- Một trong những nội dung thu hút thảo luận của Quốc hội tại dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi là tổ chức bộ máy của đại học Việt Nam.

Tại sao không quy định trần học phí, tuổi hiệu trưởng?

Sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học

 Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, những vướng mắc, bất cập hiện tại không nằm ở sự tồn tại của đại học quốc gia hay đại học vùng, mà là cách tổ chức bộ máy của những đại học này.

Nhìn nhận 3 mục tiêu chính: giảm đầu mối quản lý và biên chế, dùng chung nguồn lực về cơ sở vật chất, tập trung đầu tư xây dựng đại học thành đại học mạnh "đều không đạt được", đại biểu Tuấn Anh phân tích nguyên nhân do tổ chức bộ máy chồng bộ máy.

Ông cũng khẳng định rằng, ngay từ những khoá trước, các đại biểu Quốc hội cũng đã nêu nhận định, hoạt động của ba đại học vùng còn nhiều bất cập khiến các trường đại học thành viên không phát huy được sức mạnh mà còn “triệt tiêu” sức mạnh tổng hợp của cả đại học. Đại học vùng theo đó lại trở thành cấp trung gian quản lý, kìm kẹp, cản trở hoạt động của các trường thành viên.

“Đây vẫn đang là nút thắt quan trọng cần phải được sửa đổi để thực hiện tự chủ đại học và không thể muộn hơn”, đại biểu Tuấn Anh nói.

Đại biểu đề nghị sửa quy định về tổ chức bộ máy trường đại học theo hướng tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp trong khối đại học. Làm được như vậy “sẽ tiết kiệm được khoảng 120 tỷ, ít nhất là 120 tỷ cho mỗi đại học nếu sắp xếp lại tổ chức”.

 

Vị đại biểu này cảnh báo, nếu các đại học đa ngành tới đây ra đời vẫn phải theo quy định của dự luật hiện tại, tức tồn tại 2 bộ máy quản lý thì những vướng mắc này sẽ mãi không được giải quyết.

Đồng thời, ông cũng đề xuất hai phương án: tổ chức lại bộ máy đại học theo mô hình một cấp hoặc giữ mô hình tổ chức như hiện hành.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) khẳng định, mô hình tổ chức như vậy thể hiện xu thế phát triển của thế giới, phân định mạch lạc mô hình các cơ sở giáo dục đại học, giữa các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học thành viên với đại học “mẹ”.

Về định hướng hình thành, phát triển các đại học lớn trong tương lai, vị đại biểu này tâm đắc với một quan điểm ông cho rằng rất mới, mang tính chiến lược lâu dài được thể hiện trong dự thảo luật, đó là trường đại học có thể chuyển thành đại học, các trường đại học có thể liên kết với nhau để trở thành đại học.

“Theo cách như thế chúng ta sẽ sớm có được những đại học mạnh, đạt chuẩn mực khu vực và quốc tế. Ở Mỹ, châu Âu, nhất là Cộng hòa Pháp, xu thế này đang diễn ra rất mạnh và rất hiệu quả. Ở Việt Nam sau 24 năm xây dựng và phát triển mô hình đại học quốc gia đã chứng tỏ quyết định về việc thành lập các đại học quốc gia là đúng đắn và mang tầm chiến lược”, đại biểu Đạt nói.

"Tôi thống nhất với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đề nghị giữ ổn định hệ thống, tránh gây xáo trộn không cần thiết, đồng thời tạo cơ hội cho sự phát triển của các trường đại học, các đại học; sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học, trong đó đại học quốc gia đóng vai trò là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của cả hệ thống”, đại biểu Huỳnh Thành Đạt cho hay.

Trong khi đó, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, bổ sung Luật Giáo dục Đại học lần này đã hướng tới sự ổn định của hệ thống các cơ sở giáo dục đại học và có các chuẩn theo hướng mở rộng hơn.

“Tôi cho rằng đây là một bước đột phá trong việc chuyển một hệ thống giáo dục tĩnh, khép kín trở thành hệ thống giáo dục động và mở, tạo điều kiện một cách linh hoạt cho hệ thống các cơ sở giáo dục đại học đa dạng hơn, tự lựa chọn cho mình mô hình để phát triển”, đại biểu Hùng nói.

Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng đề nghị lưu ý trong việc triển khai, thành lập các đại học, những văn bản dưới luật cần chi tiết rõ về điều kiện, tiêu chí cụ thể để bảo đảm cho yêu cầu đại học là những cơ sở giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực có quy mô, chất lượng mạnh.

Nếu không làm được điều đó, có thể tình trạng nở rộ các đại học sẽ làm rối loạn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Phản hồi lại ý kiến của các đại biểu, ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) cho biết, hiện nay trong luật quy định hai mô hình:  trường đại học và nhóm trường hay tổ hợp trường đại học. Hai mô hình này đều tồn tại trên thế giới và nhiều trường lớn cũng nằm trong hệ thống.

Luật kỳ này công nhận 2 vấn đề, đại học có thể có trường thành viên mà cũng có thể là những trường đơn giản, chưa phải trường thành viên. Do đó, các trường có thể thành lập các trường con để trở thành đại học hoặc sáp nhập các trường lại. Đây cũng là mô hình rất cần thiết để chúng ta sáp nhập các trường nhỏ kết hợp với nhau để thành một trường lớn”, ông Bình nói.

 

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai): Tôi đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu của cơ quan soạn thảo về dự thảo Luật Giáo dục Đại học. Có thể nói, sau nhiều lần chỉnh sửa thì dự thảo luật lần này đã tiếp thu khá đầy đủ ý kiến của các đại biểu và đóng góp của các chuyên gia, bổ sung các điều khoản quan trọng liên quan đến phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, góp phần tháo gỡ những vướng mắc làm hạn chế hiệu quả hoạt động của các trường đại học. Các chương, điều liên quan đến tự chủ, trách nhiệm giải trình đã làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các đơn vị quản trị trong cấu trúc nhà trường. Các loại hình đại học công, tư cũng được làm rõ.

Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng): Dự luật đã giải quyết được những vấn đề lớn, giải quyết cơ bản những bất cập, tháo được những nút thắt trong giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội): Điều chỉnh lần này chưa phải là điều chỉnh tổng thể. Trong thời gian sắp tới chúng ta sẽ hình dung đến một điều chỉnh tổng thể, nhưng trước mắt đang phải điều chỉnh những điều cần thiết để hệ thống giáo dục phát triển tương đối, đáp ứng được yêu cầu hiện nay.

Một, làm sao để tăng tự chủ thật sự cho trường đại học. Đó là vấn đề lớn. Ngay cả Luật Giáo dục đại học năm 2012 đã đặt ra vấn đề tự chủ đại học. Nhưng quả thật, chúng ta chưa triển khai được. Thời gian qua, chúng ta đi từ thí điểm nhỏ cho đến lúc có hơn 20 trường làm thí điểm, đến nay đã có được một số kết quả tốt. Vì vậy, bây giờ tạo điều kiện hành lang lớn hơn về pháp lý để phát triển.

Hai, làm sao có điều kiện để phát triển các trường đại học tư thục. Một mặt bổ sung cho năng lực giáo dục đại học nhưng đồng thời sẽ tạo sự cạnh tranh và thúc đẩy hệ thống giáo dục đại học công lập phát triển.

 Thúy Nga