Trong tập đặc biệt của chương trình truyền hình thực tế “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” phát sóng tối ngày 18/11, lớp học của cô Nga – giáo viên Lịch sử của một trường THPT ở Vĩnh Phúc đã được phân tích trên sóng truyền hình.

Cô Nga đăng ký tham gia chương trình với tinh thần rất cầu thị: Muốn thay đổi bản thân để mỗi giờ lên lớp sẽ không còn là những chán nản, bế tắc, buồn bực.

Tôi vẫn có thể tiếp tục như thế này, nhưng 20 năm sau khi về hưu, tôi sẽ cực kỳ hối hận vì dấu ấn nghề nghiệp của mình hầu như không có gì ngoài một vài giải thưởng, bằng khen” – cô nói.

Những bài giảng của cô Nga được đánh giá là chuẩn bị chu đáo, kiến thức phong phú, đa dạng, thu hút được sự chú ý của học sinh. Khi xem lại những hình ảnh của mình trong lớp học, cô đã hài hước ví mình trông giống “gà chọi” vì cách giảng bài và nói chuyện tương đối “mạnh mẽ”.

Tuy nhiên, ngoài sự “mạnh mẽ” đó ra, những cử chỉ, lời nói nặng nề hơn của cô trong lớp học được các chuyên gia tâm lý nhận xét là “thiếu tôn trọng” học trò.

Hình ảnh thường thấy của cô trong lớp học là khoanh tay. Cô gọi học sinh đứng lên hay ngồi xuống chỉ bằng một cái vẩy tay. Trong những trường hợp không hài lòng với học sinh, cô đã buông ra những lời gây tổn thương các em.

Cô từng nói trước lớp: “Đi học chỉ như trả nợ cho bố mẹ, cô giáo ốm mừng như bắt được vàng – đấy là biểu hiện của những đứa trong tương lai sẽ thất bại”.

Giải thích cho thái độ của mình, cô Nga nói “khi tiếp xúc với những học sinh mà chữ Quốc ngữ đọc cũng không chuẩn thì cũng tương đối khó để dịu dàng”.

Một trong những khó khăn với cô là sự bất lực về chuyên môn. “Khi giảng cho các em về một vấn đề, các em lắng nghe rất chăm chú, nhưng đến khi kiểm tra hỏi đúng nội dung đó thì rất nhiều em không biết”.

Cô thừa nhận, những căng thẳng ở trên lớp khiến cô còn mang cả sự bực tức về nhà với con. Trước trường hợp này, TS. Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch hội đồng quản trị Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng: “Thầy cô là người truyền cảm hứng, là người thay đổi học trò, nhưng trong trường hợp của cô Nga, học trò lại đang thay đổi chính cô”.

Nhận xét về hành xử của cô Nga trong lớp học, PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, ĐH Sư phạm Hà Nội nói: “Tôi thực sự “sốc”, vì bị bóc mẽ, bị chỉ trích, bị ví von, đôi khi còn cảm thấy mỉa mai. Tôi cảm thấy không được tôn trọng”.

Cô Nga thừa nhận sau khi xem lại: “Nếu mình bị nói như thế thì mình cũng tổn thương. Điều đó làm mình không hạnh phúc và học sinh của mình cũng vậy”.

“Mình đã đi con đường sai rồi” – cô rơi nước mắt khi thừa nhận điều này.

Ban cố vấn của chương trình đã đặt ra cho cô Nga một số nhiệm vụ: chào hỏi học sinh trước mỗi tiết học, không khoanh tay khi giảng bài, không nói những lời gây tổn thương cho học sinh.

Mặc dù có nhiệm vụ cô Nga vẫn còn cảm thấy “chưa quen” và thực hiện chưa được như kỳ vọng, nhưng cô giáo Lịch sử đã rất cố gắng để thay đổi những thói quen và thành kiến của mình với học sinh. Kết quả nhận được rất khả quan. Cô đã bỏ được thói quen khoanh tay trong giờ giảng và đã có cách hành xử nhẹ nhàng, biết cách khuyến khích, khen ngợi học sinh đúng lúc.

Sau một khóa học với các cố vấn chương trình, cô áp dụng những điều đã được học vào lớp học của mình. Các học trò đã nhận xét cô hay cười hơn, biết lắng nghe hơn, và không cáu gắt như trước nữa.

Sau một lần dự giờ lớp học ở Thủ đô, cô nhận thấy những học sinh ở đây rất tự tin, năng động và sáng tạo. Không khí thân mật, gần gũi giữa thầy cô và học sinh của lớp học này là điều cô Nga ngưỡng mộ và muốn học hỏi.

Tuy nhiên, cô vẫn chưa tự tin về việc những học trò ở nông thôn của mình có thể làm được điều này.

Có một điều mà cô Nga vẫn luôn trăn trở, đó là sự mâu thuẫn giữa không khí thoải mái trong lớp học và áp lực chất lượng, lượng kiến thức mà các em nhận được.

Cô tiếp tục tự thân thay đổi, đưa những hình thức học tập mới vào trong lớp học của mình: chơi trò chơi, thuyết trình, tranh luận. Lớp học của cô Nga trở nên vui vẻ, sôi động khác hẳn với không khí trước đây. Thế nhưng, theo nhận xét của các em, lượng kiến thức thu nhận được không hề giảm so với những giờ học trước.

Có thể hiện tại lớp học của cô Nga vẫn còn những khó khăn, thách thức trong mỗi bài giảng, nhưng những việc mà cả cô và học trò của mình làm được là không thể phủ nhận. Cô chia sẻ, sau 9 tháng tham gia chương trình và nỗ lực thay đổi, cô đã tìm được những “người bạn học trò” thân thiết mà đôi khi có thể chia sẻ được với các em những điều mà cô không thể chia sẻ được với gia đình mình.

Theo khảo sát kín của chương trình với lớp học của cô Nga sau 9 tháng, đã có 30 học sinh đồng ý rằng cô giống như là một người mẹ của các em.

“Thầy cô chúng ta đã thay đổi” là chương trình truyền hình thực tế dành cho các giáo viên trên toàn quốc. Đây là chương trình đào tạo, huấn luyện với mục đích giúp các giáo viên vượt qua những khó khăn mà họ phải đối mặt trong môi trường sư phạm.

Trong khoảng thời gian gần một năm, với những kỹ năng phân tích và huấn luyện, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của chương trình sẽ giúp các giáo viên hiểu rõ hơn về bản thân, hiểu hơn về các em học sinh cũng như nhận thức rõ về ưu điểm, hạn chế trong phương pháp giảng dạy và cách thể hiện tình cảm đối với chính những học sinh của mình.

Nguyễn Thảo (Clip: VTV7)