- Hiệu trưởng cần có bản lĩnh để bảo vệ chương trình riêng của nhà trường, qua đó tạo tiền đề có thể tự chủ và đổi mới trong dạy học.

Ngày 10/1/2018 tại Hà Nội, được sự hỗ trợ của Bộ GD-ĐT, Đại sứ quán Thụy Điển và Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp với Tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First tổ chức hội thảo quốc tế: Quản trị trong nhà trường phổ thông.Tại đây, diễn giả là các nhà giáo dục đến từ Phần Lan, Thuỵ Điển, Đan Mạch đã chia sẻ những bài học đổi mới giáo dục thành công.

Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến những kiến thức, kinh nghiệm trong quản trị nhà trường tự chủ,  từ việc phát triển cách thức quản lý hiệu quả, phát triển đội ngũ giáo viên cho đến vai trò và trách nhiệm của hiệu trưởng các trường phổ thông trong mô hình quản trị này. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý các trường phổ thông Hà Nội cũng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý trong các trường phổ thông, hướng tới một nền giáo dục tập trung phát triển năng lực và phẩm chất của người học..

Trong lá phiếu khảo sát được gửi đến từng người, các hiệu trưởng đều cho rằng tự chủ là chính sách cần thiết cho sự phát triển của trường học trong giai đoạn đổi mới; có tính khả thi, phù hợp với việc phát triển của xã hội. Thậm chí, nhiều hiệu trưởng đánh giá đó còn là một trong những chính sách quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục.

Ngay cả phía Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng nhìn nhận:

“Cách tổ chức dạy học cứ học trò ngồi thầy giảng thì rất khó có thể phát triển năng lực cho các em. Nhưng khi được tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ học tập, cũng với nội dung đó nhưng học sinh được làm việc với nhau, giao tiếp với nhau và với thầy cô, qua đó phát triển được năng lực”.

{keywords}

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng.

Tuy nhiên, thực tế dường như ngược lại với mong muốn của các trường.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm chia sẻ:

“Chủ trương, chính sách của Bộ đưa ra là đúng; nhưng khi triển khai về địa phương cần có sự chỉ đạo sát sao để làm đúng theo tinh thần đó. Như trường tôi hệ ngoài công lập, được tự chủ 20% chương trình. Nhưng khi trao đổi với hiệu trưởng các trường công lập thì họ nói không làm như chúng tôi được, vì là trường công, còn chịu những việc như thanh tra, kiểm tra,...".

Bà Đỗ Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Sở cho rằng việc các trường công lập được tự chủ đúng nghĩa là rất khó bởi quản trị vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách của Bộ, Sở.

"Chúng tôi đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch điều chỉnh ở các bộ môn, tuy nhiên về vấn đề nhân sự, cơ sở vật chất,… vẫn gặp nhiều khó khăn bởi phụ thuộc chỉ đạo của các cấp trên. Như việc tuyển giáo giáo viên, trường chưa được quyết mà phải qua UBND quận hay Sở Nội vụ. Chưa nói đến việc tuyển, ngay chỉ việc ký giáo viên hợp đồng cũng vẫn phải có sự chỉ đạo hướng dẫn của các cấp”.

Bà Hà mong muốn các trường có thể được chủ động hơn nữa trong việc tuyển chọn nhân sự, cơ sở vật chất,…

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa cho rằng tự chủ tạo áp lực và động lực cho mỗi cán bộ giáo viên, mỗi nhà trường thay đổi để phát triển. “Nó là chính sách khả thi của đổi mới nhưng cần được thực hiện đúng nghĩa”.

Ông Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT), hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Victory cho biết trường ông hiện xây dựng chương trình nhà trường một cách mạnh dạn trên khung chương trình của Bộ và cập nhật, bổ sung những yếu tố tích cực mục đích để đảm bảo chất lượng giáo dục và đảm bảo nhu cầu của xã hội.

{keywords}

Ông Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT), hiện là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Victory. Ảnh: Thanh Hùng

“Chương trình của chúng tôi vừa động vừa mở một cách linh hoạt. Mở là cái gì không thích hợp thì bỏ ra, cái gì thích hợp thì cập nhất đưa vào. Còn động là có thể thay đổi, không cứng nhắc là phải bao nhiêu tiết mỗi tuần, mỗi ngày".

Tài liệu được chọn theo tinh thần: “Cái gì tích cực, ưu việt về phương pháp, nội dung thì đưa vào. Những phần nào trong tài liệu mà thấy rằng hiện đại nhưng cực đoan, hàn lâm thì mạnh dạn bỏ ra. Bởi không phải để ngắm nghía hay trang trí và khoe mẽ kết quả dạy học, mà cái chính là vì học sinh".

Theo ông Thành, đổi mới chương trình cần thực hiện tất cả các thành tố của chương trình, đó là mục tiêu, kế hoạch, phương pháp dạy học.

Song muốn làm tốt tự chủ chương trình, hiệu trưởng phải hiểu được mục tiêu của cấp học và mục tiêu của các môn học trong cấp học để định hướng cho giáo viên dạy.

“Người quản lý phải hiểu được bản chất của quá trình. Rồi phải nắm bắt nhu cầu, mong muốn của xã hội. Nhưng luôn phải có bản lĩnh. Ví dụ, nhiều phụ huynh đến can thiệp rằng nên dạy cái này cái kia, chúng tôi phải cảm hóa rằng việc dạy gì và như thế nào là do chúng tôi, và sẽ trả lại các phụ huynh bằng chất lượng giáo dục đối với học sinh".

Theo ông Thành, như vậy còn phụ thuộc vào khả năng và cái bản lĩnh của người hiệu trưởng.

“Từ lâu rồi Bộ vẫn khuyến khích dạy học cho phù hợp không nhất quyết máy móc, nhưng nhiều khi bản lĩnh của các hiệu trưởng chưa dám làm. Bởi nhiều khi còn vướng các cấp quản lý khác.

Hiệu trưởng phải đổi mới, cán bộ quản lý cũng phải đổi mới, nhưng trong công cuộc đổi mới này thì giáo viên cũng phải đổi mới.

“Có khi đổi mới từ cơ sở trước nhưng cũng có khi đổi mới từ trên xuống dưới. Nhưng theo tôi chúng ta không nên chờ một cái gì cả, mà quan niệm tích cực là cứ đổi mới, làm đến đâu vì lợi ích của học sinh thì mình cứ làm, còn khó thì gỡ dần dần”.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho hay thực tế Bộ cũng tiếp nhận nhiều phản ánh, ý kiến từ các hiệu trưởng. Đôi khi rào cản quản lý lại trở thành rào cản đổi mới, do đó các thầy cô cũng phải đóng góp trong việc gỡ rào cản này.

Thanh Hùng