- Ba năm qua, anh Huỳnh Văn Thế, giáo viên Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long gửi thư đi khắp nơi xin sách cho học sinh nghèo. Anh Thế nuôi ước mơ các em được đọc sách, mở mang kiến thức, tiếp thêm văn hóa đọc.

"Măng Thít ngày 16/3/2017,

Kính gửi chú Vĩnh. Cháu là thầy giáo dạy Ngữ Văn của Diễm Phi (Lan Phương) năm học này...

{keywords}
Thầy Huỳnh Văn Thế, GV Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long

...Thưa chú, năm nay là năm thứ 3, cháu làm Tết sách cho học sinh ở Mang Thít. Tết sách được tổ chức vào ngày Thế giới đọc sách. Nhưng học sinh quê mình chưa có thói quen đọc sách. Phụ huynh thì bận bịu mưu sinh cũng không chăm lo vấn đề này. Nhiều người chưa thấy sách quan trọng, họ chỉ thấy tốn tiền. Họ chưa thấy sách hay góp phần bồi dưỡng tâm hồn con trẻ và nâng cao tri thức. 

Cháu muốn mang sách tặng cho học sinh quê mình. Mục đích để rèn học sinh thói quen đọc sách, tinh thần tự học. Chỉ khi các em tự học thì các em mới giỏi, mới thành công, mới đóng góp nhiều cho quê hương, đất nước mình. Nhưng là giáo viên trường làng, lương tháng chật vật, cháu không có nhiều để cho. Cháu nghĩ đến việc xin một số phụ huynh (có khả năng). Cháu mong quý vị ấy nhín ít chút tiền để cho các em học sinh, có thể trong những học sinh được nhận sách, là con cháu của quý vị ấy cũng nhận sách.

Người trẻ tuổi như các em học sinh hiện nay thật sự đáng lo. Các em sống nương tựa, ỷ lại, thiếu chính kiến và dễ sa ngã. Hiện các nước xung quanh đã phát triển với tốc độ khủng khiếp trong khi chúng ta vẫn chưa thoát nghèo. Vì con em chúng ta thiếu tư duy độc lập và thiếu tầm nhìn, thiếu quyết đoán. Ngoài kia người ta đem hàng nghìn tỉ đồng đổ sông đổ biển. Cháu ước mình có 1 phần nhỏ thôi để mua sách cho các em đọc. Cháu muốn các em học điều đó qua những tấm gương từ thực tế đời sống và những tấm gương qua sách vở. Nếu chú đã nhiều lần làm thiện nguyện giúp đỡ người nghèo khó thì cháu rất mong chú góp phần mang ánh sáng tri thức đến các em”...

...

Kính gửi quý vị và các bạn,

Tôi là Huỳnh Văn Thế, giáo viên dạy Ngữ Văn ở Mang Thít, Vĩnh Long. Năm 2015, 2016, tôi đã tổ chức Tết sách tại Mang Thít. Tết sách là mang sách tặng cho học sinh yêu sách – không phân biệt giàu nghèo – trong ngày thế giới đọc sách. Những năm qua, Tết sách đã mang những quyển sách dạy làm người, dạy kĩ năng sống cho hàng trăm học sinh huyện Mang Thít. 

{keywords}

Tết sách đã mang những quyển sách do chính quý vị phụ huynh, các em sinh viên, học sinh trong và ngoài tỉnh gửi đến. Mục đích của việc tổ chức Tết sách là mong các em học sinh học giỏi hơn, yêu thương nhiều hơn, bản lĩnh sống hơn, thành công hơn. Mục đích của việc tổ chức Tết sách còn là mong góp phần phát triển dân trí. Vì dạy học sinh đọc sách là dạy học sinh có thói quen tự học suốt đời. Kính mong quý vị và các bạn góp phần tặng sách cho Tết sách 2017. Quyển sách của quý vị và các bạn là hạt mầm tri thức, là ngọn đèn thắp sáng tâm hồn các em. Quyển sách của quý vị và các bạn sẽ nhen lên tình yêu sách, góp phần phát triển con người, phát triển quê hương...".

...

Đây là hai đoạn trích trong số hàng trăm bức thư của anh Huỳnh Văn Thế, giáo viên môn Ngữ Văn Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long. Ba năm qua, anh Thế cần mẫn gửi thư đi khắp nơi, với mong muốn xin sách cho học sinh nghèo.

Nghèo vật chất không đáng sợ bằng nghèo tâm hồn

Tôi biết anh Thế cách đây 4 năm, tại một hội thảo do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức. Để kịp giờ khai mạc, anh Thế đã ra bắt xe đò lúc nửa đêm từ Vĩnh Long lên TP.HCM. Và vì đi “trộm” nhà trường, nên xong việc, anh lại bắt xe về gấp cho kịp giờ dạy. Hình ảnh người thầy miền Tây chân chất, nhiệt tình, hơi đậm người để lại trong tôi nhiều ấn tượng. 

Sự thay đổi của anh Thế khi gặp lại khiến tôi khá bất ngờ: dáng gầy gò đứng giữa học trò, với xung quanh là sách. Hỏi ra mới biết, anh mang bệnh và sụt cân khá nhiều. Nhưng trong mấy năm vừa qua, anh đã làm nên một điều kì diệu là xin được hàng nghìn quyển sách cho học sinh, tổ chức thành công 3 Tết sách cho học trò Mang Thít.

{keywords}
Thư học trò gửi thầy Thế

Tôi hỏi anh Thế rằng "Bây giờ internet phát triển rồi, học trò có thể đọc trên mạng, điều gì khiến anh vẫn đi xin sách in cho trò?". 

Anh Thế trả lời “Ai cũng biết sách là túi khôn nhân loại, nhưng học trò quê tôi ít đọc sách lắm. Tôi trăn trở nhiều, tìm hiểu nhiều thì biết được các em không biết đọc sách gì, đọc như thế nào và mua sách ở đâu. 

Tôi nghĩ, nếu không quanh quẩn trong mấy quyển sách giáo khoa thì các em cũng quanh quẩn trên các trang mạng xã hội, tốn thời gian mà lại đi bàn tán chuyện người khác thay vì học để phát triển bản thân. Mặt khác, tôi cũng thấy có rất nhiều Mạnh thường quân chung tay giúp trẻ em nghèo học bổng đến trường”. 

Rồi anh than rằng “Bây giờ, nhà trường chỉ tập trung bồi dưỡng tri thức để học sinh thi cử. Trường thiếu những đầu sách về phát triển kĩ năng, phát huy năng lực. Việc học quá nhiều môn đã chiếm phần lớn thời gian mỗi ngày, nếu còn rảnh chút nào, các em chọn buông xõa cho mạng xã hội. Người lớn hay kêu ca học sinh không có văn hóa đọc nhưng không ai dạy, không ai truyền thì làm sao các em có thói quen đọc sách!”. 

Anh Thế tâm niệm cái nghèo vật chất không đáng sợ bằng cái nghèo tâm hồn, nghèo ước mơ. Vì vậy, anh muốn học sinh đọc sách để bồi dưỡng tâm hồn, đó là một tâm hồn yêu thương và biết mơ ước, khát vọng. Các em cũng cần đọc sách để có kĩ năng giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ và phát triển các năng lực tự học... 

Không đủ tài chính để tự làm điều mình mong mỏi, anh Thế đã vận động phụ huynh, giáo viên, cựu học sinh hỗ trợ, góp tay...

"Sống cho là nhận"

Anh Huỳnh Văn Thế kể, lúc đầu viết những lá thư đi xin sách rất ngại vì nghĩ rằng đồng tiền là công sức của người dân, mấy ai là người sẵn sàng cho. Nhưng không ngờ, khi anh nói ra có nhiều phụ huynh sẵn lòng giúp đỡ.

Năm nào anh cũng viết thư đi khắp nơi để xin sách. Khi là gửi học trò cũ, khi là Mạnh thường quân, rồi phụ huynh. Nhiều học trò nhận được thư đi gom sách gửi cho thầy. Nhiều phụ huynh không biết mua sách thì gom tiền đưa anh mua hộ... 

“Có lần, một em sinh viên Trường ĐH Cảnh sát tên Vũ, hoàn cảnh khó khăn, nhưng khi nghe tôi chuẩn bị làm Tết sách, em đã gửi ngay những đồng tiền chi tiêu hằng ngày để đóng góp. Cầm tiền em trên tay mà tôi rưng rưng" – anh Thế kể.

{keywords}

Ngoài ra, có nhiều công ty nhận được thư của anh Thế đã hỗ trợ hàng trăm quyển sách. 

Sau 3 năm, tủ sách của học trò Mang Thít do anh Thế viết thư đi xin đã lên tới hàng nghìn quyển. 

Từ những tấm lòng này, anh Thế tổ chức Tết sách vào tháng 4 hàng năm. Bất kỳ học trò nào vào dự, không phân biệt giàu nghèo, đều được tặng sách. Lần đầu tiên có hơn 100 học sinh, lần thứ hai có hơn 300 học sinh, và lần thứ ba anh đã xin được trên 900 đầu sách phát cho hơn 500 học sinh.

Còn Câu lạc bộ sách và hành động Mang Thít được anh Thế tổ chức sinh hoạt mỗi tháng một lần. Hiện nay, Câu lạc bộ đã hoạt động 5 tháng và có trên 250 quyển do các nhà sách tài trợ. Số sách này một phần để lại cho học sinh tới đọc, một phần tặng cho các em mang về nhà đọc.

Nhiều học trò nhận được sách đã gửi lời cảm ơn. Có học trò còn viết thư cho anh và nói rằng "sẽ sống chết với lí tưởng của thầy". Anh lại khuyên học sinh "đọc và ứng dụng, thay đổi và chia sẻ, chứ không phải mọt sách chỉ biết cắm cúi vào trang sách". 

Cần mẫn xin sách cho học trò là thế, nhưng anh Thế bảo rằng có nhiều lúc cũng muốn bỏ cuộc. Nhưng khi nghĩ lại, một quyển sách hay đến tay học sinh sẽ thay đổi được một con người theo chiều hướng tốt, rồi lời động viên từ các cựu học sinh luôn mong thầy "cố lên"..., anh lại tiếp tục gửi thư xin sách cho trò.  

“Tôi nghĩ rằng sống cho là nhận. Điều tôi vui nhất là nhiều câu nói, lời nhắn, bức thư nhỏ của phụ huynh và học sinh rất cảm động. Thực sự lúc đó tôi hạnh phúc lắm. Chỉ cần câu khen "Sách hay lắm thầy ơi" của học trò là tôi nghĩ đã bước đầu thành công, đã dạy được các em yêu sách. Và yêu là khởi nguồn của đam mê...”.

Lê Huyền (Ảnh: Nhân vật cung cấp)