- Từ sâu xa, bất cập của các kỳ tuyển sinh nhiều năm qua bắt nguồn từ tư duy tuyển sinh chỉ dựa vào kết quả một kỳ thi.

"Anh tổ chức" ra đề chưa tinh tuyển

Điểm cao nhưng vẫn trượt trường đại học là câu chuyện nóng nhất của kỳ tuyển sinh 2017. Nguyên nhân một phần là do kết quả kỳ thi THPT quốc gia chưa  giúp phân loại rõ ràng ở nhóm thí sinh điểm cao, khiến một số trường phải vận dụng tiêu chí phụ để tinh tuyển.

Thống kê từ dữ liệu điểm thi của Bộ GD-ĐT cho thấy, có tới gần 13.000 thí sinh có mức điểm từ 27 điểm trở lên (mỗi môn thi đạt 9 điểm) - mức điểm mà trong quán tính tư duy của nhiều người, hẳn là rất cao.

Chưa kể, những thí sinh có mức điểm thấp hơn nhưng nhờ có điểm ưu tiên nên cũng được bổ sung vào lực lượng "điểm cao" vốn đã rất hùng hậu của năm nay.

Trong số hàng chục ngàn thí sinh điểm cao này, hẳn sẽ có nhiều em trượt nguyện vọng các trường mình yêu thích vì đều có xu hướng lựa chọn những ngành thời thượng nhất.

Thành ra, mức điểm trên 27 điểm, thậm chí 29 điểm nếu các năm trước được gọi là cao thì năm nay không còn "cao" nữa.

Thực tế, nhìn vào diễn biến thi cử những năm qua, hiện tượng điểm cao vẫn trượt đại học năm nào cũng có.

Tuy nhiên, khi các trường coi điểm thi là tiêu chí duy nhất thì việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia - một kỳ thi về bản chất phục vụ mục đích xét tốt nghiệp phổ thông - cho xét tuyển đại học đã khiến câu chuyện điểm cao vẫn trượt mới trở nên bức xúc hơn bao giờ hết.

Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT cho rằng, về mặt bản chất, mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia là kiểm tra việc nắm bắt vận dụng kiến thức phổ thông của học sinh như thế nào. Trong khi đó, kỳ thi ĐH lại có mục tiêu chọn những người có tố chất phù hợp nội dung sẽ học và ngành nghề dự kiến sẽ làm việc sau này.

"Hai kỳ thi này về nguyên tắc không hoàn toàn trùng nhau" - ông Tùng nói.

"Chị tuyển sinh" chỉ dùng kết quả điểm thi

Thực tế, các trường có quyền sử dụng hoặc không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học.

Quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ GD-ĐT quy định rõ, các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng hoặc kết hợp nhiều phương thức. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, trong 336 đơn vị có mã tuyển sinh thì chỉ có 14 nơi không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia.

Một số quy định mà trước đây vốn không ảnh hưởng mấy, trong bối cảnh số lượng thí sinh điểm cao nhiều như năm nay, các tiêu chí phụ lại có vai trò quyết định, còn tiêu chí chính là tổng điểm 3 môn thi oái oăm thay lại trở thành tiêu chí phụ.

Vì vậy, những bất cập trong kỳ tuyển sinh năm nay, cũng như những kỳ tuyển sinh trước bắt nguồn từ việc các trường tuyển sinh chỉ dựa vào kết quả của một kỳ thi.

Ông Tùng cho rằng, các trường sẽ phải thay đổi phương thức tuyển sinh để “đi bằng 2 chân” thay vì chỉ dựa vào điểm số một kỳ thi như hiện nay, bởi lẽ, sớm muộn gì, mỗi trường đều phải trả lời câu hỏi: Tôi cần thí sinh đầu vào có tố chất như thế nào.

"Bản chất của tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH xuất phát từ việc các trường muốn có đầu vào như thế nào. Khi đó, tiêu chí không chỉ đơn thuần là học sinh học giỏi phổ thông nữa" - ông Tùng phân tích.

Ông Tùng dẫn ví dụ về trường hợp của ĐH Luật TP.HCM với phương thức tuyển sinh kết hợp kết quả thi THPT, điểm học bạ và kết quả bài thi năng lực đã giúp trường này tránh được những rắc rối như những trường tốp trên gặp phải trong những ngày xét tuyển vừa qua.

Tiêu chí mà ĐH Luật đưa ra là 50% kết quả thi THPT quốc gia, 10% điểm thi học bạ và 40% là kết quả bài thi năng lực. Mặc dù với tỉ trọng này, có những tiêu chí vẫn là chính, có tiêu chí là phụ nhưng không có yếu tố nào quá chính mang tính chất quyết định, cũng không có yếu tố nào quá phụ.

Bên cạnh đó, trường sử dụng kết quả thi THPT và kết quả học bạ để sơ tuyển trước. Sau khi chọn được số lượng thí sinh nhất định qua vòng sơ tuyển mới tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để chọn thí sinh phù hợp nhất với tiêu chí của mình.

Đây cũng là bước đầu theo cách mà các trường ĐH trên thế giới đang làm. Khi đó, điểm số của các kỳ thi chỉ là một phần để đảm bảo thí sinh có đỗ vào trường; ngoài điểm số, thí sinh còn phải chứng minh bản thân mình phù hợp với tiêu chí của trường thông qua phỏng vấn, viết luận hay những thành tích hoạt động xã hội.

Lấy ví dụ ngay với nhóm trường danh giá nhất trong các kỳ tuyển sinh.

Các trường y dược ở Mỹ khi xét tuyển, ngoài bài kiểm tra đầu vào, và phỏng vấn, thí sinh còn cần có thư giới thiệu, bài luận. Nhiều trường còn yêu cầu thí sinh phải có bằng cử nhân 4 năm trước khi thi vào trường y.

Trong khi đó, ở Việt Nam, những trường y lớn nhất như ĐH Y Hà Nội và ĐH Y - Dược TP.HCM vẫn chỉ dựa vào một căn cứ duy nhất là điểm số. Thậm chí, ngay cả 4 tiêu chí phụ mà ĐH Y Hà Nội đưa ra năm nay cũng vẫn căn cứ trên điểm số các môn thi.

Có lẽ câu hỏi này của nhiều người là có lý: "Điều gì đảm bảo một thí sinh đạt điểm cao cả ba bài thi kiến thức giáo dục phổ thông sẽ trở thành một bác sĩ giỏi?" 

Ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho hay, thống kê của trường đối với sinh viên trong nhiều năm qua cho thấy, điểm đầu vào chỉ tương quan thuận với điểm học đại học đối với sinh viên năm thứ nhất, điểm đại học các năm sau không còn tương quan với điểm thi đầu vào.

"Tất nhiên, thí sinh giỏi thì được điểm thi cao, nhưng không phải tất cả thí sinh có điểm thi đầu vào cao đều học giỏi khi vào đại học"- ông Xê nhìn nhận.

TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH Ngoại thương nhìn nhận việc các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển như vừa qua là hệ quả của truyền thống tuyển sinh chỉ sử dụng kết quả của một cuộc thi.

Bà Hương cho biết thêm, nhiều sinh viên thủ khoa đầu ra không phải là những người có điểm cao ở đầu vào.

Phương án tuyển sinh phải đánh giá được toàn bộ quá trình học tập của thí sinh chứ không chỉ dựa vào kết quả một kỳ thi.Tuy nhiên, việc thay đổi phương thức tuyển sinh cũng cần tránh gây sốc. Trường ĐH Ngoại thương cũng đã có lộ trình thay đổi phương thức tuyển sinh từ trước.

Con đường này có lẽ còn xa với nhiều trường khi câu hỏi lớn vẫn đang loay hoay giải vẫn là: "Làm thế nào để tôi tuyển đủ thí sinh?".

Lê Văn - Lê Huyền