- Sự đổi mới rất táo bạo ở Phần Lan, hiện đang được nhiều nước quan tâm là xây dựng lớp học không bàn ghế và trường học không có tường ngăn.

Trong vòng một thập kỉ qua, hệ thống giáo dục phổ thông Phần Lan đã có rất nhiều điều thu hút sự chú ý của truyền thông trên thế giới, như: chất lượng hàng đầu, giáo dục cơ sở bắt buộc cho mọi trẻ em, việc học không mất tiền lại thêm bữa ăn trưa miễn phí và suốt thời gian học chỉ có một kỳ thi duy nhất…

Song những điều đặc biệt đó đang trở nên mất dần tính thời sự. Thay vào đó là một sự đổi mới rất táo bạo, hiện đang được nhiều nước quan tâm là xây dựng lớp học không bàn ghế và trường học không có tường ngăn.

{keywords}
Một lớp học ở Trường Tuomela 

Ý tưởng về lớp học không bàn ghế do một giáo viên lớp 6 là Maarit Korhonen đề xuất cách đây hơn 5 năm. Với quan điểm: “Thế giới đã thay đổi và trường học cũng cần phải thay đổi”. Năm 2014, Korhonen đã phát triển ý tưởng đó bằng một cuốn sách có tên: “Herää, koulu!” (tạm dịch: Hãy tỉnh dậy đi, trường học!).

Còn việc xóa bỏ các tường ngăn, biến lớp học trở thành những không gian mở bắt đầu từ trường Tuomela ở Hämeenlinna (một thành phố cách Helsinki chừng 100km về phía bắc). Mặc dù cả hai ý tưởng được xem là “lạ lùng” đó đã tạo nên những luồng ý kiến trái chiều song nhiều trường học ở các địa phương khác của Phần Lan cũng bắt đầu thử nghiệm và thực hiện.

Không chỉ Phần Lan mà nhiều đoàn từ nước ngoài đã quan tâm và đến tham quan một số trường học thuộc loại này ở Phần Lan, trong đó được chú ý nhiều nhất là trường Tuomela.

Trong một bài phỏng vấn, ông Arto Nykänen, hiệu trưởng trường Tuomela chia sẻ:

“Chúng tôi chỉ cần giữ các bức tường bao, còn những thứ khác, chúng tôi vứt bỏ”.

Giờ đây ý tưởng đó đã trở thành một xu hướng phổ biến trong kế hoạch đầy táo bạo của giáo dục Phần Lan: trang bị và cải tạo tất cả 4,800 trường học cơ sở và phổ thông trong cả nước. Khoảng 57 trường đã được xây dựng và cải tạo theo hướng này năm 2015 và 44 trường năm 2016.

{keywords}
Tại trường tiểu học Lauttasaari (Helsinki, Phần Lan) 2 lớp học được ngăn cách bởi rèm màu tối. Khi tổ chức hoạt động chung, 2 lớp có thể kéo rèm để tạo một không gian chung. Ảnh: Hạ Anh

Ông Reino Tapaninen, kiến trúc sư trưởng của Nha Giáo dục quốc gia Phần Lan (OPH) cho biết:

“Các vật liệu âm thanh sẽ được dùng trên trần còn sàn sẽ sử dụng vật liệu sợi. Chúng tôi sẽ xây dựng các trường học không dày dép và học sinh chỉ dùng tất hoặc dép xốp khi di chuyển trong lớp. Các tường ngăn di động được lắp đặt để tạo ra những không gian giảng dạy cần sự tập trung cao khi cần thiết".

Ông còn nói thêm rằng: “Phần Lan đã sai lầm khi xây dựng trường học với các bức tường gạch và các lớp kính. Chúng tôi cần tạo ra sự sáng rõ và hấp dẫn của trường học và điều đó giữ cho trường học an toàn đồng thời tạo ra một môi trường văn hóa mở”.

Từ mùa thu năm 2017, sau ba tháng nghỉ hè bước vào năm học mới, học sinh của khoảng 100 trường học trong cả nước đã nhận thấy trường mình hoàn toàn khác trước.

Nhiều tường ngăn giữa các phòng bị dỡ bỏ, thay bằng những bức tường/rèm che di động để dùng đến khi lớp học cần những không gian yên tĩnh. Bàn ghế cố định như thường thấy được thay bằng bàn ghế di động hoặc bằng ghế xô pha, đệm mút, đôn với nhiều kiểu dáng khác nhau, cả giáo viên và học sinh cùng chia sẻ trong giờ học.

Sự thay đổi đó đã đáp ứng được yêu cầu và mục đích của những đổi mới khung chương trình giáo dục cơ sở được bắt đầu thực hiện từ năm học 2016-2017.

Đó là:

- Coi trọng môi trường học tập bằng cách tăng thêm các giờ học ngoài lớp học và sử dụng công nghệ dạy và học tập mới.

- Thay đổi số lượng giờ học của một số môn (học ngoại ngữ từ năm lớp 2, tăng giờ học các môn học xã hội và nghệ thuật).

- Mỗi năm học cần có ít nhất một bài học theo đề tài kết hợp một số môn với nhau trong đó có sự tham gia một tích cực và chủ động của học sinh (đây là hình thức giáo dục “phenomenon-based learning” mà nhiều người gọi là “tích hợp” trong tiếng Việt?).

- Áp dụng việc đánh giá một cách đa dạng. Việc chấm điểm chỉ thực hiện với học sinh từ lớp 8 trở lên.

Quan điểm giáo dục của Phần Lan hiện nay, theo bà Liisa Pohjolainen, Giám đốc sở giáo dục Helsinki là: “Trước đây giáo viên dạy, giờ đây giáo viên hướng dẫn cách học”. Còn ông Olli-Pekka Heinonen, giám đốc OPH nói rõ hơn: “Những thay đổi ấy bắt nguồn từ thực tế là thế giới thay đổi nên giáo dục cũng cần phải thay đổi.”

Ông nhấn mạnh rằng: “Giáo dục là nhân tố trung tâm của mọi thứ. Một vấn đề đang đặt ra ra là chúng ta phải đương đầu với một thế giới đang thay đổi khó lường vì thế giáo dục phải đem đến cho trẻ em những kĩ năng các em cần để thích ứng với tương lai – một tương lai mà người lớn chúng ta không thể hình dung.

{keywords}
Một góc phòng ăn, hội trường của Trường Saunalathti

Phần Lan đang xây dựng trường học thành một cộng đồng học tập, chú trọng hứng thú học tập của học sinh và tạo ra môi trường hợp tác trong học tập, khuyến khích sự tự chủ của học sinh trong học tập cũng như trong cuộc sống hàng ngày.

Cuối năm 2017, một bài viết trên trang Diễn đàn kinh tế Thế Giới (WEF) đã viết: “Các bức tường sẽ bị dỡ bỏ trong các trường học ở Phần Lan - song không chỉ ranh giới vật lý giữa các lớp học mà cả sư tách bạch giữa các môn học cũng như độ tuổi, và học sinh cũng sẽ có tiếng nói về những gì được học hơn so với học sinh nhiều nước khác".

Điều đáng chú ý là quyền tự chủ của các địa phương, các trường và từng giáo viên đặc biệt được coi trọng.

Dựa trên khung chương trình quốc gia được ban hành, các địa phương, các trường và các giáo viên xây dựng cho mình chương trình và phương pháp cụ thể, thích hợp với địa phương và trường mình.

Thành công của giáo dục phổ thông Phần Lan là điều đã được thế giới công nhận và tham khảo, tiếp thu. Song, liệu kế hoạch trường học không bàn ghế, không tường ngăn có thể thích hợp và thực hiện được với các quốc gia khác không là một câu hỏi đang còn để ngỏ.

Võ Xuân Quế (Helsinki, Phần Lan)

*************

Chú thích:

[1] https://www.citylab.com/design/2017/08/why-finland-is-embracing-open-plan-school-design/537060/

[1] https://www.weforum.org/agenda/2017/10/why-finland-is-tearing-down-walls-in-schools/

Một giờ học tiếng Anh lớp 3 ở Phần Lan

Một giờ học tiếng Anh lớp 3 ở Phần Lan

9h sáng, lớp 3I bắt đầu giờ học Tiếng Anh. Sĩ số lớp là 16, nhưng hôm ấy vắng 2 em, còn 14. 

Triết học cho trẻ lớp ba ở Phần Lan: Lẽ sống - chết, nhân tính, cá tính...

Triết học cho trẻ lớp ba ở Phần Lan: Lẽ sống - chết, nhân tính, cá tính...

Tôi luôn nghĩ trường học chỉ nên dạy khoa học, kĩ năng, đạo đức..., còn đức tin, tôn giáo thì nên để cho nơi khác nói. 

Gặp Bộ trưởng Giáo dục 34 tuổi của Phần Lan

Gặp Bộ trưởng Giáo dục 34 tuổi của Phần Lan

Nụ cười thân thiện, trang phục là quần đen và áo kẻ sọc đen trắng, tác phong nhanh nhẹn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hoá Phần Lan đã gây ấn tượng tốt đẹp với những người tiếp xúc.

Tại sao giáo viên Phần Lan được tự chủ?

Tại sao giáo viên Phần Lan được tự chủ?

 Đào tạo sinh viên sư phạm đạt trình độ cao là cơ sở để trao cho họ quyền tự chủ trong tương lai, để họ quyết định dạy theo cách mà họ muốn.

Nghiên cứu mới gây tranh luận về giáo dục Phần Lan

Nghiên cứu mới gây tranh luận về giáo dục Phần Lan

Kỳ tích của giáo dục Phần Lan đã được cả thế giới quan tâm và ngưỡng mộ, khiến mới đây có bài báo nói rằng: "Các cuộc hội thảo về giáo dục trên thế giới chưa thể kết thúc nếu chưa nói đến giáo dục Phần Lan”