Tháng 5 năm 2012, 9 học sinh trường công ở California, Mỹ đã đệ đơn kiện tiểu bang California. Họ tin rằng mọi đứa trẻ ở bất kỳ khu vực nào trên khắp nước Mỹ đều xứng đáng được học những giáo viên giỏi.

{keywords}
9 học sinh trường công tới từ các thành phố khác nhau của tiêu bang California là những người đệ đơn kiện chính sách biên chế của tiểu bang này

Kate, Brandon, Julia, Daniella, Elizabeth, Beatriz, Herschel, Clara Grace và Raylene tới từ những thành phố và thị trấn khác nhau trên khắp tiểu bang California. Họ cũng có những ước mơ và đam mê khác nhau. Nhưng tất cả họ đều có ít nhất một điểm chung: mong muốn một nền giáo dục tốt và một cơ hội công bằng để học tập, phát triển và thành công.

9 học sinh này cho rằng chính sách ký hợp đồng vĩnh viễn (tạm gọi là biên chế) cho giáo viên California trước khi đánh giá mức độ hiệu quả của giáo viên đó đang gây hại cho học sinh nghèo và học sinh dân tộc thiểu số.

Khi giáo viên đã ký biên chế, luật biên chế khiến cho các nhà quản lý gần như không thể sa thải một giáo viên không đủ năng lực. 

Bên nguyên đơn cũng chỉ trích đạo luật “vào sau, ra trước” khiến ban quản trị các trường buộc phải sa thải những giáo viên ít kinh nghiệm nhất nhằm cắt giảm ngân sách.

Tại phiên tòa vào năm 2014 tại Tòa án cấp cao Los Angeles, bên nguyên đơn đã đưa ra các bằng chứng cho thấy những đối tượng học sinh thiệt thòi như học sinh nghèo, dân tộc thiểu số có nhiều nguy cơ phải học những giáo viên “kém hiệu quả” hơn, và đây chính là hệ quả của những đạo luật khiến các nhà quản lý rất khó khăn trong việc sa thải những giáo viên này.

Trên lý thuyết, các giáo viên của California sẽ được ký biên chế sau 2 năm. Nhưng trên thực tế, họ sẽ được chuyển sang chế độ này chỉ sau 16 tháng. Ở Mỹ, có 32 tiểu bang cấp biên chế sau 3 năm, 9 bang cấp sau 4-5 năm và 4 bang không có chế độ biên chế.

Do đó, khi các giáo viên năng lực kém hoặc không chú tâm vào giảng dạy nhưng đã có biên chế thì các thủ tục sa thải họ rất phức tạp và tốn kém. Qúa trình này có thể kéo dài tới 10 năm và tốn khoảng 450.000 USD. Tòa án xét xử đã gọi quyền sa thải này là “ảo tưởng”. Mỗi năm chỉ có khoảng 2 giáo viên bị sa thải vì không đạt yêu cầu – tương đương 0,0007% trong tổng số 277.000 giáo viên của California.

Những giáo viên năng lực kém sẽ được luân chuyển từ trường này sang trường kia. Một khía cạnh khác của hệ thống biên chế là những giáo viên được tuyển dụng gần nhất sẽ là những người đầu tiên bị sa thải khi có yêu cầu.

Điều này càng khiến xu hướng giáo viên không đủ năng lực trong các trường tăng mạnh. Những giáo viên này chắc chắn sẽ được điều chuyển đi dạy ở các trường đang thiếu giáo viên nhất. Và phần lớn những trường thiếu giáo viên lại là những trường có số lượng học sinh dân tộc thiểu số và thu nhập thấp cao.

Các nghiên cứu cho thấy rằng chất lượng giáo viên là thành tích học thuật quan trọng nhất để đánh giá một ngôi trường. Đó là lý do tại sao có sự chênh lệch về thành tích học tập của học sinh giữa các trường. Sự chênh lệch này đặc biệt nhìn thấy rõ ở những học sinh xuất thân từ gia đình có nền tảng giáo dục thấp. Chỉ một giáo viên năng lực kém có thể làm hỏng một năm học tập của nhiều học sinh. Tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ tốt nghiệp của những học sinh này sẽ thấp hơn. Thu nhập sau này của các em cũng thấp hơn những học sinh không phải học giáo viên kém tới 250.000 USD.

{keywords}
Vụ kiện kết thúc với phần thắng không thuộc về 9 học sinh dũng cảm nhưng đã đặt ra một câu hỏi đáng lưu tâm với hệ thống giáo dục California nói riêng và các tiểu bang khác có chính sách biên chế nói chung

Đến năm 2014, thẩm phán tòa Los Angeles – ông Rolf Treu xác nhận lập luận của bên nguyên đơn về việc chính sách biên chế gây ảnh hưởng tới những học sinh nghèo và học sinh dân tộc thiểu số. Ông Treu yêu cầu các đạo luật về biên chế, thâm niên và sa thải phải chấm dứt.

Tuy vậy, sau đó, phán quyết của tòa án phúc thẩm California đã lật lại phán quyết của tòa Los Angeles. Thẩm phán tòa phúc thẩm - ông Roger Boren cho biết bên nguyên đơn “cuối cùng đã thất bại trong việc chứng minh rằng bản thân đạo luật này khiến cho một đối tượng học sinh nào đó có khả năng được dạy bởi những giáo viên “hiệu quả kém” nhiều hơn những đối tượng học sinh khác”.

“Các nhà quản lý – chứ không phải là đạo luật này – là người quyết định cuối cùng việc các giáo viên được chỉ định dạy ở khu vực nào” – ông Boren viết.

Sau đó, 9 học sinh bên nguyên đơn được đại diện bởi nhóm vận động Students Matter – cho biết sẽ tiếp tục đệ đơn kháng cáo lên Tòa án tối cao California.

Vào thời điểm đó, ông Michael Rubin – luật sư đại diện cho 2 liên đoàn giáo viên lớn nhất bang trong vụ kiện này – đã nói rằng, phán quyết của tòa phúc thẩm dựa trên các nguyên tắc pháp lý đã được xác lập rất rõ ràng và không cần đến Tòa án tối cao để giải quyết vụ kiện này.

Tháng 8/2016, Tòa án tối cao California thông báo từ chối xem xét vụ kiện kéo dài hơn 4 năm, đóng lại một chương hỗn loạn trong cuộc tranh luận về chính sách biên chế mà các giáo viên trường công của bang này đã được hưởng trong suốt nhiều năm qua.

Quyết định này đồng nghĩa với việc các đạo luật liên bang vẫn đảm bảo giáo viên sẽ có biên chế sau 2 năm đứng lớp, những giáo viên lâu năm nhất sẽ được che chở và việc sa thải những giáo viên năng lực kém sẽ mất một quá trình dài.

Vụ kiện Vergara – California thu hút sự quan tâm của dư luận toàn nước Mỹ không chỉ bởi nó là vấn đề gây tranh cãi, mà còn vì các liên đoàn giáo viên quốc gia xem vụ kiện này như một thách thức với các đạo luật biên chế của các bang khác. Ngoài vụ kiện ở California, những vụ kiện tương tự cũng từng xảy ra ở New York và Minnesota.

Tuy nhiên, sâu xa của vụ kiện này là một câu hỏi gây nhiều bất hòa: Hệ thống giáo dục của bang có thể phân biệt được giáo viên giỏi và giáo viên tồi hay không?

  • Nguyễn Thảo