- Ngành GD-ĐT Nghệ An đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề. Tuy nhiên, việc vận động học sinh sau THCS vào học nghề trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn.

{keywords}
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Nhiều trường bất lực...

Ông Đặng Công Thân, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (Hưng Nguyên) cho biết, năm học 2011-2012, Hưng Nguyên có 96% số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS, 80,5% trong số đó vào học THPT; riêng trường ông tốt nghiệp đạt 97% và 62% số học sinh tốt nghiệp vào học THPT.

Nhà trường không nắm được chính xác một cách tuyệt đối, nhưng biết một số học sinh không vào học THPT, đã vào học bổ túc THPT, còn phần lớn vào Nam tìm kiếm việc làm chứ không có học sinh nào theo học trường nghề. Về công tác phân luồng học sinh sau THCS, nhà trường đang bất lực.

Thực tế, nhà trường đã thành lập ban chỉ đạo hướng nghiệp, tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tổ chức dạy nghề phổ thông cho học sinh, nhưng chưa làm được gì nhiều với cha mẹ các em về vấn đề phân luồng.

Cuối năm học lớp 9, em nào cũng có nguyện vọng học lên THPT, không em nào chịu đi học nghề. Dù đã tuyên truyền, định hướng cho các em; mời cha mẹ những học sinh thuộc diện có khả năng không đậu vào trường THPT đến trao đổi, song chẳng ăn thua gì”.

Ở thành phố Vinh, việc vận động học sinh sau THCS vào học nghề cũng khó khăn không kém. Theo ông Ninh Viết Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Dũng, công tác phân luồng học sinh sau THCS ở TP gần như “tắc”.

Trước khó khăn đó, trường đã trăn trở tìm hướng khắc phục. Vào khoảng tháng 3 hàng năm, sau khi có kết quả sơ kết học kỳ 1, trường mời học sinh, cha mẹ của học sinh khối lớp 9 có học lực yếu, kém lên trao đổi, định hướng cho các em đi học nghề, phân tích cho các em hiểu rằng, với khả năng của mình, các em không thể đậu vào các trường THPT, trong khi đó, cũng khoảng thời gian 3 năm học nghề, các em vừa có bằng bổ túc THPT, vừa có bằng nghề.

Đến tháng 4, trường phối hợp với một số trường nghề, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Vinh đến tư vấn, hướng nghiệp cho các em, làm cho các em thấy được các chính sách ưu tiên khi học nghề, cơ hội việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề...

Bằng cách làm này, năm học 2011-2012, toàn trường có 5 em tự nguyện không thi vào lớp 10 mà đăng ký đi học nghề. Dự kiến năm học này, số lượng học sinh lớp 9 đăng ký đi học nghề sẽ tăng thêm một vài em so với năm ngoái.

Để đẩy mạnh phân luồng học sinh, ngành GD-ĐT Nghệ An đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề. Sở GD-ĐT Nghệ An đã ban hành công văn số 670 về công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS và THPT...

Tuy nhiên, đến nay công tác phân luồng học sinh sau THCS vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nhà tuyển dụng vẫn trọng bằng cấp

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Nghệ An, bình quân hàng năm, tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn tỉnh chiếm trên dưới 75% số học sinh tốt nghiệp THCS.

Riêng năm học 2012-2013, có 34.462 em được tuyển vào lớp 10 THPT, chiếm 74,75% và 1.625 em vào học lớp 10 bổ túc THPT, chiếm 3,5% số học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2011-2012. Số còn lại, tỷ lệ theo học tại các trường TCCN không được bao nhiêu.

Hiện tại, Nghệ An có 5 trường TCCN, nhưng tổng cộng tất cả các khoá của tất cả các trường, cũng chỉ có 157 học sinh tốt nghiệp THCS theo học (riêng năm học này, chỉ có 17 em).

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, trưởng Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Nghệ An), trở ngại lớn nhất hiện nay của việc phân luồng học sinh sau THCS là trả lời cho các em hai câu hỏi “Học nghề gì? Học xong xin vệc làm ở đâu?”.

Rồi vấn đề tâm lý muốn thoát ly lao động chân tay, nhiều học sinh bất chấp năng lực của mình, không tính đến nhu cầu xã hội mà chỉ theo mong muốn của cha mẹ, theo bạn bè mà nạp đơn đăng ký thi vào ĐH. Chỉ một số rất ít, bí quá mới đi học nghề.

Mặt khác, các trường nghề đang đào tạo theo thị hiếu người học mà chưa quan tâm đến những nghề xã hội cần, nên học sinh học nghề xong, nhiều em không xin được việc làm. Nhiều nhà tuyển dụng lao động vẫn đang coi trọng bằng cấp, rất hiếm nơi tuyển dụng người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp.

Trước thực tế đó, rất khó lòng thuyết phục và hướng nghiệp cho học sinh vào các trường TCCN, các trường nghề. Bên cạnh đó, công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông lại yếu kém do thiếu đội ngũ cán bộ, giáo viên am hiểu về tâm lý, về nhu cầu lao động xã hội. Nhiều trường lại chưa quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp, thiếu sự phối hợp với các lực lượng xã hội có liên quan để đẩy mạnh công tác này.

Việc phân luồng học sinh sau THCS là một yêu cầu cấp thiết.

Thế nhưng, nếu để giáo dục đơn độc một mình, việc nói phân luồng học sinh sau THCS chỉ là để mà nói chứ không thể có hiệu quả như mong muốn.

  • Minh Đức