- Tham gia hào hứng tại bàn tròn trực tuyến “những vấn đề giáo dục sau sự kiện đạp đổ cổng trường”, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ hành trình gian nan và những tín hiệu mà ông hy vọng về mô hình mà mình đã theo đuổi trọn đời.

Nhà báo Hoàng Hường: Từ góc độ 1 nhà hoạt động xã hội, một phụ huynh, chị kiến giải sự kiện này như thế nào? Đây có thể coi là một sự kiện xã hội hay không? Và nó nói lên điều gì?

Nhà văn Trang Hạ:
Một cách nghiêm túc thì đấy là một bức tranh toàn cảnh mà chúng ta nhìn thấy. Trước đây, chúng ta chỉ nói về những chiếc phong bao khi chạy trường thôi. Còn giờ đây, phụ huynh không chạy trường bằng phong bao mà bằng chính đôi chân của họ.

Nhiều tờ báo lên tiếng rằng đây là một sự xấu hổ của các bậc phụ huynh cũng như hồi chuông  báo động của ngành giáo dục.

Nhưng tôi thì cho rằng, họ đứng chầu chực ở cổng trường còn hơn là đi bằng những con đường mà không phải xếp hàng, tiền xếp hàng thay cho họ hoặc là quan hệ xếp hàng thay thì dẫu sao họ cũng sòng phẳng với người khác. Họ còn chường mặt ra cho xã hội biết mình là ai.

Các bậc phụ huynh đều có ngành nghề, địa vị khác nhau trong xã hội. Đó là cái nhìn thực tiễn.

Còn hài hước một chút, những trường tốt nhất trên thế giới đều không có cổng trường hoặc cổng trường luôn rộng mở để người học vào giải quyết những yêu cầu, những vấn đề của họ ở trong phòng giáo vụ, phòng hành chính… hoặc là lên mạng rút đơn về.

Chọn học sinh nào, từ chối ai là quyền của trường. Tất cả đều không diễn ra ở cổng trường. Còn ở Việt Nam, những trường tốt nhất Việt Nam nên có cổng trường kiên cố nhất (cười).

Nhà báo Hoàng Hường: Thưa GS Hồ Ngọc Đại, ông có ý kiến gì về kiến giải của Trang Hạ không? Và có điều thắc mắc nữa của rất nhiều phụ huynh, thậm chí có ý kiến cho rằng bây giờ Trường Thực Nghiệm thậm chí đã không cần cổng trường nữa rồi, thậm chí “lõi” của nó cũng không còn nữa. Trường bây giờ chỉ còn cái tên thôi, nội dung đã thay đổi hoàn toàn rồi. Với tư cách là người sáng lập trường, có ý kiến khách quan nhất, ông có thể lý giải cho các phụ huynh giúp người ta nhìn thấy bản chất của vấn đề không?

GS Hồ Ngọc Đại
: Hôm nọ tôi đã nói,  phụ huynh chọn trường này chưa chắc vì tốt nhất, mà chọn vì cho rằng nó đỡ tồi tệ hơn những cái khác.

Tiếng Pháp có câu, giữa hai cái tồi tệ thì chọn cái đỡ tồi tệ hơn thế thôi. Còn thực ra họ đã có kiểm nghiệm gì đâu? Đây là 1 lý do.

Thứ hai, Trường Thực nghiệm thực sự bây giờ với trường của tôi ngày xưa không phải là một nữa.

Giờ nó chỉ có ba lớp, còn chương trình ở ngoài đã ào vào hết. Ào vào cũng có lý do chứ không đơn giản.

Lúc đầu ta định xóa hết, vì lý do nào đó, chắc chắc không phải lý do khoa học.

Nhưng mà nói chung, số còn lại thì phụ huynh cứ vẫn thích. Ít nhất, cái số ấy thì vẫn còn một số giáo viên cũ, và ít nhất chương trình vẫn là chương trình thực nghiệm.

Nhưng chương trình (thực nghiệm) này, ngay cả thời trước với  cách đây 30 năm vẫn có những thay đổi, vẫn có sự vận động, có phát triển.

Năm vừa rồi, Bộ trưởng  Phạm Vũ Luận ra quyết định chính thức đưa phương án của công nghệ giáo dục về địa phương. Nhưng vì Quốc hội ra Nghị quyết số 40 chỉ có một bộ sách toàn quốc nên buộc phải dùng từ “thí điểm”. Nhưng mà “thí điểm” hiện nay có 16 tỉnh và có 50.000 học sinh…

Chỉ cần nếu làm thí điểm thì chỉ cần 1.000 là đáng  tin cậy. Giải pháp đưa ra là giải pháp, khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo thì xuống Chủ tịch UBND Quận ra quyết định, UBND huyện ra quyết định nên làm việc ngon hẳn. Rất ngon!

Tôi chưa bao giờ làm việc thuận lợi như năm vừa rồi. Trước đây làm gì thì chỉ làm với anh Hiển thôi, anh Thành thôi. Anh Hiển là Thứ trưởng, anh Thành là Vụ trưởng, các anh ấy cho phép làm, cùng hỗ trợ.

Trong 3-4 năm nay, khi chỉ có thứ trưởng và vụ trưởng làm, nói chung cũng vất vả, phải thuyết phục. Nhưng khi Bộ trưởng có quyết định thì tình hình khác hẳn.

Tôi thấy khi thực sự chính quyền vào cuộc thì tình hình rất dễ. Mà cũng may, hai anh là anh Hiển và anh Luận phụ trách là hai người thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ “thí điểm” để lách luật.

Khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dám ra quyết định chính thức bằng văn bản, tôi thấy tình hình khác rồi.

Nhân chuyện ấy tôi nói, chúng ta không nên nhận, kể cả anh Tiến, anh Thành, anh Luận… không phải là tác giả của“chương trình 2000”. Chương trình này đã triển khai đã mười mấy năm nay. Những người đó là một bộ phận hoàn toàn khác. Còn các anh là những người chịu một việc đã rồi.

Vấn đề này, phải bàn lại công việc trước đó nữa, cần nói đến nguồn gốc sâu xa nữa. Vụ Tiểu học thực bụng muốn làm. Anh Hiển, anh Luận thực bụng muốn làm. Nhưng cả một hệ thống từ xưa đến nay… Chuyện này, chuyện khác là hậu quả của "Chương trình năm 2000".

Nên nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì. Cần phải nhìn sâu xa hơn nữa mới thấy gốc rễ vấn đề.

Tôi thấy, đây là cơ hội để chúng ta nhìn thấy vấn đề thực hơn, cả phụ huynh, cả người dân nói chung, cả bộ phận quản lý cũng nhìn thấy thực hơn, và Đảng cũng phải nhìn thấy thực hơn là từ chủ trương cách đây lâu rồi.

Nhóm người đó hầu hết đã về hưu hết cả, hoặc có đang chức thì cũng chỉ hời hợt… Những người đương chức hiện nay đều là nạn nhân phải chịu hết. Việc đã hết rồi, thể chế của mình cứ thế mà làm.

Tôi buồn trước sự việc vừa rồi, thực sự, đáng lẽ ra mà nói, học sinh cần được mời mọc, nhất là những chương trình thực nghiệm.

Bây giờ khác hẳn. Ngày xưa, chúng tôi mời học sinh, phụ huynh đến để lấy cứ liệu. Tức là một cơ hộ người ta mang con đến cho mình lấy cứ liệu. Trong số ấy, có những người 10 năm làm luận án tiến sỹ… căn cứ vào cứ liệu ấy 10 năm liền để làm luận án. Sau 10 năm chúng tôi kết luận được trẻ con lớn lên như thế nào? Mục đích là như thế, cho nên chúng tôi không gọi là tuyển sinh mà chúng mời phụ huynh đưa học sinh đến cho chúng tôi đo nghiệm.

Ngày xưa, chúng tôi hỏi, em nào biết đọc biết viết rồi thì sẽ không nhận. Một bí mật không ai biết. Cho nên là hỏi Ngô Bảo Châu, mẹ Ngô Bảo Châu kể lại là đã dặn Ngô Bảo Châu: nếu thầy hỏi gì cũng nói không biết, không biết đọc biết viết gì hết. Bởi chúng tôi cần những em không biết đọc biết viết gì hết. Đó là bí mật nhất.

Cái thứ hai là ốm yếu quá chúng tôi không nhận, quá đặc biệt không nhận. Còn phần lớn nhận cả. Hồi xưa chỉ có con trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ gửi, dân không gửi. Tầng lớp trí thức họ hiểu hơn, họ tin hơn…dân đã tin hơn.

Sau này cứ mở rộng, mở rộng dần ra, mới đầu phụ huynh họ cũng chưa tin. Nhưng khi chương trình năm 2000 càng triển khai, càng bộc lộ tất cả những gì thực chất hơn thì người ta bắt đầu đổ xô vào đây.

Cho nên tôi đã nói, tôi không tự hào gì chuyện này.  Vụ vừa rồi chứng tỏ người dân họ chọn cái ít tồi tệ hơn. Bởi cái tốt hơn họ chưa biết, nhưng cái tồi tệ hơn thì họ thấy hết rồi, nhan nhản hết rồi. Bây giờ cái may ra thì đỡ tồi tệ hơn. Cho nên trong hoàn cảnh ấy chúng ta cần nhìn lại.
Ông Lê Tiến Thành (trái) và Ngô Đình Chất (phải) tại buổi trực tuyến

Nhà báo Hoàng Hường: Từ góc độ của tôi và lắng nghe nhiều bậc cha mẹ khác thì mối lo lắng nhất của phụ huynh thực sự không phải phương pháp dạy như thế nào mà là con họ có được vui vẻ, được hạnh phúc đến trường hay không? Họ có được yên tâm khi đưa con đến trường hay không? Không bị quá nặng nề, quá căng thẳng… khi đưa con đến trường.

Thưa Vụ trưởng Lê Tiến Thành, ông chắc đã biết những lo lắng về học thêm, về áp lực bệnh thành tích… Cũng có thể GS Hồ Ngọc Đại nói đúng, trường thực nghiệm không phải môi trường lý tưởng, nhưng khi trường thực nghiệm đưa ra khẩu hiểu lấy học sinh làm trung tâm, có nghĩa là cho học sinh vui vẻ đến trường, thì phụ huynh cảm thấy cái slogan ấy là cái bám vào khẩu hiệu đó.

Ông có cho đó là nhu cầu ảo hay chính đáng? Ông phân tích nhu cầu đó như thế nào? Bộ có kế hoạch nào nhân rộng mô hình này để thỏa mãn nhu cầu của người dân, nhất là sau sự kiện “cổng trường sụp đổ” vừa qua?


Ông Lê Tiến Thành (Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT):
Chúng tôi nhận thấy bất cứ trường học nào mà học sinh, phụ huynh có nhu cầu vào cũng là một tin vui với trường đó, ít ra họ cũng thành công , cũng có kết quả.

Điều mà bạn vừa nói, mong muốn mang cho trẻ “đến trường là niềm vui” không phải là của riêng Trường Thực nghiệm. Đây là điều tất cả phụ huynh, các thầy cô đều mong muốn, nhưng nó còn phụ thuộc vào điều kiện của mỗi nhà trường.

Còn mô hình Trường Thực nghiệm với những ưu việt của nó, thì có lẽ quan điểm của bộ là rất cởi mở. Không phải chỉ với mô hình trường thực nghiệm ở Trường Thực nghiệm, mà kể cả với những mô hình tiên tiến, có hiệu quả thì Bộ cũng khuyến khích và  tạo điều kiện cho địa phương thực hiện, với điều kiện là địa phương cũng muốn thực hiện. Thí dụ với mô hình của GS Đại, Bộ cũng đã tổ chức đưa GS Đại đến để làm cho người ta…. Vậy thái độ của Bộ là rất thiện chí.

Cho nên, thầy Đại vừa nói là 16 tỉnh nhưng năm nay có thể hơn, 18 tỉnh, 55.000 đến 58.000 học sinh.

Vậy thì lãnh đạo Bộ luôn cởi mở và luôn tôn trọng có thiện chí với bất cứ mô hình tiên tiến nào, như mô hình của các tổ chức quốc tế như Oxfam, Unicef…. và tạo điều kiện để địa phương thực hiện những mô hình có hiệu quả.

Các bạn lên miền núi, có nhưng mô hình để học sinh lớp 1, lớp 2 điều khiển cả một chương trình hoạt động của trường. Bất kỳ mô hình nào tiên tiến, có hiệu quả, Bộ GD-ĐT sẵn sàng tạo điều kiện nhân rộng.

Địa phương có nhu cầu, tự nguyện thực hiện, chính địa phương nhận thấy mình có nhu cầu tham gia thì Bộ không ngăn cản ai mà cũng không ép mà chỉ khuyến khích.

Nhà báo Hoàng Hường
: Thế thì vì sao chỉ có duy nhất trường Thực nghiệm đóng trên địa bàn Hà Nội, nhưng cũng không phải do Sở quản lý? Trong tương lai, chúng ta có thể có những trường khác, cơ sở khác để phụ huynh bớt nóng lòng và bớt xô đổ cổng như sự kiện vừa qua không?
Xin hỏi anh Phạm Xuân Tiến, anh có thể lý giải được tâm lý của những người phụ huynh trong sự việc vừa qua. Liệu có phải vì mô hình thực nghiệm mà họ tin tưởng thế hay không? Hay còn vì những lý do gì khác? Nếu mô hình này người ta đã thích như thế, tại sao lại không thể nhân rộng, ít nhất là ở Thủ đô?


Ông Phạm Xuân Tiến (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội):
Mô hình trường Thực nghiệm ra đời khi tôi chưa làm công tác quản lý giáo dục nên tôi cũng không hiểu lý do vì sao không nhân thêm trên địa bàn Hà Nội. Có thể thầy Đại sẽ nói thêm vì sao Hà Nội chỉ có duy nhất trường Thực nghiệm thuộc Bộ GD-ĐT.

Còn nói về vấn đề, tại sao phụ huynh lại có hiện tượng xếp hàng, chen lấn để lấy đơn? Đứng ở khía cạnh nhà quản lý, tôi cho rằng Trường Thực nghiệm có những thuận lợi nhất định so với các trường công khác trên địa bàn thành phố.

Thứ nhất là do trường có điều kiện cơ sở vật chất, giao thông thuận lợi. Đây cũng là trường không phân tuyến. Phụ huynh ở tất cả quận, huyện, có điều kiện thuận lợi trên đường đi làm, đón con đều có thể đăng ký học.

Nhiều khi, chúng tôi hay nói đùa với nhau, không hiểu những trường không phân tuyến và cũng phát đơn như Trường Thực nghiệm thì không biết sẽ xảy ra điều gì? Bởi vì có những trường số học sinh đăng ký học trái tuyến gấp nhiều lần số học sinh đúng tuyến. Nhưng về mặt nguyên tắc không thể đáp ứng được yêu cầu này.

Tôi nghĩ đó là những khía cạnh lý giải phần nào đó áp lực của trường Thực Nghiệm.

Thứ ba, Trường Thực nghiệm đưa ra phương thức khác với các trường như Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn hay Nguyễn Siêu (đều là các trường tiểu học “hút khách” những năm gần đây – chú thích của phóng viên).

Những trường đó khi tổ chức tuyển sinh, họ phát hành đơn thoải mái, sau đó xét tuyển từ trên xuống dưới theo những điều kiện của họ như chỉ số IQ, sức khỏe…

Trường Thực nghiệm phát đơn luôn luôn hạn chế, cái này cũng có lý giải của nhà trường nhưng theo quan điểm của tôi, người ta đã có nhu cầu thì mình nên đáp ứng còn việc ta đáp ứng được đến đâu lại phải phụ thuộc vào kết quả.

GS Hồ Ngọc Đại: Không đâu anh Tiến, chỉ có năm nay mới hạn chế, còn mọi năm là thoải mái.

Ông Phạm Xuân Tiến: Nếu năm nay hạn chế, thì rõ ràng là do cái hạn chế đó mà tạo ra áp lực, tâm lý chen lấn xô đẩy để lấy bằng được cái đơn. Nếu như năm ngoái thì chắc chắn cái cổng trường không bao giờ bị đổ.

Không biết đó là sáng kiến của ai, nghĩ ra chuyện hạn chế đơn. Bởi vì nếu tôi có con vào lớp 1, có nguyện vọng vào trường Thực nghiệm thì lập tức cũng phải làm như vậy.

Tôi cũng phải chen lấn để lấy bằng được đơn. Vì nhà trường chỉ có 200 cái đơn trong khi có 400 người có nhu cầu chẳng hạn, khi đó đương nhiên tôi cũng phải chen lấn.

Mà cái giải pháp để xếp hàng trật tự là rất khó, bởi vì nó nó không như xếp hàng lên cáp treo để lên Yên Tử hay Hương Tích vì cứ rồng rắn lên mây như vậy.

Yếu tố nữa, tôi từng nói trong nhiều diễn đàn, có nhiều phụ huynh sẽ không hiểu hết trường Thực nghiệm như thế nào nhưng người ta nghe qua phụ huynh học sinh, nghe trên báo chí và đặc biệt Ngô Bảo Châu cũng là 1 sự kiện thì lập tức người ta nghĩ đây sẽ là một môi trường để họ yên tâm gửi con. Rồi khi đi qua thấy cây cối mát mẻ, không gian rộng, đẹp lại có sân vận động thì yên tâm.

Nhà báo Hoàng Hường: Thưa anh Chất, nếu đặt vào cương vị ông Hiệu trưởng trường Thực nghiệm thì anh có kế hoạch tuyển sinh như thế nào? Có cần phải giải thích với người dân để họ bớt áp lực về tâm lý đám đông?

Ông Ngô Văn Chất (Trưởng phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT Hà Nội):
Với góc độ hiệu trưởng, bản thân bất cứ người nào cũng không muốn có hiện tượng xô đổ cổng trường của mình. Tuy nhiên trong cách làm, nhiều khi không thể lường hết được những việc xảy ra.

Như anh Tiến nói, nếu như ở Hà Nội, một số trường cũng cho tuyển sinh một cách độc lập, có tuyên truyền cho phụ huynh rõ thời điểm tuyển sinh, rồi thủ tục, chỉ tiêu, phân tuyến…

Nhưng rõ ràng ở trường hợp này, việc tuyên truyền cho dân, nhiều người như anh Tiến nói có thể là phụ huynh chưa hiểu rõ trường Thực Nghiệm này như thế nào, chương trình như thế nào mà có thể họ chọn theo tâm lý đám đông.

Đấy là một trong những nguyên nhân mà tôi cho rằng cách thức tổ chức của nhà trường nên chăng cần có những tuyên truyền về nhà trường rộng rãi hơn và nên có thời gian để phụ huynh chuẩn bị.

Bản thân tôi thấy là, mỗi trường, mỗi người cụ thể có một cách làm khác nhau, nhưng làm thế nào để tạo thuận lợi cho cha mẹ phụ huynh trong việc tiếp nhận còn nhu cầu của người ta là hoàn toàn chính đáng. Nếu như tôi có con, ai cũng muốn cho con vào học trường tốt theo cái hiểu của người ta.

Muốn phụ huynh tránh được tình trạng chen lấn như thế thì trước hết nhà trường cần có tuyên truyền về môi trường giáo dục của nhà trường, phải cân nhắc về thời điểm, cách thức tuyển sinh để làm thế nào thuận lợi cho học sinh và phụ huynh học sinh để tránh được những bức xúc.

GS Hồ Ngọc Đại: Tiện đây phải nói rõ thêm thế này, tại sao tuyển sinh sớm, là ngày xưa chúng tôi đo nghiệm, đo tất cả các chỉ tiêu để lấy cứ liệu, xem học sinh của mình hàng năm phát triển thế nào, tiến lên thế nào.

 Do đó phải làm trước đi, để người ta yên tâm đi, để người ta đi vào các trường học khác. Khi họ chưa có trường học thì họ mới gửi con đến, chứ khi họ có trường học rồi thì họ không gửi con đến nữa. Chúng tôi làm sớm là vì lẽ đó để họ còn hy vọng, gửi con đến.

Hồi tôi làm, những ai có anh, chị học rồi thì em đương nhiên vào học. Chúng tôi hay nói chị nó đã hy sinh cho trường thực nghiệm thì em nó cũng phải được hưởng cái thành công do chị nó mang lại. Mỗi người chịu thiệt 1 tí, anh chị nó chịu thiệt rồi thì em nó được hưởng. Sau học trò cũ có con thì phải nhận.

Nhưng sau này học sinh cũ đông quá. Hiệu trưởng lại còn phải xử lý những thư tay, cân nhắc như cháu PCT UBND tỉnh, huyện TP, quận, cháu một ông ủy viên Bộ Chính trị không nhận à? Phải nhận chứ. Cái đó không thoát được đâu. Ở đời mà, người ta tin cẩn vào mình nên người ta có con, có cháu mới gửi, nhân tình thế thái mà.

Mọi năm nó khác, nhưng không hiểu năm nay lại phát có 200 đơn. Nhân đây, tôi cũng nói luôn là cái lớp 1 phải được đón tiếp rất niềm nở, tự nguyện, Cả đời lần đầu tiên đi học, nó phải được đón tiếp rất trịnh trọng chứ không đơn giản là chỉ nhận nó vào.

Ông Phạm Xuân Tiến: Các trường ngày khai giảng bao giờ họ cũng tổ chức một cái màn đón hs lớp 1. Hiệu trưởng, hiệu phó ra đón, cầm hoa tặng các em và các cô giáo dắt các em vào. Bao giờ ngày khai giảng cũng có chương trình đón em vào lớp 1, còn ở đây thì chưa đón.

(còn tiếp)

  • Thực hiện: Kiều Oanh - Hạ Anh - Hoàng Hường
  • Ảnh: Kiên Trung