điểm trung bình trên 21.

{keywords}
Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế

Vậy ông có thể cho biết cụ thể điểm trúng tuyển của thí sinh xác nhận nhập học vào Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế là bao nhiêu? 

- Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế là cơ sở chỉ đào tạo sư phạm, trong khi hầu hết các trường đại học sư phạm hiện nay còn đào tạo cả các ngành ngoài sư phạm. Măc dù với năng lực của trường có thể tuyển được 2.400 sinh viên, nhưng thực hiện chủ trương của Bộ GD–ĐT, chúng tôi đã giảm chỉ tiêu theo lộ trình.  

Đến năm nay, chỉ tiêu của trường giảm gần 46% so với năng lực, chỉ tuyển 1.318 sinh viên. Cho đến hôm nay, số thí sinh đăng ký xác nhận nhập học là trên 1.050 em, với phổ điểm trúng tuyển tương đối cao. Phổ điểm này so với năm 2016 cao hơn từ 1-3 điểm, đặc biệt có ngành cao hơn đến 6 điểm.

Cụ thể, điểm trúng tuyển bình quân trong toàn trường là 20,99 điểm - trung bình gần 7 điểm mỗi môn.

Trong số 14 ngành sư phạm tuyển sinh vào trường, có 10 ngành điểm trung bình trúng tuyển trên 20, các ngành còn lại trên 18 điểm.

{keywords}

Mức điểm trung bình trúng tuyển vào Trường ĐH sư phạm - ĐH Huế

Toàn trường có 12 thí sinh trúng tuyển với kết quả thi 15,5 điểm/ 3 môn (tương đương với 12,75 điểm quy chuẩn) - chiếm tỉ lệ 0,8%, và 2 thí sinh có mức điểm 15,75/ 3 môn.

Quan trọng là kiểm soát tốt đầu ra

Với điểm chuẩn đầu vào thấp, nhà trường dự kiến sẽ có những khó khăn gì trong quá trình đào tạo để có đầu ra tốt?

- Tôi nghĩ, chất lượng đội ngũ giáo viên là kết quả tổng hợp nhiều nhân tố, trong đó tuyển sinh và đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm có vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng để sinh viên tốt nghiệp phát triển năng lực nghề nghiệp sau này. 

Đầu vào tốt sẽ thuận lợi trong cho quá trình đào tạo để sinh viên đạt chuẩn đầu ra. Đầu vào thấp sẽ có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, điều cơ bản là trong quá trình đào tạo, giáo viên kiểm soát tốt sản phẩm đầu ra theo chuẩn đã xác định. Điều này không những các trường đại học nói chung mà các trường đại học sư phạm đã và đang triển khai tốt, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của xã hội. 

Các trường sư phạm chủ yếu sống bằng ngân sách Nhà nước. Ngân sách này lại phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh. Vậy theo ông, nên chăng khoán cho trường một khoản ngân sách mà không phụ thuộc vào chi tiêu, để trường không phải tuyển sinh ở mức chạm sàn?

- Từ thực tế khó thu hút học sinh giỏi vào sư phạm trong những năm gần đây, tôi xin đề xuất một số giải pháp.

{keywords}
Ảnh: Lê Văn

Thứ nhất, là xây dựng cơ sở dữ liệu thực trạng giáo viên theo địa phương. Số lượng thừa, thiếu bao nhiêu, ở môn gì? Có dự báo 5 năm đến số giáo viên nghỉ hưu, quy mô học sinh. Dữ liệu sinh viên sư phạm tốt nghiệp 5 năm trở lại, bao nhiêu người có việc làm, bao nhiêu chưa có việc làm?

Thứ hai, kiên quyết quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên dựa trên nguồn lực trên cơ sở đánh giá, kiểm định chất lượng và có tính đến yếu tố vùng miền.

Thứ ba, giảm mạnh và có giải pháp kiên quyết kiếm soát các trường trong việc xác định và thực hiện chỉ tiêu theo hướng giảm, nhưng phải đảm bảo kinh phí hoạt động, để dần cân đối giữa cung và cầu trong đào tạo và sử dụng giáo viên. Các trường đại học sư phạm ngoài đào tạo cần thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng hiện nay là bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.  

Và thứ tư, các trường sư phạm cần bàn bạc thống nhất trình Bộ GD-ĐT phương án tuyển sinh để thực hiện tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, theo hướng “Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển để chọn được người có phẩm chất và năng lực vào trường sư phạm”.

Một trong những giải pháp để dần dần cân đối cung cầu giữa đào tạo và tuyển dụng giáo viên là các trường ĐHSP giảm mạnh chỉ tiêu. 

Tuy nhiên giảm chỉ tiêu đối với các trường sư phạm có đào tạo ngoài sư phạm không ảnh hưởng lớn đến nguồn kinh phí, nhưng đối với các trường như ĐH Sư phạm- Đại học Huế và ĐH Sư phạm- Đại học Thái Nuyên (chỉ đào tạo sư phạm) sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính. 

Đây là bài toán rất khó. 

Nên chăng các trường sư phạm xây dựng kế hoạch tài chính đảm bảo chi thường xuyên và chi cho phát triển, đảm bảo chất lượng thông qua Bộ chủ quản.

Cảm ơn ông.

Lê Huyền thực hiện