- Dự kiến bỏ việc cộng điểm học nghề khi xét tuyển vào lớp 10 đang tạo ra những tâm lý khác nhau giữa  học sinh, phụ huynh và người làm giáo dục.

Hà Nội hiện nay có nhiều chế độ khuyến khích áp dụng cho các thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi, với mức từ 0,5 - 2 điểm. Từ các cuộc thi học sinh giỏi môn văn hóa, khoa học kỹ thuật... còn cộng điểm cho cả thí sinh đoạt giải thi viết thư quốc tế, giải toán trên máy tính cầm tay, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn, Toán học mở rộng, giải Toán trên internet, Tiếng Anh trên Internet, Em yêu lịch sử Việt Nam; giải văn nghệ, thể thao,...

Học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở GD-ĐT tổ chức ở cấp THCS cũng được cộng điểm khuyến khích.

TP.HCM cũng cộng điểm khuyến khích cho những học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi các bộ môn văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học... và học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở GD-ĐT tổ chức ở bậc THCS.

Dự kiến của Bộ GD-ĐT đang khiến nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng, đặc biệt ở điểm cộng học nghề.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng.

Chị Phan Thùy Trang, có con học lớp 11 tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) thừa nhận nhờ điểm cộng học nghề mà năm ngoái con chị đỗ vào Trường THPT Võ Thị Sáu.

“Tổng điểm 3 môn sau khi đã nhân hệ số của cháu là 31.5 điểm, cộng 1 điểm nghề là 32,5 điểm, trong khi điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường là 32” - chị Trang nhớ lại.

Không riêng con chị Trang, từ lâu nay không ít học sinh THCS đã đi học nghề để lấy 1,5 điểm cộng này. Thậm chí, với nhiều em, điểm nghề mang tính chất “quyết định”. 

Chị Huỳnh Phương, có con đang học lớp 9 tại quận Tân Bình (TP.HCM), cho biết chị khá lo lắng khi biết thông tin có thể bỏ cộng điểm nghề. Con gái chị đang học nghề vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần và đang chuẩn bị thi lấy chứng chỉ. Theo quy định hiện tại, con chị sẽ được cộng từ 0,5-1,5 điểm trong kỳ thi năm nay. "Nếu bây giờ bỏ điểm cộng thì thật vô lý vì con tôi đã bỏ ra một năm để học nghề".

Tuy nhiên, chị Phạm Thị Hải Vân, phụ huynh có con đang học lớp 9 Trường THCS Trần Đăng Ninh (Hà Nội), lại nhìn nhận:

“Nhiều phụ huynh chạy để con đạt được giải nọ giải kia trong mấy kỳ thi, nhưng nhiều khi các giải cũng không thể hiện các con thực sự giỏi nên tôi nghĩ việc bỏ cộng điểm là đúng. Còn với học nghề, hầu như các con đều đạt điểm tối đa, nên tôi nghĩ cộng điểm hay không cũng không nhiều ý nghĩa. Đưa cộng điểm vào việc học nghề chỉ làm các con thêm gánh nặng”.

Theo chị Vân, nếu dự định bỏ quy định cộng điểm thi nghề thì nên bắt đầu từ năm học 2018-2019, còn năm học này do chưa quy định từ đầu nên cần giữ nguyên.

“Sắp thi rồi mà nói bỏ thì rất tốn công sức của các con, thật sự không chỉ các con mà phụ huynh cũng sốc. Lẽ ra, việc này cần đưa ra từ đầu năm học để các con không bị phân tán tư tưởng và thời gian” - chị Vân đề nghị.

Chị Vũ Ngân (phụ huynh ở quận Hà Đông, Hà Nội) cũng đồng tình: “Nếu quy định này thực hiện luôn trong năm nay thì học sinh lớp 9 sẽ rất thiệt thòi, bởi vì quy định cộng điểm mà các em đã phải dành thời gian, công sức học để thi nghề”.

Là một phụ huynh đồng ý với việc bỏ điểm cộng học nghề, anh Trần Nam (quận 10, TP.HCM) cho rằng việc bỏ điểm cộng học nghề là đúng vì lâu nay học nghề chỉ như một biện pháp “cứu cách”, tìm điểm cộng trước các kỳ thi chứ học sinh học nghề không phải là mục đích học nghề “thật”. Nhưng anh Nham cũng cho rằng bỏ điểm cộng học nghề phải có lộ trình phù hợp vì hiện nay nhiều học sinh đã học xong, có chứng chỉ, nếu đột ngột cắt bỏ các em sẽ bị thiệt hại vì mất công sức, tốn tiền bạc. 

Anh Nguyễn Sơn (quận Gò Vấp, TP.HCM) nhận xét “Bỏ cộng điểm có thể sẽ khó khăn cho việc động viên học sinh học nghề, nhưng nó cũng là điều kiện để việc học nghề phổ thông về đúng bản chất”.

Theo ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), khi việc học nghề đáp ứng được xu hướng, yêu cầu phát triển của xã hội, loại bỏ được những nội dung không còn phù hợp thì vẫn thu hút được học sinh tham gia, đồng thời trả lại đúng ý nghĩa, mục đích của đào tạo nghề.

“Do đó, không nhất thiết phải lấy kết quả nghề làm điểm cộng khuyến khích trong các kỳ thi tuyển sinh. Bỏ cộng khuyến khích tôi nghĩ là chỉ ảnh hưởng đến việc thay đổi thói quen thôi, còn không ảnh hưởng lớn đến việc tuyển sinh vào THPT.

Qua thống kê từ những học sinh mà trường tôi tuyển vào trong 10 mấy năm gần đây, đa số các em đều được cộng 1 hoặc 1,5 điểm nghề. Như vậy, nếu tất cả đều không cộng thì không gây ảnh hưởng lớn”.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên (nguyên chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM) ủng hộ việc này "để hướng đến một nền giáo dục thực chất, không lấy điểm số làm mục tiêu và làm thước đo năng lực của học sinh".

“Nhiều năm qua, học sinh lớp 7, 8 ở TP.HCM đã phải dùng mùa hè của mình để đi học nghề. Việc học nghề vốn có ý nghĩa hết sức tốt đẹp và đúng tinh thần giáo dục toàn diện của giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, một yếu tố phụ được đưa vào để khuyến khích học sinh đi học nghề lại trở thành mục tiêu chính, đó là nhằm cộng điểm thi chuyển cấp.

Khi điểm số biến thành mục tiêu thì quá trình thực hiện mục tiêu ấy sẽ sai lệch ngay lập tức” - bà Quyên nói.

Theo bà Quyên, hầu hết học sinh đi học nghề chỉ quan tâm đến việc xếp loại gì và được cộng bao nhiêu điểm. Vì thế, những câu chuyện hết sức trớ trêu đã xảy ra khi cách tổ chức học và thi nghề trở thành hình thức để hợp thức hóa điểm số.

“Con trai tôi cũng từng học nghề nấu ăn, cháu được loại giỏi và được cộng 1,5 điểm. Để đạt loại giỏi, con tôi chỉ cần chăm chỉ, đi học đủ để điểm danh. Hôm thi viết, cháu được dặn học đúng những bài đề sẽ hỏi để viết đúng công thức nấu. Còn thực hành, cháu đã chịu khó xung phong mang chén bát, muỗng, đũa. Chỉ vậy thôi và không cần nấu được món nào vì các cháu làm theo nhóm, có bạn làm thay cho cả rồi".

Bà Quyên nhấn mạnh việc nên ủng hộ nếu việc dạy nghề được tổ chức tốt, mục tiêu hướng đến kỹ năng người học.

"Chúng ta chỉ bỏ đi quy định cộng điểm, để quy định này không làm méo mó mục đích của dạy nghề phổ thông mà thôi".

Lê Huyền – Thanh Hùng

Tuyển sinh vào 10: Không được cộng điểm khuyến khích

Tuyển sinh vào 10: Không được cộng điểm khuyến khích?

Bộ GD-ĐT mới công bố, sẽ bỏ quy định sở GD-ĐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10. Như vậy điểm thi nghề phổ thông sẽ không được cộng.

Những khoảnh khắc đầy tâm trạng trước giờ thi vào 10

Những khoảnh khắc đầy tâm trạng trước giờ thi vào 10

Sáng nay, các phụ huynh và thí sinh ở Hà Nội đã có mặt tại các điểm thi sớm để sẵn sàng bước vào kỳ tuyển sinh vào lớp 10 với nhiều tâm trạng. 

Hà Nội kiểm tra tường rào, đóng kín cửa sổ phòng thi vào 10

Hà Nội kiểm tra tường rào, đóng kín cửa sổ phòng thi vào 10

Để đảm bảo đề thi không lọt được ra ngoài và hạn chế tối đa tiêu cực trong kỳ thi vào lớp 10, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các cán bộ kiểm tra kỹ tường rào, đóng kín cửa sổ các phòng thi.