Buổi tọa đàm do Bộ GD-ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)phối hợp với báo VietNamNet tổ chức sáng 9/3 có chủ đề "Gắn kết trường đại học với doanh nghiệp".

Các khách mời đã cùng tham gia thảo luận về thực trạng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với trường đại học; những giải pháp để thúc đẩy, nâng cấp mối quan hệ này lên mức độ mới - tạo động lực thiết thực, hữu hiệu để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

{keywords}
Các khách mời tham dự bàn tròn (từ trái qua): Ông Phí Ngọc Trịnh (Tổng Giám đốc công ty May Hồ Gươm); ông Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM); ông Vũ Minh Trí (Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam); ông Hồ Đắc Lộc (Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM), nhà báo Phạm Huyền (báo VietNamNet). Ảnh: Lê Anh Dũng

Những trở ngại chính

Ông Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nhìn nhận từ cơ sở giáo dục đại học tham gia trong lĩnh vực ứng dụng cao.

Theo ông, tất cả các trường đều dùng chương trình đào tạo chuẩn, kỹ năng chuẩn, nhưng sinh viên thiếu trải nghiệm thực tế. Nếu doanh nghiệp hỗ trợ để sinh viên thâm nhập ngay từ quá trình đi học thì khi ra trường sinh viên tiếp cận nhanh hơn, bớt được thời gian trống hay đào tạo lại.

Ở trường có nhiều trung tâm dạy kỹ năng, nhưng cũng giống như “tập võ mà không có thi đấu”” – ông Lộc đưa ra hình ảnh so sánh. “Nếu sinh viên được thực hành kỹ năng ngay khi đi học, thì sẽ làm được ngay”.

Ông Vũ Minh Trí - CEO Microsoft Việt Nam - thì chia sẻ thách thức lớn của các trường đại học là làm sao chương trình đào tạo phù hợp doanh nghiệp cần.

“Cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra và mọi thứ thay đổi nhanh. Bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng thay đổi, những người hôm nay đang làm việc tốt nhưng ngày mai có khi vẫn phải đào tạo lại. Vì vậy, giáo trình, cách kết nối của các trường phải thay đổi nhiều...” – ông Trí nhấn mạnh.

Ông Trí cũng chỉ ra điểm yếu “chí tử” trong mối liên hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp hiện nay:

Trường có khả năng tạo phòng thí nghiệm, môi trường làm việc giống doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp sẽ không bao giờ thực sự chia sẻ những bí mật của doanh nghiệp”.

Còn ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng vấn đề quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường đã được xới lên từ lâu, tùy từng trường có những biện pháp để tạo dựng mối quan hệ này. Tuy nhiên, vẫn còn có những trở ngại về chính sách, về thuế, về việc thực tập của sinh viên chưa bài bản…

{keywords}
Ông Đỗ Văn Dũng và ông Vũ Minh Trí

Không đổ lỗi khi trường đào tạo mà doanh nghiệp không nhận

Trở lại với vấn đề doanh nghiệp đặt hàng các cơ sở đào tạo, ông Hồ Đắc Lộc nhìn nhận đây là bàì toán kết nối hai đơn vị nhưng trên thực tiễn rất khó xảy ra.

Doanh nghiệp đặt thứ hàng họ muốn có, nhưng họ có “nhận hàng” hay không phụ thuộc vào chất lượng đào tạo. Có thể sau 2 năm, họ lại lấy “hàng” ở chỗ tốt hơn chứ không phải chỗ đã đặt. Vì vậy, vấn đề này nên để thị trường quyết định, để doanh nghiệp tuyển dụng được người đáp ứng tốt nhất yêu cầu của họ” – ông Lộc phân tích.

Giáo dục bản chất là dịch vụ cung cấp nhân lực. Sản phẩm tốt, nhà trường sẽ mạnh lên. Sản phẩm không được chấp nhận, nhà trường phải xem lại”.

Ông Vũ Minh Trí chia sẻ khi tuyển dụng, kỹ năng mềm quyết định hơn 50% thành công. 

“Về chuyện đặt hàng, theo tôi trường vẫn đóng vai trò cung cấp kiến thức nền tảng cho sinh viên. Hợp tác và đặt hàng phải hiểu theo nghĩa rộng hơn: Trước đây doanh nghiệp cần bao nhiêu người, cần cái gì, chứ chưa ở bước sâu hơn là xu hướng, tác động lại về chương trình học.

Giữa doanh nghiệp và nhà trường muốn gắn kết vẫn quay lại với nhu cầu: doanh nghiệp cần gì, trường cần gì, phải ngồi gặp gỡ và nói ra mới tìm được tiếng nói chung” – ông Trí khẳng định.

Theo ông Đỗ Văn Dũng thì ở giai đoạn hiện nay, các trường cần vươn lên mức độ chuyên nghiệp hóa trong mối quan hệ với doanh nghiệp.

“Cả hai bên cần thay đổi cách nhìn, nâng hợp tác lên tầm cao mới, cùng nhau đóng góp vào sự nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo. Điều này không chỉ nhà trường hay doanh nghiệp có lợi mà còn tạo được sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

“Không nên đổ lỗi cho nhau khi trường cố công đào tạo, nhưng khi gặp doanh nghiệp lại có vướng mắc”. Ông Lộc phân tích điều quan trọng là môi trường chứ không phải kỹ năng hay tác nghiệp cụ thể.

“Chúng ta vẫn nói chung chung là đào tạo có chất lượng, nhưng định nghĩa như thế nào là chất lượng? Theo tôi, chất lượng không phải là có điểm số cao mà chất lượng là sự phù hợp với nhu cầu thị trường.

Xã hội biến đổi rất nhanh. Trường đại học dần không phải là nơi có chương trình đào tạo này, bao nhiêu tín chỉ…, mà trở thành nơi người học thu nhận, rèn luyện kiến thức, sau đó bước ra đời cạnh tranh sòng phẳng. Cá nhân tự quyết định, tự cảm nhận, đó là cách học của tương lai”.

Ông Hồ Đắc Lộc cũng cho rằng trong mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp có những lý thuyết luôn đúng nhưng thực tế không xảy ra như thế, như việc chuyển giao công nghệ hay khởi nghiệp…

{keywords}
Ông Hồ Đắc Lộc

“Chỉ có một số ít nắm bí quyết về công nghệ, còn đa phần là các doanh nghiệp đi lắp ráp thôi, nên có muốn chuyển giao công nghệ cho trường cũng không làm được.

Hay câu chuyện khởi nghiệp, nghe thì rất hay nhưng thực chất chỉ vài % thành công. Ai cũng nghĩ mông lung về khởi nghiệp thì sẽ có rất nhiều quán café vỉa hè được mở ra nhưng chỉ vài ba tháng đóng cửa…”.

Theo ông Lộc, cái cần nhất của nhà trường và doanh nghiệp là hun đúc ý chí cho sinh viên để khởi nghiệp chứ không phải chỉ cho sinh viên làm cái gì.

Còn việc mời doanh nghiệp tham gia quản trị nhà trường, ông Lộc đánh giá là ý tưởng hay nhưng thực tiễn cần thời gian.

Ông Đỗ Văn Dũng lại muốn dùng kiểm định để kích thích mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường.

Có một bộ phận sinh viên ra trường không kiếm được việc bởi xã hội thay đổi rất nhanh trong khi cách đào tạo không có sự mềm hóa. Tới đây, chúng ta phải bàn việc đào tạo linh hoạt chứ không cứng nhắc như hiện nay nữa”.

Làm sao để “cùng thắng”?

Từ kinh nghiệm của mình trong quá trình quản lý một cơ sở đào tạo lớn, ông Đỗ Văn Dũng cho rằng giải pháp đầu tiên là hợp tác với doanh nghiệp trên tất cả mọi khía cạnh đào tạo như thiết kế chương trình theo các yêu cầu của doanh nghiệp.

Giải pháp tiếp theo là doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên ngay từ năm thứ nhất như đến trường tổ chức tập huấn kỹ năng mềm, kỹ năng xin việc, kết hợp nghiên cứu khoa học.

Sự hỗ trợ này phải thấy rõ được nguyên tắc “win – win” – doanh nghiệp đến trường không phải làm từ thiện, phát tiền cho sinh viên mà cả hai bên cùng có lợi”…

Ông Vũ Minh Trí đánh giá các trường đại học có tiềm năng nhưng cần quá trình để xây dựng niềm tin giữa hai bên.

Theo ông Trí, nhà trường cần chủ động hơn. 

{keywords}
Ông Vũ Minh Trí: "Tôi thấy sinh viên bây giờ khá chủ động, tôi nghĩ là cách dạy đã thay đổi"

“Một cách làm tốt là lãnh đạo doanh nghiệp đến trường để nói về thách thức của doanh nghiệp. Sinh viên hiểu được bức tranh toàn cảnh, biết là mình giúp được vấn đề này hay kia, chủ động có giải pháp mà doanh nghiệp có thể chưa có thời gian hay giải pháp làm hay nói cách khác là chủ động thâm nhập doanh nghiệp, đáp ứng cái mà doanh nghiệp cần... Doanh nghiệp và nhà trường ngồi lại với nhau nhiều hơn, có kết nối chặt chẽ hơn thì sẽ tốt hơn”.

{keywords}
Ông Phí Ngọc Trịnh

Còn ông Phí Ngọc Trịnh, CEO Tông công ty May Hồ Gươm cho rằng “Giáo dục phải đi trước một đến vài bước mới chiến thắng được”.

Về vai trò của Nhà nước, theo ông Trịnh, dù đối với giáo dục hay kinh doanh thì Nhà nước cũng là bà đỡ, định hướng cho doanh nghiệp và cho trường.

Ông Đỗ Văn Dũng đề xuất về chính sách vĩ mô, Nhà nước phải đưa vào luật trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tạo ra nguồn nhân lực. Nhà nước cũng cần có chính sách thuế đối với giáo dục. Doanh nghiệp nên tham gia cùng nhà trường trong việc tạo môi trường khởi nghiệp ngay trong trường...

Động lực để phát triển mối quan hệ nhà trường – doanh nghiệp tuân theo quy luật thị trường. Vai trò của Nhà nước là phân bố nguồn lực trong tay về chính sách hay tài chính, về hỗ trợ các trường đào tạo” – ông Hồ Đắc Lộc nhận định.

Khi có chính sách, động lực rồi thì việc thực thi nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục hết sức quan trọng. Với cách vận hành tổng thể như vậy, quan hệ giữa khối giáo dục và doanh nghiệp sẽ có bước tiến, đem lại quả ngọt” – ông Lộc bình luận.

Toàn bộ nội dung buổi tọa đàm sẽ được VietNamNet giới thiệu từ ngày 13/3. Mời các bạn đón xem.

  • Ban Giáo dục
  • Ngân Anh (lược thuật)
  • Ảnh Lê Anh Dũng