Nghị quyết 19 (NQ19) do của Trung ương Đảng vừa ban hành đã đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện việc sắp xếp, tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp thứ 2 là sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

Đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo, cụ thể là với giáo dục đại học, NQ19 khẳng định sẽ thực hiện sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả. Không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học.

Bên cạnh đó, sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục.

Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, các trường trong Quân đội, Công an chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng vũ trang.

Những việc “cần làm ngay”

Theo ý kiến của lãnh đạo các trường đại học, NQ19 đã chỉ đúng những vấn đề cần giải quyết của giáo dục đại học hiện nay.

Ông Đàm Quang Minh, Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây nhận xét: Có thể thấy NQ19 lần này mang những tinh thần tinh gọn bộ máy hành chính sự nghiệp và nâp cao chất lượng.

Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh vận hành đánh giá qua hiệu quả công việc của các đơn vị sự nghiệp công lập và mở cửa áp dụng tính thị trường hơn với một số lĩnh vực mà khối tư nhân có thể làm tốt.

{keywords}
Nhà nước tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế (Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng)

Theo ông Minh, những giải pháp như việc loại bỏ những loại hình đã lạc hậu như các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm hướng nghiệp, các trường trung cấp là phù hợp với thực tế. Việc sáp nhập các đơn vị này thành đơn vị đào tạo nghề nghiệp duy nhất là bước đi kiên quyết để loại bỏ những đơn vị kém hiệu quả gây lãng phí cho xã hội.

“Thực sự NQ19 đã đưa ra được những đánh giá và giải pháp xác đáng, kiên quyết. Vấn đề là cần nhanh chóng thực thi được các quyết sách này” – ông Minh nhấn mạnh.

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, khẳng định việc quy hoạch lại các trường đại học công lập là nên làm vì hiện nay có quá nhiều trường đại học “dỏm”, chỉ có tên mà không có chất lượng.

“Hơn nữa, các trường đại học địa phương cũng không cần thiết. Vì nhu cầu nhân lực của địa phương gói gọn trong số lượng rất ít nên không cần thiết để một trường đại học. Cơ sở vật chất của các trường đại học địa phương cũng rất kém, không đáp ứng được nhu cầu đào tạo.

Bên cạnh đó, những trường đại học địa phương đều dựa trên nền tảng các trường cao đẳng sư phạm nên đa phần chất lượng thấp, một số trường sau khi nâng cấp lên thì mở ngành nhưng qua một vài năm cũng không tuyển sinh được do không có nhu cầu nguồn lực. Các giảng viên giỏi cũng không về địa phương để giảng dạy” – ông Dũng phân tích.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT nhìn nhận rằng trong 10- 15 năm qua, số lượng các trường công lập đã tăng rất nhanh, trong đó có việc thành lập trường mới, nâng cấp từ cao đẳng lên đại học.

“Khi ngân sách Nhà nước không theo kịp sự tăng trưởng của các trường đại học, học phí không cao, đầu tư nhà nước hạn chế ảnh hưởng tới chất lượng của các trường”.

Vấn đề thứ hai, theo ông Tùng, là sự phát triển của các trường công trong một chừng mực nào đã ảnh hưởng tới sự phát triển của trường tư. Chủ trương của Nhà nước là xã hội hóa, và dù muốn hay không vẫn nên dành một phân khúc ở một quy mô nhất định cho các trường ngoài công lập. Nhưng tình trạng của các trường ngoài công lập không có nhiều thay đổi so với thời kỳ đầu. Cách đây 10 năm tỷ tệ sinh viên của trường tư/tổng sinh viên là 12-13% thì hiện nay vẫn ở một mức như vậy vì tường tư tăng thì trường công cũng tăng theo và việc tái tổ chức lại hệ thống đại học như NQ19 đặt ra là điều cần làm” – ông Tùng khẳng định.

Một bất cập khác trong việc quy hoạch hiện nay, theo ông Tùng, là các đại học cả công và tư chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. “Với những địa phương có dân số đông thì điều này không phù hợp phù hợp” – ông Tùng nhận xét và đưa ví dụ như với tỉnh Thanh Hóa. Đây là địa phương có dân số đông nhưng chỉ có 3 trường đại học công lập mà không có trường tư thục nào.

“Tuy đây không phải là vấn đề lớn vì học sinh Thanh Hóa có thể tới các địa phương khác học tập. Nhưng khi học xong các em không quay về địa phương làm việc. Như vậy, trong một chừng mực nhất định thì việc quy hoạch sắp xếp các trường đại học là để hỗ trợ phát triển địa phương, phục vụ sự phát triển kinh tế địa phương”.

Cần lộ trình hợp lý và quyết tâm mạnh mẽ

Về thực hiện, ông Đàm Quang Minh cho rằng trong NQ19 cũng đã có lộ trình thời gian khả thi.

“Việc thực hiện được nhanh nhất là dừng phát triển các vấn đề mới phát sinh như việc dừng mở các trường đại học mới ở các tỉnh không cần thiết, dừng đào tạo hệ dân sự tại các trường an ninh - quân đội” – ông Minh đưa ý kiến.

“Thực tế hiện nay trong giáo dục có nhiều đơn vị bậc trung cấp, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên hoạt động cầm chừng, giải pháp sáp nhập và giải quyết ngay những đơn vị hoạt động kém hiệu quả. Sau khi sáp nhập có thể tiến hành thu gọn lại biên chế hoặc bố trí các việc khác cho các biên chế dôi dư.

{keywords}
Sẽ thực hiện sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả (Ảnh: Đỗ Quang Đức)

Những việc liên quan đến sáp nhập có thể thực hiện trong thời gian 2 năm, với một hệ thống bớt cồng kềnh, việc quản trị sẽ có hiệu quả tốt hơn và giảm bớt lãng phí”.

Theo ông Lê Trường Tùng, bởi vì đa số trường đại học địa phương được nâng cấp từ các trường cao đẳng sư phạm, vừa đào tạo sư phạm vừa đào tạo ngành khác, vì vậy nên xem những trường này như là điểm nối dài của các trương sư phạm có tên tuổi chứ không phải trường đa ngành.

Ông Tùng nhận định trước mắt, nếu chấp nhận sáp nhập hoặc chuyển các trường thành phân hiệu của các trường đại học có tên tuổi hay muốn giải thể phải mất 4 năm.

"Như vậy, nếu thực hiện thì nên thực hiện từ khóa tuyển sinh 2018. Việc sáp nhập sẽ tạo ra khó khăn trong việc giải quyết nhân sự, vì vậy thực hiện tái tổ chức lại hệ thống trường công và mở rộng trường tư, các trường tư sẽ giải quyết một phần nhân lực” – ông Tùng đề xuất.

Ông Tùng cũng cho rằng các tỉnh không nhất thiết phải thành lập trường đại học, nhưng có thể thành lập các phân hiệu của các trường đại học tốt. Vì vậy cần thiết phải giải tán, sáp nhập các trường đại học kém nhưng cũng cho các trường đại học lớn mở chi nhánh ở các địa phương.

Còn với ông Đỗ Văn Dũng, việc quy hoạch lại, đặc biệt là giải thể các trường đại học không đơn giản vì liên quan đến con người, biên chế. “Có thực hiện được hay không tùy thuộc vào lộ trình và quyết tâm của người đứng đầu”.

Nghị định 46 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/4/2017 quy định rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn 2030.
Trong phần khoản hiệu lực thi hành, Nghị định có nêu rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là rà soát quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020 để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến 2030.
Trong đó khuyến khích thành lập các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, theo nguyên tắc không bị giới hạn bởi số lượng cơ sở giáo dục đại học theo vùng.
Trước đó, Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 được quy định tại Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/6/2013.
Theo quy hoạch này, đến năm 2020 đạt khoảng 256 sinh viên/ 1 vạn dân; khoảng 70% - 80% sinh viên đại học được đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng và khoảng 30% - 20% sinh viên được đào tạo theo các chương trình nghiên cứu.
Đến năm 2020 đạt bình quân từ 17 đến 26 sinh viên đại học và cao đẳng/1 giảng viên; số giảng viên có trình độ tiến sỹ trong tổng số giảng viên đại học khoảng 21% và số giảng viên có trình độ tiến sỹ trong tổng số giảng viên cao đẳng dự kiến đạt khoảng 4%. Tới năm 2020, tổng quy mô đào tạo đại học và cao đẳng đạt khoảng 2.200.000 sinh viên (tăng khoảng 1,8% so với năm học 2010 - 2011) và số sinh viên chính quy tuyển mới đạt khoảng 560.000 (tăng khoảng 8,2% so với năm 2010).
Đến năm 2020 cả nước có 460 trường đại học và cao đẳng, bao gồm 224 trường đại học và 236 trường cao đẳng.
Quy hoạch năm 2013 cũng quy định về phân bố mạng lưới các trường đại học, cao đẳng theo vùng.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ GD-ĐT thì đến năm học 2015 - 2016 vừa qua, cả nước có 223 trường đại học và 219 trường cao đẳng (không tính khối an ninh, quốc phòng).
Cũng theo thống kê, cả nước có 449.558 sinh viên cao đẳng và 1.753.174 sinh viên đại học.

Phương Chi – Lê Huyền