Không những thu nhập hấp dẫn, ở Phần Lan đi dạy được xem như một phong cách sống đặc biệt. Giáo viên được tự chủ hoàn toàn và không bao giờ bị chỉ trích…

Học sinh Phần Lan vào lớp 10 nhẹ nhàng như thế nào?

Thí sinh già nhất tốt nghiệp trung học ở Phần Lan trong 166 năm

Đây là chia sẻ của thạc sĩ Mika Rantala, người có 24 năm kinh nghiệm giảng dạy với tư cách giáo viên và hiệu trưởng trường trung học tại Phần Lan, tại chuyên đề vai trò của giáo viên trong giáo dục Phần Lan diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chiều 21/9.

{keywords}
"Giáo viên chúng tôi được tự chủ hoàn toàn"- thạc sĩ Mika Rantala, người có 24 năm kinh nghiệm giảng dạy với tư cách giáo viên và hiệu trưởng trường trung học tại Phần Lan cho hay.

 50% học sinh sẽ đi vào trường nghề

Theo ông Mika, giáo dục ở Phần Lan hoàn toàn miễn phí, kể cả sau đại học (trừ cấp 3 học sinh phải bỏ tiền mua sách giáo khoa). Giáo dục bắt buộc 9 năm, trong đó 6 năm tiểu học và 3 năm cấp hai. Tốt nghiệp cấp 2 học sinh phải nộp hồ sơ học tiếp trong đó 50% học tiếp ở cấp ba, 50% sẽ đi vào các trường dạy nghề. Hai hệ thống này hoàn toàn linh hoạt, ất kì lúc nào học sinh cảm thấy không phù hợp ở hệ thống này có thể chuyển qua hệ thống khác và ngược lại.

Giáo viên phổ thông phải có trình độ thạc sĩ trở lên

Để trở thành giáo viên ở Phần Lan học sinh sẽ phải đi vào các trường đại học nghiên cứu để trở thành thạc sĩ và học lên tiến sĩ. Chính phủ Phần Lan quy định, giáo viên tại các trường phổ thông phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Giảng dạy ở các trường sư phạm phải có trình độ tiến sĩ trở lên. Dù giảng viên hay giáo viên sẽ phải nghiên cứu khoa học. Việc giảng dạy của họ phải dựa trên nghiên cứu của bản thân. Sinh viên sư phạm trong quá trình học phải làm nghiên cứu khoa học và phát triển kĩ năng nghiên cứu.

Giáo viên tiểu học phải nói được hai ngôn ngữ

Theo ông Mika, những sinh viên sư phạm tiểu học sẽ phải học 180 tín chỉ bậc cử nhân và 120 tín chỉ thạc sĩ nên có thể học lên tiến sĩ. Sinh viên sư phạm tiểu học phải hoàn thành 4 khối kiến thức là nghiệp vụ sư phạm, nghiên cứu giáo dục, phương pháp dạy và các môn học hỗ trợ. Giáo viên tiểu học bắt buộc phải nói được hai ngôn ngữ, tuy nhiên giáo viên tiểu học ở Phần Lan phổ biến nói được 5 ngôn ngữ khác nhau. 

Thực tập sư phạm phải viết báo cáo về triết lý giáo dục

Quy trình thực tập sư phạm của các sinh viên sư phạm ở Phần Lan diễn ra rất chặt chẽ. Đầu tiên, sinh viên sư phạm sẽ tới lớp học để quan sát. Tiếp đến họ phỏng vấn giáo viên ở trường và dự giờ, tự soạn kế hoạch giảng dạy dưới dự hỗ trợ của giáo viên hướng dẫn.

{keywords}
Giáo viên Phần Lan giảng dạy ở Việt Nam

 

Trong quá trình thực tập họ sẽ phải đánh giá bài dạy của giáo viên khác, soạn giáo án và viết báo cáo có tính chất đánh giá từng buổi dự giờ. Đặc biệt, trong quá trình đi thực tập, sinh viên phải viết báo cáo về triết lý giáo dục, trong đó phát triển triết lý giáo dục riêng mình. Những giáo viên hướng dẫn sẽ đưa ra phản hồi tích cực và không có phản hồi tiêu cực nào để hỗ trợ thực tập sinh.

Một giáo viên có thể dạy từ lớp 1-9

Nếu giáo viên tiểu học đăng ký học thêm môn phụ và có chứng chỉ có thể dạy cả cấp 2. Đối với giáo viên cấp hai ngoài học chuyên ngành để có bằng thạc sĩ sẽ học thêm môn phụ, khi cần có thể dạy môn phụ.. Đối với những giáo viên chuyên từng môn có thể dạy cấp hai và cấp ba.

Theo ông Mika, ở Phần Lan hiện có nhiều trường học liên cấp từ lớp 1-9 và một giáo viên có thể dạy từ lớp 1 tới 9. Tuy nhiên việc này thường diễn ra ở các môn ngoại ngữ, thể dục, âm nhạc…  Sau 4 năm học chuyên ngành sinh viên sư phạm sẽ học về nghiệp vụ sư phạm. Để có bằng thạc sĩ (giáo viên chuyên môn), các sinh viên phải học những môn về phương pháp giảng daỵ. Những môn học nghiên cứu giáo dục họ cũng phải học như nghiên cứu về giáo dục, nghiên cứu về phương pháp giảng dạy, tâm lý học cùng với các môn nghiên cứu về xã hội, lịch sử, triết học, giáo dục. Tất cả sinh viên phải làm luận văn về nghiên cứu giáo dục.

Cứ 200 học sinh thì 20 học sinh được chọn vào sư phạm

"Để có một chỗ vào sư phạm sẽ phải cạnh tranh "sứt đầu mẻ trán" - ông MiKa cho hay. Trung bình, cứ 200 người đăng ký vào sư phạm thì chỉ 20 người được chọn.

Kì thi vào các trường sư phạm thường diễn ra hai buóc. Học sinh đã tốt nghiệp phổ thông phải làm bài thi trên giấy (không áp dụng cho giáo viên đăng ký làm giáo viên bộ môn) nhằm kiểm tra việc hiểu bao nhiêu về giáo dục. Sau đó họ sẽ làm bài test năng khiếu và phỏng vấn. Điểm bài thi tốt nghiệp phổ thông là một yếu tố quyết định việc đỗ hay không. Tùy vào chương trình đào tạo học sinh cũng có thể được yêu cầu dạy một bài nhỏ.

"Đầu vào của ngành sư phạm ở Phần Lan có chất lượng rất cao, lý do đầu tiên là chất lượng của học sinh, nhưng điều quan trọng nhất là động cơ mong muốn của học sinh. Khi đã nộp hồ sơ là họ tha thiết vào sư phạm. Trừ không nộp hồ sơ được ở đâu không có sinh viên sư phạm nào học xong lại không trở thành giáo viên nữa"- ông Mika nói.

Giáo viên không phải đi bồi dưỡng hè

Ông Mika cho hay, tại Phần Lan giáo viên sẽ không phải "kéo" về Sở để bồi dưỡng trong các dịp hè. Tùy chủ đề mà hiệu trưởng là người "tự xử" việc bồi dưỡng giáo viên trong các trường học. Tuy nhiên thời gian bồi dưỡng bắt buộc thường chỉ có 3 ngày nên giáo viên sẽ tự đăng ký các khóa học khác nếu cảm thấy còn thiếu. Những khóa học tự chọn của Hiệp hội giáo viên hay Bộ Giáo dục hoàn toàn được miễn phí. Nếu đăng ký khóa học của tổ chức hay cá nhân thì sẽ phải trả tiền.

Khoa sư phạm phải nghiên cứu thực tế

Văn hóa dạy học dựa trên nghiên cứu đã phát triển ở Phần Lan từ 60-70 năm trước. Các nhà nghiên cứu, giảng viên sẽ cùng nghiên cứu với sinh viên trong các khoa sư phạm. Ý tưởng nghiên cứu phụ thuộc vào từng khoa và chuyên ngành nhưng đều xuất phát từ thực tiễn dạy học. Việc nghiên cứu trong khoa sư phạm cũng có tính quốc tế vì các trường này thường hợp tác với nước ngoài, giảng viên thường xuyên tham gia các hội thảo quốc tế và để có các dự án quốc tế.

Giáo viên mầm non là cấp học duy nhất chỉ cần bằng cử nhân

Ông Mika khẳng định, tính tới thời điểm này giáo viên mầm non ở Phần Lan là cấp học duy nhất chỉ cần bằng cử nhân. Từ tiểu học trở lên bắt buộc phải có bằng thạc sĩ. Năm 2.000 Phần Lan đã có một bước ngoặt trong đào tạo giáo viên. Năm 2005, Phần Lan tham gia hệ thống quy đổi đào tạo giáo viên theo hệ thông Châu Âu.

"Tại sao chúng tôi muốn đổi mới giáo viên của mình? Vì chúng tôi muốn phát triển năng lực của giáo viên bằng tự tìm kiếm thông tin mới, sau đó ứng dụng thông tin mới này vào thực tiễn phát triển năng lực của giáo viên trong việc tự nghiên cứu. Việc này không dễ dàng vì năng lực nghiên cứu của giáo viên cần có thời gian rất lâu, nhưng giáo viên Phần Lan nổi tiếng trên thế giới về năng lực nghiên cứu"- ông Mika nói.

Năm 2016 Phần Lan có sự đổi mới đào tạo giáo viên điều gắn với đổi mới giáo dục phổ thông mới. Để nâng cao chất lượng giáo viên, Chính phủ Phần Lan đã phát triển dự án với những câu hỏi hướng: Loại giáo dục nào cần trong tương lai? Năng lực nào cần trong tương lai? Năng lực nào cần để phát triển?  Bản sắc giáo viên cần là gì? Điểm chung của giáo viên là gì…?

Nghề giáo được xem như một phong cách sống

"Tại sao nghề giáo viên lại hấp dẫn ở Phần Lan?- theo ông Mika, vấn đề không hẳn là lương bổng nhưng thực tế lương bổng giành cho giáo viên ở Phần Lan tốt. Điều đặc biệt, ở Phần Lan việc đi dạy được xem như một phong cách sống, tạo điều kiện cho người học khám phá thế giới. Giáo viên được tự chủ tự chọn cấp dạy mà họ muốn dạy và không bao giờ bị chỉ trích. Họ chọn nghề giáo vì muốn truyền tải thông điệp của mình cho người học. Nghề giáo viên ở Phần Lan cũng có kì nghỉ hè xuyên suốt từ 2-3 tháng. Ở trong trường học họ không bị ảnh hưởng bởi sếp mà hoàn toàn tự chủ.

Lê Huyền