- Trao đổi với VietNamNet về câu chuyện "giáo viên tiếp khách", bà Nguyễn Vân Anh cho rằng đừng nhìn chuyện này như một điều không thể bước qua được mà phải xấu hổ, che giấu đi hay làm cho dư luận lắng xuống rồi mọi chuyện lại được ém nhẹm.

Bà Nguyễn Vân Anh là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA).

"Những giá trị nhân văn không chạm được tới họ"

Thưa bà, câu chuyện chính quyền thị xã Hồng Lĩnh điều giáo viên đi tiếp khách có phải là trường hợp cá biệt?

Theo quan sát của tôi, và ý kiến của nhiều người trong cuộc thì chuyện này không hiếm. Vì khá phổ biến cho nên những người trong cuộc không nghĩ rằng mình có gì sai.

Thế nên, họ mới đưa ra khái niệm rất “hùng hồn”: Đây là vinh dự, là nhiệm vụ chính trị,v.v...

Tôi cảm thấy thương những người coi những hành vi sàm sỡ, khua khoắng tay chân - những hành vi không chuẩn - là chuyện bình thường", bởi kiến thức của họ về những điều tối thiểu là rất hạn chế. 

Những giá trị nhân văn, sự tôn trọng, nhân phẩm  dường như không chạm vào được họ. Người thành công trong quan lộ không thể chỉ là người biết điều hành công việc tốt mà phải có những hiểu biết về các giá trị căn bản của con người. Tiếc rằng...

Ở góc độ giáo dục, tôi thấy đây là một cơ hội vô cùng tốt cho việc Bộ trưởng phải nhìn nhận quan điểm về giới của mình, để tránh trở nên lạc hậu. Có sự cố xảy ra, chúng ta mới giật mình nhìn lại. Giáo dục đâu chỉ là thành tích, nói đúng hơn không thể chỉ là thành tích. Nói thế lại thấy buồn!

Những người đàn ông quen với việc làm sếp có thể điều động phụ nữ phục vụ nhu cầu mang tính giải trí cần phải xem lại bản thân mình (vâng, dĩ nhiên người ta không dễ xem lại bản thân mình)Nhưng vấn đề thiết thân là ở chỗ, nếu muốn được coi là người tiến bộ và muốn được tôn trọng, thì cũng phải học , ở đây là học tôn trọng phụ nữ đúng cách. Tôi nói đúng cách vì có thể nhiều người nghĩ thế là tôn trọng đấy, vinh dự cơ mà.

Có lẽ chúng ta phải đặt lại vấn đề -  dù không mới  - về vấn đề nhân phẩm, sự tôn trọng.

...

Người thành công trong quan lộ không thể chỉ là người biết điều hành công việc tốt mà phải có những hiểu biết về các giá trị căn bản của con người.

Người ta đã quá quen với việc này nên không còn thấy là vấn đề gì ở đây. Nhưng rất may mắn là báo chí, internet, mạng xã hội cũng không để họ đàn áp người khác một cách quá lạc hậu như thế.

Điều tôi lo là những giáo viên trong cuộc. Họ sẽ phải đối mặt với sự bẽ bàng của sếp mình như thế nào? Bởi những người đó vẫn có quyền lực trong việc quyết  định các vị trí tồn tại, đồng lương của các cô giáo. Bây giờ, người ta sẽ xử lý như thế nào? Sẽ nhìn nhau như thế nào đây.

Tôi có một cảm giác nữa là tất cả các nữ giáo viên, kể cả có chức quyền hay không đều sẽ cảm thấy bị tổn thương khi sự kiện này bùng phát.Tôi nghĩ những người tự trọng đều cảm thấy tổn thương và đau lòng.

"Hãy đặt vào vị trí vợ, con mình"

Bà có nghĩ rằng câu chuyện "giáo viên tiếp khách" bùng lên rồi sẽ lắng xuống, hiện tượng quá quen vẫn đâu vào đấy? Làm thế nào để không rơi vào lãng quên?

Tôi nghĩ báo chí, những người làm công tác xã hội cũng như những người có chức năng nhiệm vụ phải lên tiếng. Chúng ta có hẳn Vụ Bình đẳng giới, Vụ Gia đình, Bộ GD- ĐT,… đều là các cơ quan quản lý.

Khoan dung hơn một chút, tôi nghĩ: Chúng ta có thể hiểu được cái sai trong một giai đoạn quá độ mà những mẫu hình cũ, cách làm cũ ,quan niệm cũ vẫn đang tồn tại.

Và nếu như Bộ GD-ĐT cũng như các vị quan chức nam giới thấy rằng điều này được nhận thức, có cơ hội để nhận thức thay đổi. 

Đừng nhìn chuyện "giáo viên tiếp khách" như một điều mà chúng ta không thể bước qua được mà phải xấu hổ, che giấu đi hay làm cho dư luận lắng xuống rồi mọi chuyện lại được ém nhẹm.

Chúng ta có thể thay đổi. Tôi nghĩ không bao giờ là quá muộn.

Hãy thử đặt vị trí những người phụ nữ đấy là con gái, vợ của mình, các ông có chấp nhận điều đó không?

Hãy coi mỗi một người dân, người dưới quyền như là con, em, vợ mình thì chắc các ông sẽ không xử sự như vậy. 

 Trong giới giáo viên, có những người đã từng trải qua những cách đối xử, đối đãi coi thường nhân phẩm, bị điều động vào những chuyện ngoài chuyên môn. Một số ít người đã lựa chọn quyết định ra đi, từ bỏ nghề giáo. Phải chăng những người ở lại không còn cách nào khác ngoài việc đành chấp nhận sự điều động như thế. Có cách nào khác trong tình huống giáo viên tiếp khách ngoài ý muốn?

Có rất nhiều cách xử lý tình huống. Nếu thấp cổ bé họng và cũng không đủ bản lĩnh để chống lại thì chuyện ấy rất khó. 

Nhưng nếu như tất cả các cô đều có dũng khí là "lẽ phải thì luôn được bênh vực", chỉ có điều đôi khi phải đấu tranh, phải mất thời gian - bằng cách mềm dẻo hoặc cứng rắn, có thể bằng thương lượng hoặc giáo dục - thì sẽ thấy rất nhiều cách để thoát ra.

Tuy nhiên, cũng nhiều người bị lệ thuộc, yếu đuối rồi hoảng sợ nếu có thể bị mất việc, thậm chí là vừa mất việc vừa bị sỉ nhục thì họ sẽ rất khó lựa chọn. 

Khi mà vẻ đẹp hình thức của phụ nữ đang được coi như là công cụ để giải trí hoặc mua bán, thì những hành vi lạm dụng mối quan hệ gần gũi để dùng nó để đạt được điều gì đó cũng cần được xếp vào hành vi xâm hại tình dục.

Một người tận dụng thân thể của bạn để cho người khác dù chỉ là ngắm thôi, đem bản thân bạn ra để làm vật trao đổi dù chỉ là để lấy sự hài lòng của cấp trên thì cũng là vị phạm quyền, xúc phạm nhân phẩm của con người.

Là người đã "ra đi" từ ngành sư phạm để chuyển qua nghề báo, rồi trở về với "giáo dục" qua các hoạt động xã hội, bà thấy hiện tượng giáo viên bị quan chức điều động vào những hoạt động ngoài chuyên môn như vậy để lại di hại gì cho giáo dục?

Chúng ta coi việc điều giáo viên nữ trẻ đẹp đi tiếp khách và chấp nhận các hành vi, lời nói quấy rối tình dục (phải gọi cho đúng từ) là bình thường, thì chúng ta đang dạy gì cho con trẻ về nhân phẩm, về tôn trọng, về bình đẳng giới?

Nền giáo dục mà những người đang đứng lớp còn bị coi như món đồ giải trí miễn phí khi cần thì nó sẽ như thế nào? 

Có thể tôi hơi nặng lời, nhưng tôi nghĩ nó là cần thiết. Bởi đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn gọi đúng tên của những vấn đề còn đang được che giấu, nếu chúng ta thực sự muốn phát triển như một đất nước văn minh và tiến bộ

Tôi tha thiết kêu gọi tất cả nam giới, hãy ngưng ngay những suy nghĩ và hành động coi phụ nữ là công dân hạng hai, chỉ đáng để sử dụng và bạo lực. Không phụ nữ nào đáng bị ép tiếp khách say rượu, bị ép phải vui vẻ vinh dự với việc bị sàm sỡ. Không một ai đáng bị như vậy, không chỉ các cô giáo.

Tôi cũng mong phụ nữ hãy mạnh mẽ thể hiện quan điểm của mình, đừng sợ hãi, hãy lên tiếng để nam giới cùng thay đổi. Vì suy cho cùng, chúng ta mong cho nhau tốt lên, yêu thương tôn trọng nhau vì một xã hội tốt đẹp.

Không có lỗi lầm nào là không thể thay đổi, trừ khi nó bị giấu nhẹm hoặc bao biện.

Xin cảm ơn bà!
  • Hạ Anh (Thực hiện)

...

Giáo viên hiện đang làm một số việcngoài chuyên môn như tham gia lễ tân, thu bảo hiểm y tế, và "các việc khác được giao phó". Theo ông, điều này cần được giải quyết ra sao?

 

PGS Trần Hữu Tá: Theo tôi, người giáo viên cũng như cán bộ các ngành khác, có thể tham gia một số hoạt động xã hội, nhưng phải chấp nhận được như lao động xã hội chủ nghĩa, tham gia bầu cử…

 

Những chuyện giáo viên bị điều đi tiếp khách thật xa lạ với giáo viên. Nếu làm sẽ ảnh hướng tới thời gian eo hẹp của họ, dẫn đến việc họ không thể lo công việc chuyên môn, không thể soạn bài, chăm sóc học sinh cá biệt…

 

Tôi đồng ý có thể mời giáo viên tham gia một số hoạt động xã hội nhưng phải tính toán hợp lý, thỏa đáng, chứ không phải huy động một cách bừa bãi.

 

Theo ông, cần phải làm gì để giáo viên "nói không" với cách đối xử với bản thân, với nghề nghiệp của mình khi không được tôn trọng?

 

Bản thân người giáo viên yếu đuối lắm!

Từng cá thể giáo viên càng yếu đuối hơn, tiếngnói ngành giáo dục cũng có trọng lượng rất nhẹ. Nếu bảo rằng cá nhân giáo viên, tập thể nhà trường, ngành giáo dục của Phòng, Sở phản ứng sẽ “không ăn thua”

 Phải có sự can thiệp quyết liệt, nghiêm chỉnh, đúng nguyên tắc của Tỉnh ủy, UBND,nếu Đảng và Chính quyền buông lơi chuyện này sẽ không lường được hậu họa."

  • Lê Huyền (Ghi)