Bà Irmeli Halinen – nguyên Giám đốc phát triển Chương trình giáo dục quốc gia (National Curriculum Development) thuộc Uỷ ban giáo dục quốc gia Phần Lan - đã có cuộc trao đổi với VietNamNet về những việc quan trọng nhất để hoàn thành quá trình đổi mới giáo dục tại Phần Lan.

“Quan tâm nhất là tinh thần giáo viên khi triển khai chương trình phổ thông mới”

Giáo viên mong bỏ những việc "không tên"

{keywords}
Bà Irmeli Halinen, nguyên Giám đốc phát triển Chương trình giáo dục quốc gia thuộc Uỷ ban giáo dục quốc gia Phần Lan, trao đổi với VietNamNet sáng ngày 27/8 bên lề triển lãm tranh ảnh về Việt Nam tại Nhà hát Trung tâm Musiikkitalo Mannerheimintie (thủ đô Helsinki, Phần Lan)
Được biết, Phần Lan đã tiến hành đổi mới giáo dục từ những năm 70 của thế kỷ trước. Chúng tôi rất mong muốn bà chia sẻ trong suốt 50 năm qua, Phần Lan đã phải làm những công việc nào được cho là quan trọng để có thể hoàn thành quá trình đổi mới giáo dục này?

- Trong cả một quá trình dài đổi mới, chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là sự hợp lực từ cấp quốc gia đến cấp địa phương, cấp trường trong việc xây dựng giáo trình và hiện thực hóa các vấn đề chúng tôi cho là cần phải thay đổi. 

Niềm tin cũng là một yếu tố quan trọng khác - niềm tin của chúng tôi đối với giáo viên cũng như giáo viên tin vào chúng tôi. Giáo viên cảm thấy mình được tôn trọng, tin tưởng, đó là động lực lớn giúp họ nỗ lực thay đổi.

Từ niềm tin xây dựng được, chúng tôi tạo ra động lực lớn để giáo viên dạy học sinh một cách ý nghĩa hơn, thích thú hơn, bền vững hơn. 

{keywords}

Bàn ghế tiện lợi cho học sinh tại Trường Tiểu học Lauttasaari, Thủ đô Helsinki, Phần Lan (Ảnh: Đào Ngọc Tước)

Đó là cả một sự tương tác, hỗ trợ qua lại giữa hai bên. Chúng tôi tạo điều kiện để giáo viên nâng cao chất lượng dạy, và giáo viên tạo điều kiện để nâng cao chất lượng học của học sinh. 

Ở Việt Nam hiện nay, giáo viên cũng đang là vấn đề còn rất nhiều khó khăn. Do quá trình lịch sử nên chất lượng đội ngũ giáo viên ở Việt Nam không đồng đều. Theo bà, ngoài niềm tin ra thì đâu là cách giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước hoặc những người thực hiện đổi mới có thể tác động đến đội ngũ này tốt hơn nữa?

- Chúng tôi thường xuyên khuyến khích giáo viên nâng cao trình độ. Giáo viên cho dù là dạy ở cấp thấp cũng đều đạt bằng thạc sĩ. Kết quả là người giáo viên luôn phải tự đổi mới, nâng cao chính mình. 

Theo kết quả điều tra "The 2013 Teaching and Learning International Survey (TALIS) của OECD, lương trung bình của giáo viên Phần Lan là 39.500 USD (15 năm kinh nghiệm) so với mức trung bình của OECD là 42.700 USD. 
Giờ dạy là 673 giờ ở tiểu học (ít hơn khoảng 100 giờ so với mức trung bình của OECD). 
Tuy nhiên, giáo viên vẫn là nghề được yêu thích hơn nhiều nghề khác ở Phần Lan. "Điều quan trọng là xã hội Phần Lan coi trọng và đánh giá cao nghề giáo" (Andere, 2013). 

Võ Xuân Quế, sách "Phần Lan, ngôi sao phương Bắc", xuất bản lần thứ hai có sửa chữa, bổ sung, năm 2017

Việc tuyển dụng giáo viên ở Phần Lan được thực hiện như thế nào để lấy được những người tốt nhất vào đội ngũ?

- Ngoài việc xét chọn về mặt kiến thức thì tư cách đạo đức của ứng viên cũng hết sức quan trọng. Việc ứng viên đó có yêu thích, phù hợp với ngành dạy học hay không là yếu tố mà chúng tôi xét duyệt sinh viên vào học ngành sư phạm.

Khi họ đã trở thành giáo viên rồi thì mức đãi ngộ với họ so với mặt bằng chung xã hội Phần Lan ra sao? 

- Quan điểm của chúng tôi là một khi đổi mới hay làm bất cứ điều gì, chúng tôi luôn mời giáo viên tham gia vào việc hoạch định chính sách, kế hoạch. Điều này tạo cho giáo viên cảm giác họ được kính trọng, họ có giá trị.

Chính vì họ đã tham gia, nên những thay đổi đó rất phù hợp với họ, là ý kiến của họ. Chính sự hợp tác tạo nên giá trị trong quá trình đổi mới. Đó là những ưu đãi của chúng tôi với nền giáo dục. 

Trong giáo dục, nếu như người giáo viên luôn mời gọi học sinh trở thành những học sinh tích cực, thì chúng tôi cũng luôn mời gọi giáo viên là những người tích cực tham gia với chúng tôi như những thành phần cùng đổi mới. Đó là điều cốt lõi.

Được biết, Phần Lan vừa hoàn tất Chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2015. Bà có thể cho biết Phần Lan đã thiết kế cá nhân hóa việc học của học sinh ra sao?

- Khi giáo viên nhận nhiệm vụ, họ luôn luôn quan tâm việc cá nhân hóa từng học sinh để thích hợp với từng cá tính. Đặc biệt, chúng tôi cũng có sự hỗ trợ của các công cụ số hóa. 

{keywords}

Các lớp học tại Trường Tiểu học Lauttasaari (Thủ đô Helsinki, Phần Lan) được ngăn nhau bằng vách tường cơ động có thể kéo đẩy dễ dàng, thuận tiện cho việc tổ chức ghép lớp hoặc mở rộng diện tích cho những hoạt động chung (Ảnh: Đào Ngọc Tước)

Điều quan trọng nhất là giáo viên trước khi dạy luôn xác định điều gì phù hợp với từng học sinh. Họ phải xác định được rõ ràng mục tiêu cần làm là gì thì họ mới vận dụng được đúng công cụ số hóa cần thiết để thực hiện mục tiêu đó.

Ở Việt Nam, khi thực hiện đổi mới giáo dục thì người dân, phụ huynh còn tâm lý băn khoăn, hoài nghi. Bà có thể lý giải điều này? Niềm tin nên được xây dựng từ cơ sở nào?

- Đó là cả một quá trình cần phải có thời gian và làm từng bước một. 

Trong quá trình xây dựng niềm tin, những ý kiến mà giáo viên đóng góp cho việc cải cách nếu đúng thì phải được thực hiện, để họ cảm thấy sự đóng góp của minh không vô nghĩa. Từ đó, niềm tin càng được tái bồi đắp cao hơn nữa, mạnh hơn nữa. Đó là quá trình phải được lặp đi lặp lại từng bước một. 

Sự cải cách này cần phải được cho thấy là một thành quả chung, mà giáo viên cũng là một thành phần đóng góp vào thành quả đó. 

Xin cảm ơn bà!


Hiện nay Phần Lan có 8 trường đại học đào tạo giáo viên. Bên cạnh tự quyết định việc tuyển chọn sinh viên, các trường còn tự quyết định chương trình đào tạo của mình, nhằm đào tạo các nhóm giáo viên:

- Giáo viên dạy lớp: Dạy tất cả các môn của các lớp từ 1-6.

- Giáo viên dạy môn: Dạy một hoặc hai ba môn của các lớp từ 7-9 hoặc ở trung học phổ thông (10-12), ở các trường trung cấp và dạy nghề, và ở các lớp thuộc trung tâm giáo dục dành cho người lớn.

- Giáo viên đặc biệt: Gồm giáo viên dạy đặc biệt ở nhà trẻ, mẫu giáo và giáo viên ở tiểu học để dạy các học sinh cần có thêm sự giúp đỡ.

- Giáo viên tư vấn và hướng nghiệp: Nhằm hướng dẫn và tư vấn cho học sinh ở THCS và THPT.

Tất cả các sinh viên ngành sư phạm (trừ các sinh viên nhà trẻ mẫu giáo) đều phải học chương trình nghiên cứu sư phạm với 35 chứng chỉ. Cùng với việc học lý thuyết, chương trình còn kết hợp với thực tập giảng dạy tại các cơ sở riêng của các trường sư phạm hoặc liên kết nhằm phát triển kỹ năng của các giáo viên tương lai. 

Việc thực hành giảng dạy giữ một vai trò rất quan trọng, được thực hiện với nhiều lớp, nhiều lứa tuổi học sinh ở các giai đoạn khác nhau. Với chương trình này, các giáo viên dạy từng môn và giáo viên dạy nhiều môn có thể hoán chuyển công việc bằng cách chri bổ sung thêm các chứng chỉ mà họ còn thiếu chứ không cần học lại.

Trình độ chuyên môn cao của ngành sư phạm ngoài việc đảm bảo cho những người học không chỉ có trình độ chuyên môn tốt, làm chủ công việc giảng dạy trong ngành giáo dục, mà còn giúp họ dễ dàng tìm được việc làm khác. Một trong những bằng chứng rõ nhất là đã có nhiều người vốn được đào tạo từ các trường sư phạm đã trở thành bộ trưởng tài chính trong một số chính phủ của Phần Lan và làm việc rất tốt, như Jutta Urpilainen, Antti Kalliomakhi hay như cựu tổng thống Phần Lan (1994-2000), Nobel Hòa bình 2008, Martti Ahtisaari vốn là một giáo viên (Sahlberg 2016). 

Võ Xuân Quế, sách "Phần Lan, ngôi sao phương Bắc", xuất bản lần thứ hai có sửa chữa, bổ sung, năm 2017

"Đổi mới giáo dục cần tầm nhìn dài hạn"

Tham gia cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT tại Phần Lan, bà Đào Thu Hiền, người sáng lập và điều hành Công ty CP Golden Path Academics Việt Nam (GPA), cho biết:
"Phần Lan là một đất nước đang đi đầu trên cả thế giới chứ không phải chỉ ở khu vực về tư tưởng và triết lý giáo dục. Họ đã xây dựng triết lý giáo dục dựa trên một nền tảng phát triển khá lâu dài, dựa trên nghiên cứu và cả một công cuộc cải tổ của Nhà nước từ những năm 70 của thế kỷ trước cho đến nay. Đó là sự phát triển dần dần chứ không phải ngày một ngày hai mà có được. Khi quan sát những kết quả họ đạt được, tôi hiểu rằng điều này đòi hỏi một sự kiên trì và kiên định của hệ thống giáo dục, từ chính sách, việc đầu tư vào con người cho đến việc thực hiện chương trình, chính sách cải tổ đó.
Sự thay đổi không thể ngay lập tức mà phải dần dần trong vài thập kỷ. Phải có một cái nhìn dài hạn trong việc thay đổi về giáo dục.
Tất cả những người tham gia sự nghiệp thay đổi đó phải kiên trì, kiên định trên con đường của mình, nhưng trước hết phải đề ra được triết lý và mục tiêu rõ ràng".
Hạ Anh thực hiện