- TP.HCM SẼ chọn 4 trường để xây dựng đề án đầu tư xây dựng theo hướng tiên tiến, tiếp cận chuẩn tiên tiến của các trường trong khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam xếp hạng tốt về chính sách hỗ trợ giáo dục đại học quốc tế

Đây là nội dung nằm trong kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố năm 2018 mà UBND thành phố ban hành.
 
Theo kế hoạch, bốn trường gồm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Sài Gòn, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM và Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học đối với các ngành mũi nhọn của các trường đại học, cao đẳng công lập thuộc thành phố. Theo đó, các trường đại học, cao đẳng công lập thuộc thành phố chủ động xây dựng đề án tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học đối với các ngành mũi nhọn.
 
Cụ thể, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức: ngành Công nghệ thông tin; Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật: ngành Cơ - điện tử; Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: nhóm ngành Sức khỏe; Trường ĐH Sài Gòn: ngành Sư phạm - Dịch vụ; Trường CĐ Lý Tự Trọng: ngành Cơ khí; Trường CĐ Kinh tế: ngành Kinh tế - Tài chính; Trường CĐ Giao thông vận tải: ngành Logistics.
 
Thành phố xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố theo hướng tiên tiến, tiếp cận kiến thức chuyên môn hiện đại tại các nước trong khu vực và trên thế giới. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo nhu cầu.
 
Trong đó, công tác bồi dưỡng bao gồm các nội dung chủ yếu tổ chức các lớp bồi dưỡng về công tác quản lý, quản trị nhà trường; đào tạo giảng viên nguồn tại các nước.
 
Chương trình bồi dưỡng được thiết kế mang tính đột phá với thời gian đào tạo phân bổ gồm: 1 tuần trong nước, 3 tuần ngoài nước và đánh giá kết quả sau 1 năm đào tạo.
 
Ở giai đoạn 1, đào tạo 1 tuần trong nước cho đội ngũ lãnh đạo, giảng viên nguồn các trường đại học, cao đẳng (số lượng đào tạo trong giai đoạn này 70 người/1 lớp); lựa chọn 16 học viên nòng cốt tham gia đào tạo giai đoạn 2. Từ 16 học viên nòng cốt sẽ thiết lập nhóm nghiên cứu (04 người/ 01 nhóm) và xác định chủ đề cấp thiết đang cần được giải quyết trong cơ sở  giáo dục đại học, cao đẳng mà nhóm sẽ trực tiếp nghiên cứu trong các giai đoạn tiếp theo.


Giai đoạn 2, đào tạo 2 tuần ngoài nước nhằm để học để chắt lọc và tích lũy kinh nghiệm, định hướng tư duy giải quyết những vấn đề liên quan đến đề án của nhóm. Kết thúc giai đoạn 2, từng nhóm học viên sẽ báo cáo kết quả thu hoạch về đề tài của nhóm cho các chuyên gia tại nước đang theo học để các chuyên gia góp ý, hoàn thiện đề án của nhóm. Sau khi về nước, các nhóm học viên sẽ báo cáo kết quả đề tài cho lãnh đạo thành phố thông qua công tác báo cáo, tổng hợp kết quả đào tạo của Sở GD-ĐT.

Thành phố sẽ đánh giá kết quả ứng dụng đề án tại thành phố (hoặc đơn vị trường mà học viên đang công tác).

Thành phố đặt ra mục tiêu 90% các trường đại học có báo cáo tự đánh giá chất lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có ít nhất 2 trường cao đẳng và 1 trường đại học thuộc thành phố được phê duyệt Đề án xây dựng trường tiên tiến;

66% các trường cao đẳng công lập đăng ký công nhận trường tiên tiến; các đề án xây dựng ngành đào tạo mũi nhọn ở các trường đại học, cao đẳng công lập thuộc thành phố được phê duyệt theo đúng phân kỳ thực hiện.

Khuyến khích các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố tiếp tục xây dựng ngành đào tạo được công nhận đạt chuẩn kiểm định quốc tế. Tỉ lệ sinh viên các trường đại học, cao đẳng tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học trong năm 2018 đạt từ 20% trở lên.

Trên 90% các trường công lập tổ chức ít nhất mỗi năm 1 Hội thảo khoa học cấp trường. Có ít nhất 20% sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng có kiến thức chuyên môn vững, kỹ năng mềm tốt (ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm...).

Lê Huyền