- 60 tuổi sắp sửa nghỉ hưu, thầy Lê Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) vẫn đầy tâm huyết trong từng lời nói, ánh mắt khi nói về đổi mới giáo dục.

{keywords}
Thầy Lê Đức Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Thanh Hùng.

Vào nghề năm 1978, công tác đến nay đã gần 40 năm, thầy Dũng nở nụ cười mãn nguyện khi bộc bạch tình yêu trẻ là động lực lớn nhất để theo đuổi nghề giáo đến giờ phút này.

Tôi gặp thầy tại Hà Nội trong buổi lễ vinh danh những thầy cô tâm huyết, sáng tạo với nghề vừa diễn ra tuần trước.

Ấn tượng về thầy là một người dễ gần, vui tính pha chút dí dỏm:

“Bây giờ, nếu thả tôi vào lớp hay cho tôi một tiết dạy có lẽ nhiều học sinh kêu tôi bằng ông rồi, nhưng không sao, điều quan trọng là làm sao cho chúng nó luôn cười, tươi vui”, thầy Dũng nói rồi cười tít mắt.

"Giáo viên: Không giỏi nhất thì cố gắng làm người mới nhất"

Thầy Dũng khiêm tốn cho rằng vì lễ tuyên dương tôn vinh sự sáng tạo đổi mới nên mới có mặt tại đây, bởi so với thành tích của các trường khác trong tỉnh Đồng Nai thì “anh em chúng tôi không phải là dẫn đầu”.

Theo thầy Dũng, có lẽ được tuyên dương vì Sở GD-ĐT nhìn nhận rằng, trong những điều kiện khó khăn nhất định, trường của ông vẫn tìm được những điểm tích cực của mô hình trường học mới để không chỉ dạy học hiệu quả mà còn nhận được sự đồng thuận của phụ huynh.

Tôi vẫn nói với các anh em giáo viên của trường rằng, hoặc mình phải là người giỏi nhất, không thì phải là người mới nhất. Giỏi nhất thì khó nhưng cố gắng làm người mới nhất, nhưng muốn như vậy thì mình phải là người sáng tạo”.

Trường Tiểu học Xuân Đường được các trường đánh giá cao với hình thức vận dụng một số điểm tích cực của mô hình trường học mới (VNEN) vào trong hoạt động giáo dục. Một cách nôm na dễ hiểu theo thầy Dũng là nắm tinh thần của phương pháp và tận dụng những điểm mạnh, còn những thứ quá hình thức có thể bỏ qua.

“Trong một lớp học sẽ có 3 nhóm đối tượng. Đối tượng thứ nhất là nhóm trẻ tiếp thu nhanh, thứ hai là vừa đủ tiếp thu khi thầy cô nói đến đâu thì hiểu đến đó, còn thứ ba là nhóm tiếp thu kém. Chúng tôi vận dụng điểm tích cực của mô hình trường học mới có sách giáo khoa soạn bài học sẵn, học sinh giỏi có thể tự đọc để làm bài, còn những em không tự học được thì giáo viên tập trung hỗ trợ. Do đó giáo viên thực tế chỉ làm việc vất vả với 1/3 học sinh trong lớp, số còn lại chỉ định hướng rồi kiểm tra và cho các em kiểm tra lẫn nhau”, thầy Dũng kể về cách làm của trường mình.

Thầy Dũng cũng thừa nhận trong 2 năm đầu việc quản lý lớp học cũng đầy vất vả nhưng đến nay bản thầy thầy có thể tự tin rằng trường mình đã làm được điều này khá hiệu quả.

Ngoài kiến thức, trẻ còn được có thêm những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, bố trí, phân chia công việc.

Thấy chúng tôi vẻ nghi ngại khi mô hình trường học mới đang gặp phải nhiều phản ứng trái chiều, lại nhảy vào điểm nóng đó để tìm sáng kiến, thầy Dũng lý giải:

“Nhiều khi người ta có phản ứng vì chưa thấu hiểu rõ mà chỉ nhìn vào hình thức bề ngoài. Mà cũng hình thức thật, tại sao phải phong cho các em chủ tịch hội đồng tự quản, rồi phải điều khiển bạn này bạn kia, mà mấu chốt là phương pháp dạy học định hướng và để cho học sinh tự triển khai”.

{keywords}
Vị Hiệu trưởng gây ấn tượng với người đối diện với sự gần gũi, vui tính pha chút hóm hỉnh. Ảnh:Thanh Hùng.

Theo thầy Dũng, điều cần nhất là hoạt động học của học sinh được coi là trung tâm của quá trình dạy học. Giáo viên với vai trò là người hướng dẫn học, quan tâm đến sự khác biệt trong việc tiếp thu kiến thức của học sinh.

Thầy Dũng nghĩ nhiều đến việc này khi trăn trở hình như giờ đây nhiều gia đình và thầy cô vô tình khiến những đứa trẻ trở nên ích kỷ hơn và các kỹ năng để ứng phó, làm việc không nhiều.

“Nếu có điều kiện học tập tốt, nhưng từ bé đã không biết tới và hòa nhập được với môi trường xung quanh thì lớn lên sẽ rất khó thay đổi, hòa nhập. Đó là điều đáng lo ngại”.

Cách giải quyết phần nào từ việc đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, trong khi lương không tăng, điều kiện làm việc không tăng, do đó, thầy Dũng kể, muốn nói anh em giáo viên cần đổi mới là việc chẳng hề dễ dàng. Do đó, người quản lý càng cần phải chia sẻ, cảm thông.

“Nếu cái gì nói bằng mệnh lệnh, con dấu vô tình thì chỉ là hình thức và người ta sẽ đối phó ngay thôi. Nói làm sao để anh em người ta tin mình, nghe mình để cùng làm, đó mới là cái khó nhất. Nếu không có sự đồng thuận trong nhà trường thì nhiều khi việc trong trường chưa biết hết mà người ngoài đã tỏ, như vậy sẽ khó làm được điều gì tốt trong trường cả”.

Khiêm tốn cho rằng khả năng quản lý không quá xuất sắc, thầy Dũng chia sẻ ông chỉ thường nói chuyện tác động đến anh em bằng một sự cảm thông, trân trọng.

“Trường tôi nếu xét về mặt thuận lợi thì không bằng các trường khác nhưng về thành tích thì không kém cạnh bởi anh em có niềm tin. Tôi nghĩ người ta quý mến mình mà làm việc”.

Không có thầy tốt thì sách hay cũng vô nghĩa

Nhiều năm làm quản lý, thầy Dũng cho rằng quan trọng nhất của đổi mới là người thầy. “Nếu không có người thầy tốt thì mọi cuốn sách hay đểu trở nên vô nghĩa. Chính người thầy sẽ biến cuốn thường thành cuốn sách tốt và ngược lại, nếu thầy tồi thì cuốn sách có tốt cũng vứt đi”.

{keywords}

Tình yêu trẻ và sự chia sẻ của người vợ là động lực lớn nhất để theo đuổi nghề giáo đến giờ phút này. Ảnh: Thanh Hùng.

Thầy Dũng nhìn nhận những cuốn sách chỉ là một phương tiện:

“Nếu kiểm tra bài cũ học sinh lớp 1, các cô bảo mở sách ra đọc thì đó chỉ là lối mòn. Nhưng nếu cô nói hôm qua chúng ta học vần mới là “ao”, vậy các con nhớ lại cả ngày hôm qua tìm được tiếng gì có vần “ao” thì viết ra và đọc cô nghe? Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau và thậm chí giáo viên linh hoạt có thể không cần đến sách nữa. Khi đứa trẻ suy nghĩ ra một tiếng nào đó và viết ra được thì khi đó độ thẩm thấu cao hơn nhiều là đưa cho trẻ đọc một cuốn sách mà không hiểu chuyện gì”

Vai trò của giáo viên là phải gợi mở làm sao cho học sinh bộc lộ ra những điều các em có thể biết.

“Mấu chốt là đội ngũ, do đó trong mọi đổi mới, nếu không chuyển biến người thầy thì coi như thất bại. Nhưng để có được người thầy tốt thì đó là vai trò của người quản lý. Người quản lý ngồi trong trường nhưng không canh cánh với nhiệm vụ làm cho đội ngũ, cho nhà trường tốt hơn thì dù có nói hay làm gì đi chăng nữa, chất lượng của nhà trường cũng khó có chiều sâu”.

Thầy Dũng cho rằng người quản lý cần phải đặt mình vào vị trí của anh em giáo viên trong từng tiết dạy, để hiểu và nếu họ thấy thoải mái khi dạy, học trò thấy thoải mái khi học thì chắc chắn thành công và ngược lại.

Do đó, tôi nghĩ khi đặt ai đó vào vị trí quản lý nhà trường thì phải là người biết chia sẻ tâm tư, ngẫm nghĩ cùng anh em trong từng tiết dạy. Muốn vậy cũng phải là người có chuyên môn thật sự. Song xu thế hiện nay, hình như có quá nhiều tiêu chí khiến việc chọn 1 người lãnh đạo có chuyên môn đang bị lu mờ”, thầy Dũng trăn trở.

Thầy Dũng kể hàng ngày thầy vẫn thường hay ghé lớp của các thầy cô dạy, thậm chí có hôm đến 10 lớp, nhưng ít khi vào lớp ngồi dự giờ bệ vệ.

“Tôi thường đứng ngoài cửa để xem, có thể là một hoạt động nào đó và sau đó gặp riêng và đề nghị các thầy cô làm lại. Đối với giáo viên chưa đạt, thì điều quan trọng là phải cho họ được học hỏi. Như vậy thường những buổi sinh hoạt chuyên môn, giáo viên tốt dạy còn giáo viên chưa đạt thì ngồi quan sát. Những giáo viên còn chưa đạt tôi không công khai bởi như vậy vô tình khiến họ thêm rụt rè, xấu hổ. Với họ, tôi dành nhiều thời gian đến xem lớp thường xuyên hơn và trân trọng những điểm mà họ phát triển”.

Hẳn cũng vì thế mà điều khiến thầy giáo già vui nhất và nhắc đến đầy hạnh phúc khi chia tay chúng tôi là “khi nói đến một tiết dạy nào đó tôi với anh em không bao giờ tách rời nhau”.

Thanh Hùng