- Chậm nhất là đến năm 2020, tất cả các trường ĐH, CĐ đều phải hoạt động tự chủ.

Thông tin nêu trên được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tại Hội nghị Phát triển khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong các trường đại học, cao đẳng sáng 23/5.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Theo Phó Thủ tướng, hiện việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập đang bước vào giai đoạn cuối cùng, theo hướng phấn đấu ngay từ bây giờ và chậm nhất đến năm 2020, 100% các trường ĐH, CĐ đều hoạt động tự chủ.

Theo dự thảo nghị định mới, các trường ĐH, CĐ được tự chủ cả về chuyên môn và tổ chức.

Về tài chính, tự chủ không có nghĩa là ngân sách nhà nước không còn mà thay đổi cách cấp ngân sách.

Theo đó, nhà nước sẽ không cấp phát bao bọc như trước mà theo cơ chế giao nhiệm vụ kèm kinh phí, đặt hàng.

Việc hỗ trợ sinh viên, người học có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện thông qua các chương trình như hỗ trợ học phí hay cấp học bổng để đảm bảo các sinh viên này được theo học.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, việc huy động nguồn lực giúp các đối tượng cần được giúp đỡ này rất cần thiết và phải được tăng cường đối với Hội Khuyến học trong các trường.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hội Khuyến học phát huy vai trò trong việc giúp học sinh, sinh viên thấm nhuần ý chí quyết tâm học tập. Học không chỉ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, mà sau khi ra trường, trở thành những người đi làm trong các doanh nghiệp, cơ quan thì lại tiếp tục học tập, tham gia vào công tác khuyến học.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng Hội có thể tăng cường khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong các trường ĐH, CĐ bởi lĩnh vực này ở Việt Nam còn một khoảng cách rất xa so với các nước.

Theo báo cáo của Hội Khuyến học Việt Nam, kết quả khảo sát 549 trường ĐH, CĐ trên cả nước cho thấy hiện có 158 trường có tổ chức khuyến học hoạt động, chiếm 28,8% với các mô hình như hội, ban hay chi hội khuyến học.

Lê Văn